Động thái tích cực

GD&TĐ - Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả cấp học, tỉnh/thành phố trong cả nước, trong đó có giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, dự báo đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả khối lớp, sẽ phải bổ sung hơn 24 nghìn giáo viên của 3 môn học gồm: Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, môn Nghệ thuật cấp THPT. Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Ngay trong năm nay, Bộ giao chỉ tiêu tối đa theo nhu cầu đăng ký của các trường đào tạo giáo viên đối với những ngành đang thiếu giáo viên. Đây được coi là động thái tích cực nhằm giải quyết từng bước bài toán thiếu giáo viên.

Toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường đại học sư phạm; 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc. Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng. Quy mô đào tạo đại học sư phạm chính quy là trên 52 nghìn sinh viên.

Với số liệu trên, nếu công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường ổn định và khả quan thì vấn đề thiếu giáo viên sẽ không còn là bài toán khó. Đơn cử như: Năm 2021, tuyển sinh sư phạm đạt kết quả khả quan cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các trường tuyển được gần 96% trên gần 50 nghìn chỉ tiêu được giao. Số cơ sở đào tạo tuyển sinh đủ chỉ tiêu đã tăng từ 33,95% năm 2020 lên 41,82% năm 2022. Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng hơn năm trước.

Đặc biệt, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm đã có hiệu lực - cho phép cơ chế đào tạo giáo viên theo phương thức đặt hàng, đấu thầu. Do đó, các địa phương có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế để đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên. Chẳng hạn như, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng với Trường ĐH Sài Gòn để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đang dạy THCS đáp ứng dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ chủ trương, chính sách đào tạo theo đặt hàng. Trên tinh thần ấy, thời gian qua, Bộ đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đào tạo sư phạm, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới. Mới đây nhất, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã ký công văn đề nghị các địa phương rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023 đến năm 2025.

Cùng với đó, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm; xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào; triển khai các Dự án ETEP, Đề án 69, Đề án 89… nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng đào tạo nói chung.

Tuy nhiên, giải quyết bài toán thiếu giáo viên không phải là câu chuyện riêng của ngành Giáo dục, mà cần sự vào cuộc của các địa phương, chủ động của cơ sở đào tạo và sự phối hợp nhịp nhàng của cơ quan hữu quan. Trước hết, lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo sở GD&ĐT có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022 – 2023, mà cần tính toán đầy đủ các phần việc cho những năm tiếp theo.

Với cơ sở đào tạo, cần tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương, nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng và chất lượng cũng như cơ cấu từng môn học, cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ