Truyện ngắn:

Dòng sông thao thức

GD&TĐ - Tôi sinh ra ở vùng Kinh Bắc, một miền quê yên bình, nơi có dòng Thiên Đức hiền hòa thơ mộng.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Dòng sông đã nuôi tôi lớn lên bằng dòng nước mát, bát ngát phù sa, chan hòa nắng hạ, sáng lóa đêm trăng.

Vời vợi xa quê mấy chục năm ròng, nỗi nhớ cứ cháy lòng, buốt dạ. Dòng sông, bến nước ấy chưa bao giờ vợi vơi trong tôi. Một chiều hanh hao nắng, theo dấu ấn sóng nước triền đê, tôi cùng con trai trở về...

Nhà tôi ở gần sông Đình. Gọi là sông Đình vì nó ở phía trước ngôi đình làng. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là sông Thiên Đức chảy qua bảy xã Bắc Đuống. Con sông hiền hòa đã đi vào huyền thoại, gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước. Cùng dòng chảy nhưng đến đoạn trước đình làng lòng sông tự nhiên rộng hơn, hình cánh cung. Bồi về phía làng, lở về phía bãi. Nghe các cụ già nói, long mạch rất thuận với hướng làng. Vẫn là dòng nước ấy nhưng nước sông Đình trong hơn, xanh hơn, ngọt hơn, mát hơn đoạn sông khác.

Nghe mẹ kể lại, tôi sinh ra vào một buổi trưa Hè, vừa chui ra còn đỏ hon hỏn, cắt rốn xong bà nội đã quấn tôi vào tấm áo cũ. Bà bế vội ra bờ sông dìm phần chân tôi xuống ba cái và nhón tay lấy từng giọt nước quệt vào môi tôi 3 lần, vừa quệt nước bà vừa đọc... thần chú: “Uống nước ao vừa cao vừa lớn”. Cái miệng chúm chím của cô bé tôi cứ chóp chép. Không biết câu thần chú của bà có hiệu nghiệm không mà sau này cả đời tôi gắn bó với dòng sông ấy, vui có, buồn có thao thức mãi khôn nguôi.

Như bao đứa trẻ thôn quê khác, cứ mỗi chiều hè chúng tôi lại í ới gọi nhau ra tắm sông. Dòng sông đang dịu dàng êm ả trôi xuôi bỗng trở nên náo động. Tiếng cười đùa, tiếng ì oạp vũng vẫy vang dội cả một góc chiều. Bậc cầu được xây bằng gạch nghiêng, các bà các chị người giặt giũ, người gội đầu, người rửa rau... giặt chiếu. Cạnh sông có một cái giếng to duy nhất của làng, Hằng ngày, các anh chị thanh niên ra đó gánh nước nên cầu sông lúc nào cũng nhộn nhịp. Bọn trẻ chúng tôi cứ sông nước mà bơi, mà chơi, mà lớn, cứ... tồng ngổng, tồng ngồng bơi lội.

Mà lạ hồi ấy hầu như đứa trẻ trâu nào cũng biết bơi. Đứa nào chưa biết thì cho... chuồn chuồn cắn rốn rồi mon men mãi cũng bơi được. Mặc dù được bà nội cho... nhấm nháp nước sông từ lúc mới lọt lòng nhưng tôi nhút nhát mãi chẳng biết bơi cứ mon men bên mép nước. Trong đám trẻ con ấy, thằng Ba Hến là bơi giỏi nhất. Nó có thể đứng trên bờ vọt một cái đã ra gần giữa sông rồi tùm tũm vài đạp đã lặn mất tăm. Bọn trẻ còn đang nhớn nhác tìm chẳng thấy đâu, loáng cái đã thấy nó nhô lên cách xa hàng chục mét rồi cười ỏn ẻn. Sở dĩ nó bơi giỏi thế vì nhà nó ở bãi sông tách biệt với xóm giữa của làng.

Gọi là nhà nhưng thực ra 2 mẹ con nó ở túp lều giữa bãi. Mẹ nó là cô Ba người đàn bà góa, vừa đen vừa vẩu, có người sỗ mồm bảo mẹ nó là em thị Nở. Nó cũng chẳng biết bố nó là ai. Ba Hến lớn lên cùng sông nước. Cái tên Ba Hến cũng tự gọi mà thành thôi, chả là hằng ngày 2 mẹ con mò hến lấy tiền mua gạo, muối sống qua ngày. Nhà nghèo đến nỗi nó không có cả cái tên khai sinh và người ta ghép tên mẹ nó và cái nghề, cái nghiệp mà thành tên Ba Hến.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

So với lũ trẻ thì tôi là đứa bơi kém nhất. Hôm ấy, bọn bạn thấy tôi cứ mon men mép nước không dám ra xa. Lừa lúc tôi đang tùm tũm ven bờ, thằng Dị tồ ở đâu chạy đến đẩy tôi ra xa. Chân không tới đất, tôi chới với, bọn nó cười toáng lên, tôi cố vùng vẫy, bọn ấy không giúp còn vẩy nước làm tôi tối tăm mặt mũi, Ba Hến đang ở bên bãi nhìn thấy vậy hắn lao như một chú chim bói cá cắp luôn tôi định bơi một mạch sang bờ bên kia.

Tôi vừa choáng vừa sợ, nhìn bộ dạng cả hai mà tôi xấu hổ không biết chui vào đâu. Hắn thì tồng ngồng... của thằng trai 12 mới lớn. Còn tôi, cái áo cánh phin cũ mỏng dính đẫm nước, bó sát người, hằn rõ... hai cái chũm cau của kẻ “dậy thì thành công”. Tôi đỏ mặt, tía tai muốn khóc. Ba Hến lủi nhanh vào túp lều nhà hắn, mặc vội quần áo rồi dỗ dành tôi. Hắn lấy bộ quần áo nhàu nhĩ của mẹ bảo tôi mặc tạm, lát nữa sẽ đưa tôi qua sông để về nhà.

Thế rồi, cứ vậy lũ chúng tôi phổng phao từng ngày, lớn lên từng ngày bên dòng sông ấy. Chúng tôi cùng sinh hoạt một chi đoàn. Tôi trong ban chấp hành được phân công phụ trách mảng văn hóa, tuyên truyền cổ động (Hồi ấy chưa có hệ thống loa truyền thanh, nên có sự kiện gì của xóm làng, chúng tôi cầm loa... sắt tây đi quanh làng để tuyên truyền, cổ động). Và tôi cũng được phân công dạy bổ túc văn hóa cho Ba Hến.

Có ít chữ giờ hắn đã biết cần có giấy khai sinh, chứng minh thư, có tên có tuổi hẳn hoi. Hắn lấy tên là Bình - Nguyễn Hòa Bình - cái tên ý nghĩa và đẹp đáo để. Hắn học sáng dạ lắm, chỉ mấy tháng đã đọc thông, viết thạo, thuộc làu bảng cửu chương. Và rồi, sau khóa học chúng tôi như là yêu thích nhau lúc nào không biết. Vẫn trên bờ sông ấy, tối tối, tôi ra giếng Đình gánh nước và Bình đã đứng đấy không biết từ bao giờ. Anh kéo nước giùm tôi rồi chuyện trò đủ thứ. Khi tình yêu thích nhau đến độ thắm thiết lại đúng vào thời chiến tranh bùng nổ, ngày càng ác liệt. Hòa Bình của tôi viết đơn xung phong vào quân ngũ... “Trai thời loạn, Tổ quốc đang cần anh em à” - Hòa Bình giải thích với tôi.

Mấy năm cùng sinh hoạt đoàn, rồi yêu nhau nhưng chúng tôi chưa bao giờ vượt qua... “giới hạn”, ngoài đầu mắt, cuối mày và những cái cầm tay vụng về vội vã. Là cán bộ đoàn nên tôi càng phải... “nén lòng”.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Vậy mà, tôi không thể quên bên bờ sông năm ấy chúng tôi bịn rịn chia tay, hẹn hò, thề thốt. Không cắt máu ăn thề, chẳng rượu bia mà ngây ngất. Tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó: “Đêm ấy một lần em hóa rượu/ Anh về pha lẫn chút hoàng hôn/ Rót vào mê muội chưa đầy cốc/ Mà để trong nhau ngấn lệ buồn”. Chúng tôi lấy dòng sông làm nhân chứng, rồi mỗi người cùng uống chung một ngụm nước sông quê hẹn thề. Càng về đêm cảnh vật càng im ắng, xa xa chỉ văng vẳng tiếng chim từ quy gọi bạn, tiếng dế ri rỉ khơi tình.

Chợt con gà trống ngái ngủ nhà ai cất tiếng gáy canh năm. Thời gian không còn nhiều, anh trao cho tôi cái hôn đầu tiên, nồng nàn gấp gáp. Tim tôi đập loạn nhịp, cả người nóng ran như sắp bùng cháy. Tôi tự hỏi : “Sao thế này???”. Tôi nghẹt thở, người như muốn nhũn ra. Nhưng tôi cố trấn tĩnh, tự mình gồng lên và tự nhủ: “Không, không thể. Mình là một cán bộ đoàn”... Tôi cố gỡ tay anh ra... Rồi hai đứa cùng bật khóc, chẳng hiểu khóc vì cái gì nữa. Bỗng cả bọn trống choai trong xóm đồng loạt gáy vang như thúc giục chúng tôi trở về thực tại. Chúng tôi chia tay nhau không nói nên lời, anh bơi ngược trở về bên bãi, tôi ngoái đầu nhìn lại bến sông.

Anh đi rồi, tôi như người mất hồn. Tối nào cũng ra bến sông nơi ấy để trăn trở, để thổn thức rồi tự dằn vặt mình: Chiến tranh ác liệt vậy, vào chiến trường không biết sống chết ra sao. Nhà anh lại con một, mẹ anh thì ngày càng già yếu. Tại sao mình không sống là chính mình? Tại sao không cho anh một... cơ hội, để nếu anh có hy sinh thì cũng biết có một người con gái, để mẹ anh có cháu đích tôn, niềm vui, nương tựa lúc tuổi già?.

Nhưng lúc ấy, thập kỷ sáu bảy mươi ấy… Điều đó là… kinh khủng, là xấu xa, là tội lỗi...

Sau khi nhập ngũ, anh được huấn luyện pháo binh một tháng ở Bắc Giang. Rồi đơn vị được lệnh hành quân vào tiếp sức cho chiến trường Quảng Trị. Biết được hoàn cảnh của anh, đơn vị cho về qua nhà một đêm và thật bất ngờ, hay sự sắp đặt của số phận. Chiều hôm ấy, cô Ba đi bắt hến bị cảm nắng, may có người phát hiện dìu về nhà. Nghe tin, tôi xin phép mẹ rồi vội vã mang chục trứng sang thăm, nấu giúp cô nồi cháo. Chập tối trời bỗng đổ mưa. Cô Ba bảo tôi ngủ lại, không đành lòng trở về khi thời tiết và hoàn cảnh như vậy. Đúng nửa đêm có tiếng gõ cửa: “Mẹ, con là Hến đây, đơn vị cho phép con qua nhà, sáng mai sẽ tiếp tục hành quân...”.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Cửa mở, cả tôi và anh đều sững người không ai nói nên lời... Chuyện trò hỏi han động viên mẹ một lúc rồi anh khuyên mẹ ngủ cho đỡ mệt. Chúng tôi lại ra bờ sông trò chuyện. Gió như lặng hơn, sông như đằm hơn, trăng lấp ló sau trận mưa mờ mờ hơn, tỏ tỏ hơn. Bao khao khát đợi chờ, mong nhớ... Rồi những cơn thở gấp, những nụ hôn nồng cháy, rồi cái gì đến sẽ đến... Anh trao cho tôi tất cả cái ngày nào thơ bé ấy. Tôi hiến dâng anh tất cả con sóng sông Đình...

Cái đêm chia tay gấp gáp lần này ấy không biết là vui hay buồn, không biết thiên đường hay địa ngục, không biết trời Phật ban thưởng hay trừng phạt tôi... Tôi rối lên trong nỗi nhớ anh... Thời gian trôi đi trong thảng thốt... Và ngày nhận được tin anh hy sinh cũng là ngày tôi biết đang mang trong mình giọt máu của anh. Tôi ngã quỵ mấy ngày không dậy được. Thời ấy sự việc này là... nguy hiểm, là kinh khủng lắm. Tôi lại là cán bộ đoàn biết ăn nói sao đây?

Tôi như kẻ mộng du. Hằng đêm ra bờ sông nơi chúng tôi đã hẹn thề để khóc than cho số phận, thương anh, thương mình, rồi tôi quẫn trí... Nhưng không hiểu sao đúng lúc “tôi dang tay ôm nước vào lòng/ sông mở nước ôm tôi vào dạ” - nước mùa này vốn đầy vậy mà nơi tôi trẫm mình - chỉ vừa chạm mũi... tôi uống liền ba ngụm nước, nhưng mũi tôi vẫn có chỗ cho không khí chui vào. Dòng nước như rẽ ra. Chợt ở đâu một thân chuối trôi tới, giữa ánh trăng lấp loáng, tôi như nhìn thấy thân thể của chàng trai mới lớn ngày nào đưa tôi vào bờ khi sắp bị đuối nước. Phía xa, bóng một người đàn bà ra sông quẩy nước. Tôi nhận ra cô Ba, mẹ anh. Rồi nhịp tim tôi chùng lại: Không thể, không thể thế. Tôi nghe như có tiếng anh văng vẳng đâu đây “Em ơi con chúng mình đang gọi anh... gọi anh” - và tôi đã tự kìm và tự lội vào bờ.

Tôi trở về nhà trong thổn thức bối rối... Và rồi tôi mắm môi đến bật máu, quyết chọn lối rẽ bỏ quê, bỏ bờ sông đã tắm cả đời tôi, đi tới một nơi thật xa... Gia tài của tôi mang theo chỉ có hai thứ đó là nỗi nhớ anh và giọt máu anh đang lớn lên từng ngày trong lòng tôi.

* * *

Một chiều hanh hao nắng. Nỗi buồn dâu bể cũng đã thừa đủ ngấm vào từng tế bào da thịt người thiếu phụ đằng đẵng xa quê nuôi con, thờ chồng chưa kịp cưới xin... Trên triền đê, tôi cùng con trai trở về, nó cũng vừa tới cái tuổi 12 của thằng trai mới lớn như bố nó ngày nào....

Ngôi lều bên sông không còn nữa. Cô Ba đã được chính quyền địa phương xây tặng ngôi nhà tình nghĩa ở giữa làng. Khi hai mẹ con tới cổng thấy mọi người đang tập trung rất đông. Bà Ba nằm bất động trên giường, gương mặt trắng bệch, thoi thóp thở. Mọi người cho biết bà bị ốm tháng nay rồi, dân làng đưa bà đi bệnh viện, nhưng bênh nặng lại tuổi cao, bác sĩ cho về để... chuẩn bị lo hậu sự. Lời trăng trối cuối cùng của bà là: “Giá như... thằng Ba Hến để lại cho tôi… đứa cháu nội.

Và khi tôi chết nếu tìm được hài cốt của thằng Hến hãy mang nó về bên cạnh tôi”. Tôi vội vàng quỳ xuống cạnh giường và nức nở: “Mẹ,... bà... cháu nội của bà đây, cháu đích tôn của mẹ đây”. Con trai tôi cũng chạy vào bên bà, lúc đó mọi người mới đổ dồn về thằng bé và ồ lên: “Chao ôi! Sao mà nó giống Ba Hến đến vậy. Bà ơi bà hãy tỉnh dậy nhìn thằng cháu đích tôn của bà này”. Bà từ từ mở mắt, nhìn thằng bé, thần sắc bà tươi tắn hẳn lên. Rồi bà tỉnh dần, tỉnh dần. Một tháng sau, bà dậy đi lại được.

Cuộc sống đang hồi sinh trong gia đình tôi, trong mọi người cùng nỗi nhớ thương không bao giờ trở về. Tôi xin phép bà trở vào Quảng Trị lần này là lần thứ 12... Lần này, tôi quyết định nhờ người lặn xuống đáy sông Thạch Hãn, mò chút bùn bỏ vào chiếc tiểu sành mang về. Tôi vừa khóc như chưa từng được khóc, vừa nói với bà: “Mẹ ơi, con trai Ba Hến của mẹ đây, anh Hòa Bình của con đây”. Đôi mắt mờ đục của bà mẹ liệt sĩ bỗng sáng rực lên: “Ôi con tôi, giờ mẹ có chết cũng nhắm mắt được rồi...”.

Sông Đình ngày xưa nay chỉ còn là con lạch nhỏ và sao lại như rộng hơn xưa, lạ quá... Nhưng dòng sông kí ức thì không ngừng và còn chảy mãi trong tôi mang theo một thuở một thời...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.