“Đông – Tây phối kết” bảo tồn truyền thống

GD&TĐ - Hiện đại và truyền thống - hai khái niệm đối lập, nhưng thực tế lại không phủ nhận nhau. Ngược lại, hai loại hình nghệ thuật luôn đồng hành và có sự tương tác đặc biệt để bảo tồn lẫn nhau.

Phòng tranh graffiti của Cyril Kongo trên phố Tràng Tiền (Hà Nội).
Phòng tranh graffiti của Cyril Kongo trên phố Tràng Tiền (Hà Nội).

“Âm – thanh sắc - màu”, dự án nghệ thuật đầu tiên do huyền thoại graffiti gốc Việt Cyril Kongo bảo trợ và đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam - là sự kết nối giữa văn hóa bản địa và các loại hình nghệ thuật hiện đại.

Sự tiếp nối “kim – cổ”

Nhìn lại quá trình hình thành nghệ thuật ở Việt Nam, giới chuyên môn đánh giá cao những thế hệ nghệ sĩ tiên phong trong nỗ lực kết hợp tinh túy của truyền thống và hiện đại để mở ra con đường mới của sự phát triển.

Các nghệ sĩ giai đoạn đầu lấy văn hóa truyền thống làm nòng cốt để tạo nên cái mới. Tác phẩm của những danh họa như Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ… cho đến ngày nay đều vang danh và được săn tìm trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế.

Với mục đích là cầu nối tinh hoa nghệ thuật đương đại thế giới với di sản văn hóa Việt Nam, huyền thoại graffiti gốc Việt là Cyril Kongo đã mở phòng tranh trên phố Tràng Tiền (Hà Nội). Anh nói rằng: “Tôi là một công dân toàn cầu, nhưng ở Việt Nam, tôi mong muốn tìm kiếm những giá trị bản sắc thuần Việt”.

Ngay giữa không gian ngập tràn sắc màu graffiti của Cyril Kongo, công chúng được chiêm ngưỡng làn sóng nghệ thuật “truyền thống mới” với những trải nghiệm thú vị đến từ di sản truyền thống.

Với tinh thần trở về với văn hóa bản địa mạnh mẽ và tôn vinh quá trình sáng tạo những chất liệu mới, Cyril Kongo đang cùng nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam chia sẻ chung tầm nhìn: Chúng ta – người Việt Nam thế hệ mới - mở lòng đón nhận văn hóa toàn cầu, nhưng sẽ ra thế giới với bản sắc văn hóa của mình.

Trong dự án “Âm - thanh sắc - màu”, các yếu tố nghệ thuật phương Tây như kèn Trumpet, Hip hop, kĩ thuật scratching của DJ sẽ hòa quyện cùng chất liệu bản địa lấy cảm hứng từ văn học, nghệ thuật dân gian và truyền thống Việt Nam: Múa chèo, trống cơm, đàn tranh… Tất cả được trình diễn, thăng hoa trong không gian graffiti mang đậm dấu ấn Cyril Kongo.

Theo ban tổ chức dự án, graffiti là một trong bốn khía cạnh cơ bản của Hip hop. Bên cạnh “turntable” (kĩ thuật DJ), “rap” (kĩ thuật hát rap) và “breakdance” (kĩ thuật nhảy).

Graffiti sử dụng sự biến hóa từ chữ cái, ký tự để thể hiện góc nhìn của tác giả về cuộc sống xung quanh họ. Nhiều người cho rằng, graffiti là hành động phá hoại của công để đấu tranh tư tưởng. Nhiều người lại coi đây một loại hình nghệ thuật đặc biệt.

Cyril Kongo đấu tranh bảo vệ graffiti dưới danh nghĩa nghệ thuật, anh không ngừng đổi mới, khiến graffiti vượt ngoài khuôn khổ đường phố. Nghệ sĩ đã chứng minh, tinh thần của văn hóa truyền thống có thể đến từ bất cứ loại hình nghệ thuật nào.

Nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh.

 Nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh.

Tôn vinh nghệ thuật truyền thống

 “Âm – thanh sắc – màu” không chỉ là một thử nghiệm táo bạo, mà còn là cách tân đầy thú vị. Qua đó cho thấy, ngay cả những loại hình nghệ thuật cổ xưa nhất của Việt Nam có thể bảo tồn bằng cách phát triển và hòa quyện với dòng chảy âm nhạc đương đại, mà vẫn giữ được bản sắc đặc trưng.

Nội dung dự án “Âm – thanh sắc – màu” là những câu chuyện giàu cảm hứng về văn hóa đại chúng, nghệ thuật và phong cách sống. Nhưng qua sự kết hợp phức tạp đó, công chúng nhận ra nét đẹp tiềm ẩn bên cạnh nghệ thuật hiện đại phương Tây.

Các nghệ sĩ của dự án cho biết, chất liệu nghệ thuật được tích lũy trong nhiều năm, bởi hành trình tìm hiểu di sản văn hóa và nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam.

Ý tưởng nguyên bản của dự án được hình thành qua những buổi đối thoại trực tuyến với Cyril Kongo, khi nghệ sĩ này chia sẻ quá trình sáng tạo tác phẩm mới giống như nhạc thể nghiệm. Đó là sự kết nối giữa màu sắc và âm thanh, giữa chuyển động và âm nhạc.

Kết hợp các yếu tố nghệ thuật khác nhau như jazz, nhạc thể nghiệm, Hip hop hay nhạc điện tử và chất liệu truyền thống là một thách thức lớn. Khi tách ra khỏi không gian quen thuộc và kết hợp với các thể loại âm nhạc hiện đại, thì việc làm sao để giữ nguyên “tinh thần dân gian và truyền thống” trong khi vẫn phải có tính đặc trưng của thể loại pha trộn này là điều vô cùng khó khăn.

Dự án được lên ý tưởng trong 2 tháng và sản xuất trong 30 ngày. Đại dịch Covid-19 khiến quá trình làm việc và luyện tập cũng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi nhóm nghệ sĩ đến từ nhiều địa điểm khác nhau như Hà Nội, TPHCM và Paris.

Trong quá trình sáng tác và dựng bài, các nghệ sĩ đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc kết hợp các yếu tố nghệ thuật cá nhân, thể hiện qua những ngôn ngữ mới, cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc mà vẫn phải giữ được tinh thần của nghệ thuật truyền thống.

Tham dự trong “Âm – thanh sắc – màu”, Việt Nam có các nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, nghệ sĩ trumpet Phạm Hoành, nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh, vũ công Hip hop Lại Sao Mai, DJ Nguyễn Quang Việt, nghệ sĩ thị giác Vũ An Linh.

Trong số đó, công chúng chú ý bởi sự góp mặt của nghệ sĩ đàn tranh Hoài Anh. Cô được đào tạo sâu rộng về các nhạc cụ dân gian như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng. Dưới sự dẫn dắt và chỉ dạy của nhà nghiên cứu văn hóa - cố GS.TS Trần Văn Khê, Hoài Anh đã đạt được bằng Thạc sĩ Dân tộc nhạc học, chuyên ngành sân khấu chèo tại Đại học Sorbonne Paris năm 2009.

Kể từ đó, Hoài Anh trở về Việt Nam, hoạt động nghệ thuật và làm việc cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô từng biểu diễn các tác phẩm thể nghiệm, đương đại mang âm hưởng truyền thống ở Việt Nam và quốc tế.

Hi vọng qua sự tìm tòi đổi mới của nhóm nghệ sĩ trẻ, kết hợp nghệ thuật đương đại với truyền thống sẽ thổi một làn gió mát cho “truyền thống mới”. Qua đó, không chỉ tôn vinh nghệ thuật dân gian, mà còn khiến cho nghệ thuật truyến thống thêm sang trọng, lan tỏa rộng rãi hơn với công chúng Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ