Đồng Nai nỗ lực hiện thực hoá ‘Net Zero’ để phát triển bền vững

GD&TĐ - Đồng Nai đặt ra lộ trình giảm thiểu khí carbon, tạo ra chương trình hành động cụ thể ở từng doanh nghiệp, thực hiện Net Zero để phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội nghị chuyên đề Xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: HP)
Toàn cảnh hội nghị chuyên đề Xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: HP)

Ngày 26/3, Tỉnh uỷ Đồng Nai tổ chức Hội nghị chuyên đề Xu hướng Net Zero (phát thải khí nhà kính bằng 0) của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai.

Đặc mục giảm thiểu khí carbon

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh tăng trưởng xanh đã và đang và sẽ là xu hướng, là con đường phát triển của thế giới.

Tại hội nghị COP 28 (Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu), Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết với cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam sẽ đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Điều này đánh dấu sự tiên phong của Việt Nam trong việc tham gia cam kết này, tương tự như các nền kinh tế phát triển cao trên thế giới.

Với dự báo là một trong 5 nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang đứng đầu trong việc thực hiện các cam kết về mục tiêu Net Zero.

Việc triển khai cam kết của Chính phủ và hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững, nên tỉnh Đồng Nai sẽ tiên phong xây dựng và thực hiện đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: HP)

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: HP)

Đồng Nai là địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước. Tỉnh rộng 5.863km2, dân số trên 3,2 triệu người.

Trên địa bàn tỉnh có trên 53.000 doanh nghiệp với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1 nghìn dự án đầu tư trong nước.

Đồng Nai cũng là 1 trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cho quốc gia và đang theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với Công ước tại hội nghị COP26 và COP28.

Đồng Nai đã từng bước tiến hành mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững, đồng thời đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với phát triển xanh.

Trong đó, tỉnh sẽ quyết tâm cùng với các đối tác đồng hành để thực hiện cam kết của Việt Nam trong Công ước khung về biến đổi khí hậu.

Điều này được thể hiện rõ trong các định hướng phát triển của tỉnh từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), cũng như trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh Đồng Nai đã xác định mục tiêu phát triển theo hướng bền vững và quyết tâm giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Đưa vào vận hành thị trường tín chỉ carbon

Tại hội nghị, UBND tỉnh Đồng Nai đã công bố Quyết định 385/QĐ-UBND tỉnh ngày 19/2/2024 về việc phê duyệt Đề án giảm thiểu khí Carbon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).

Theo Đề án trên; tỉnh sẽ nghiên cứu hồ sơ phát thải khí nhà kính, xác định hướng phát thải nhà kính theo 4 lĩnh vực: Năng lượng, chất thải, quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển đổi sử dụng đất.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Võ Tấn Đức cho biết, Đề án giảm thiểu khí carbon đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc tỉnh Đồng Nai thực hiện cam kết với các mục tiêu về khí hậu của cả quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Đề án này cũng đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và nhiều doanh nghiệp tại hội nghị. (Ảnh: HP)

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và nhiều doanh nghiệp tại hội nghị. (Ảnh: HP)

Đề án mở ra những cơ hội mới cho Đồng Nai trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế trung tính carbon, đồng thời đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Mục tiêu của Đề án là đánh giá chính xác tình hình phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh. Thời gian triển khai nghiên cứu và thực hiện Đề án là 18 tháng.

Đồng Nai đã xác định cụ thể tiềm năng của các nguồn năng lượng, cũng như các khu vực và địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã đưa một số dự án năng lượng vào hoạt động triển khai ở các khu vực có tiềm năng.

Mục tiêu của Đồng Nai là phát triển cơ chế trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon, cũng như tạo ra thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Đến năm 2030, thị trường tín chỉ carbon của tỉnh sẽ được điều hành và kết nối với thị trường carbon trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ