Buổi sáng từ 6h đến hơn 7h, buổi chiều từ 16h-18h là thời điểm hoạt động cao điểm của những chiếc xe “hết đát” ở Đồng Nai. Đó là giờ học sinh đi học tan học, công nhân vào tan ca, được “đưa rước” bằng những chiếc xe không thể cũ hơn.
Chiếc xe BKS 60B 020.12 quá cũ nát nhưng tem đăng kiểm cho thấy vẫn còn thời hạn đăng kiểm đến tháng 1/2019. |
Trường THCS Hòa Hưng nằm trên đường Ngô Quyền thuộc xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. 16h30 là thời gian học sinh tan học, nhưng từ khoảng 16h đã có rất nhiều xe đưa rước tập trung trước cổng trường chờ học sinh. Nhìn sơ bên ngoài cũng có thể thấy nhiều xe đã cũ nát với lớp vỏ rỉ sét, móp méo, thậm chí không có cả đèn xe. Bên trong xe được hoán cải, thay thế bằng những băng ghế dài, không có chỗ tựa, chỗ bám tay.
Tan trường, học sinh ùa ra, những em nào đi xe đưa rước nhanh chóng leo lên chiếc xe “quen thuộc” của mình. Theo quan sát của phóng viên, không có xe nào chở đúng số người quy định. Mỗi chiếc xe đều nêm chặt học sinh, con số có thể gấp đôi, thậm chí gấp 3 số người được phép chở. Trên xe chỉ có một tài xế, không có người lớn quản lý đám trẻ hiếu động. Đứa đứng, đứa ngồi, có đứa thò cả tay, cả đầu ra ngoài cửa sổ hò hét. Đám trẻ vô tư nô đùa, cười nói trên xe mà không hề biết tính mạng mình đang giao phó cho những chiếc xe “nát”, xe “ma”.
Chị Dương Thị Út ở phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa cho hay, trước đây chị cũng gửi con đi xe đưa rước nhưng thấy những chiếc xe không đảm bảo, chị đành bớt công bớt việc đưa đón con bằng xe máy cho an toàn. Chị Út ngao ngán: "Xe đưa rước cũ kỹ, nhiều người tài xế lái ẩu quá cũng hơi sợ. Em không dám cho con đi. Nhìn chiếc xe cũ kỹ, bác tài lái ẩu quả cũng sợ nên tự đưa rước con cho an tâm hơn".
Hoặc xe mới hơn thì cũng nhồi nhét quá số lượng. Không có người quản lý, học sinh thò đầu ra ngoài thiếu an toàn. |
Chiếc xe loại 16 chỗ biển kiểm soát 60B– 020.12 có lẽ thuộc diện “đáng sợ” nhất trong số những chiếc xe đưa rước ở trường THCS Hòa Hưng. Bề ngoài cũ nát, không có đèn xe, thậm chí kính phía sau xe đã vỡ từ bao giờ. Một học sinh nam lên xe bằng cách… chui qua ô cửa kính đã vỡ này. Chiếc xe “nát” đến mức tài xế phải đập mạnh vài lần mới đóng được cửa bên ghế lái trước khi phóng đi để lại làn khói đen kịt. Thế nhưng tem đăng kiểm phía trước cho thấy chiếc xe còn hạn đăng kiểm đến tháng 1/2019. Thật khó hiểu khi một chiếc xe trong tình trạng như vậy lại vẫn được chứng nhận kiểm định.
Tương tự là chiếc xe biển kiểm soát 60B – 009.80 đưa rước học sinh ở trường Tiểu học Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa), trên hệ thống thông tin đăng kiểm chiếc xe này thậm chí không có hồ sơ.
Hàng ngày chứng kiến những chiếc xe quá cũ nát làm xe đưa rước, anh Long, người dân ấp 1, xã An Hòa (TP. Biên Hòa) rất bức xúc. Anh Long khẳng định, tình trạng dùng xe “nát”, xe hết niên hạn đưa rước học sinh ở Đồng Nai đã có nhiều năm nay nhưng không được ai quan tâm, từ nhà trường đến phụ huynh học sinh.
Những chiếc xe đã cải hoán, thay băng ghế để nhồi nhét học sinh. |
Không chỉ có xe đưa rước học sinh, xe đưa rước công nhân cũng không khả quan hơn. Có chăng chỉ là chiếc xe trông… đẹp hơn vì công nhân đã là người lớn, xe “nát” quá thì không ai dám đi. Xe đưa rước công nhân cũ nát không khó để bắt gặp ở nhiều nơi có nhà máy, khu công nghiệp như TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Trảng Bom, từ những chiếc xe loại 16 chỗ cho tới xe 30 chỗ, thậm chí loại lớn hơn cũng có.
Tại ngã 4 Bến Gỗ (giao giữa Quốc lộ 51 với đường Ngô Quyền, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), một chiếc xe hiệu Mecedes 16 chỗ biển kiểm soát 60B thường xuyên chở công nhân ra vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Trên tem đăng kiểm cho thấy chiếc xe đã hết đăng kiểm từ tháng 8/2016, nhưng nó vẫn vô tư đưa rước công nhân hàng ngày. Để né tránh lực lượng chức năng, chiếc xe chạy từ đường Ngô Quyền băng qua Quốc lộ 51, qua ngã 4 Bến Gỗ sau đó men theo những đường nội bộ của khu công nghiệp đưa công nhân tới nhà máy.
Chị Trần Ngọc Anh (xã An Hòa, TP. Biên Hòa) làm công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, đi xe đưa rước tiện hơn nên chị và rất nhiều công nhân khác hợp đồng miệng với nhà xe, nhưng có xe nào thì đi xe nấy chứ không được lựa chọn, và thực tế là nhìn chiếc xe thấy còn “được được” là đi chứ không ai quan tâm xe có đăng kiểm hay không, tài xế có bằng lái hay không.
"Chúng tôi có hợp đồng trực tiếp với tài xế rồi cứ đi, tới tháng trả tiền. Nhiều khi chiếc xe nó cũ cái cửa chạy ra chạy vô ngồi cũng nguy hiểm lắm. Nhưng có xe là được rồi, còn đỡ hơn là không có", chị Ngọc Anh cho biết.
Giờ cao điểm, ở vùng ven của TP Biên Hòa như các phường Long Bình, Long Bình Tân, xã An Hòa, xã Phước Tân…, xe hết đăng kiểm, hết niên hạn thỏa sức tung hoành. Những chiếc xe “nát”, hết đăng kiểm, hết niên hạn dùng làm xe đưa rước là thực trạng nhức nhối đang tồn tại ở Đồng Nai, bất chấp việc chúng không đảm bảo an toàn, đánh cược sinh mạng của những người ngồi trên xe.