Vào tháng cuối cùng của năm 2022, bộ phim “Tro tàn rực rỡ” (kịch bản và đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên) xuất hiện ở rạp chiếu thương mại, sau khi đã giành giải cao nhất tại Liên hoan phim ba châu lục được tổ chức thường niên tại thành phố Nantes (Pháp).
Giải thưởng này là một sự kiện ý nghĩa, làm nức lòng nhiều người làm phim đang trăn trở, loay hoay tìm hướng đi cho tác phẩm của mình. Nó cũng cho thấy rằng nếu chủ tâm làm một tác phẩm tử tế thì điện ảnh nước nhà vẫn gặt hái được thành công ở những liên hoan quốc tế vừa và nhỏ.
“Tro tàn rực rỡ” cùng với “Đêm tối rực rỡ” (ra rạp hồi tháng tư năm nay, giải Cánh diều vàng 2021) được nhiều khán giả bình chọn là hai tác phẩm “rực rỡ” nhất, tỏa sáng trên gam màu trầm lắng của điện ảnh Việt năm nay, một năm có quá nhiều phim thua lỗ, đặc biệt có những phim bị gọi là “thảm họa” bởi sự đơn giản, dễ dãi của người làm nghề.
Gắn mác “phim nghệ thuật”, “Tro tàn rực rỡ” đã có màn “chào hỏi” đẹp mắt cả ở góc độ chuyên môn và truyền thông. Ê kíp làm phim không tiết lộ kinh phí đầu tư và chắc chắn họ sẽ không kỳ vọng vào doanh thu thương mại, dù tác phẩm được ưu ái ở các rạp chiếu.
Điều này tạo tâm lý thoải mái cho cả phía làm phim và phía người xem. Bởi thực tế phim nghệ thuật luôn kén khán giả, và một bộ phim đạt doanh thu phòng vé luôn kèm nhiều yếu tố may mắn khác.
Song cũng là một thực tế, rằng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của dòng phim nghệ thuật. Những tác phẩm có sức nặng nội tâm và ý nghĩa xã hội được thể hiện với nhiều tìm tòi đổi mới luôn là đích hướng đến trong sự phát triển của điện ảnh, thách thức sáng tạo của người trong cuộc. Nếu không có thách thức này, thì nghệ thuật sẽ dừng chân một chỗ.
Vậy nhưng, có vẻ như trong đời sống nghệ thuật ở nước ta càng ngày càng thiếu những tác phẩm như vậy. Xã hội hóa trong điện ảnh là hướng đi đúng. Ngày càng nhiều sản phẩm giải trí hướng tới thị trường cũng là điều hợp quy luật. Một số phim được sản xuất từ nguồn vốn Nhà nước thì tồn tại âm thầm, hầu như không có tiếng nói, không tạo được dư luận. Điện ảnh Việt loay hoay tìm hướng đi giữa bộn bề thử thách.
Vậy nên, để duy trì dòng phim nghệ thuật - gương mặt của một nền điện ảnh, cần lắm sự bảo trợ từ nguồn vốn đầu tư công. Khi có một chiến lược phát triển điện ảnh, có sự chủ động, bài bản trong sản xuất, truyền thông, đào tạo con người thì sẽ kích thích được sáng tạo của những nghệ sĩ tâm huyết mong muốn đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật không thể đòi hỏi kết quả trong ngày một ngày hai. Nhưng đó luôn là sự đầu tư có lãi.