Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhìn nhận, Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
- Chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Công đoàn Giáo dục các cấp đã có những hoạt động, phong trào gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?
- “Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập” là chủ trương được Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục triển khai đến cán bộ, nhà giáo, người lao động và các trường học nhiều năm qua.
Cụ thể hóa nội dung này, nhiều trường học đã tổ chức thành công các “Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” dưới sự bảo trợ của tổ chức công đoàn. Từ đây, nhà giáo có cơ hội phát triển bản thân qua các hoạt động của nhóm, trong đó việc chia sẻ điểm mạnh, hỗ trợ khắc phục yếu điểm mỗi cá nhân là nhiệm vụ chính của các thành viên trong nhóm.
Điển hình là nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển ở các trường phổ thông đã cùng nhau tháo gỡ nhiều khó khăn khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, trong xử lý các tình huống sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng các nền tảng số trong dạy học, quản lý học sinh.
Giảng viên các trường đại học cùng chia sẻ giải pháp để nâng cao chất lượng công bố quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của đổi mới, tự chủ giáo dục đại học hiện nay.
Một số Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đã vận dụng chủ trương này thành các chương trình cụ thể động viên tinh thần đổi mới, dám đối mặt với thách thức để tìm ra giải pháp hay, giải quyết các tình huống sư phạm, vấn đề mới và khó của chuyên môn.
Điển hình như giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” của Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã phát hiện, tôn vinh và nhân rộng nhiều cá nhân thầy cô và tập thể nhà trường có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, quản lý và giáo dục học sinh. Đây là phương thức tạo động lực, truyền cảm hứng cho giáo viên để họ sẵn sàng vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm trước những thách thức đặt ra ngày càng nhiều trong công việc và cuộc sống.
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo, người lao động. Công tác này được các cấp công đoàn thực hiện thế nào trong giai đoạn 4.0?
- Ứng dụng các công nghệ hiện đại để chăm lo, bảo vệ đội ngũ nhà giáo, người lao động là nhiệm vụ đặt ra cho các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục hiện nay.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tập trung nghiên cứu và tận dụng các nền tảng số như Zalo, Facebook, ứng dụng Google driver để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động một cách khách quan và thuận tiện, chính xác. Từ đó, có cơ sở để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, băn khoăn, khúc mắc của nhà giáo, người lao động một cách kịp thời.
Đồng thời, qua các công cụ này đã phản hồi, cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống, góp phần ổn định công tác tư tưởng và là kênh thông tin chính thống để người lao động tin cậy, hạn chế việc tự mày mò, tìm kiếm những thông tin có thể sai lệch từ các kênh thông tin không chính thống khác.
Từ giải pháp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng kịp thời cung cấp cho Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan chức năng về tính thực tiễn của các chế độ chính sách hiện hành. Từ đó có những điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp.
Năm 2023, chỉ trong một tuần, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận hơn 6 nghìn ý kiến của người lao động trong ngành Giáo dục gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT để phục vụ cho cuộc gặp gỡ, đối thoại của Bộ trưởng với nhà giáo, người lao động cả nước.
Hiện, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiến hành ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI vào việc chuyển hóa các văn bản chỉ đạo đến cơ sở để người lao động dễ tiếp cận nhất, tiếp cận một cách sâu sắc nhất các chủ trương lớn, nhiệm vụ cụ thể của công đoàn thông qua các hình thức như tạo bản infographic trực tuyến tĩnh, động; video sinh động mà nội dung được AI tạo ra từ các văn bản.
Giúp nhà giáo thêm tự hào về nghề
- Một vấn đề được xã hội quan tâm là chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, thu hút, sự tôn vinh của xã hội… vẫn chưa tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Câu trả lời thuyết phục nhất cho vấn đề này chính là việc thu hút nhân lực vào ngành Sư phạm cũng như vấn đề giữ chân giáo viên ở lại với ngành Giáo dục.
Trong nhiều lựa chọn ngành nghề hiện nay, ngành Giáo dục chưa phải là lựa chọn đáng để học sinh quan tâm nhiều. Có nhiều lý do, trong đó có sự thấu hiểu, quan tâm của xã hội, đầu tư của Nhà nước và đặc biệt thu nhập của lao động trong ngành Giáo dục.
Để góp phần giải bài toán này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có những chương trình và triển khai hết sức cụ thể tới đội ngũ nhà giáo ở các trường học với mục đích để họ nhận ra chân giá trị của cuộc sống và nghề dạy học. Từ đó, mỗi nhà giáo tự hào về nghề mình đã chọn, tự tin với cống hiến của mình và vững tâm trước những tác động của xã hội, cuộc sống.
Cụ thể là việc tuyên truyền tới nhà giáo, nhà trường những chủ trương mới, thay đổi về chính sách mới của Đảng và Nhà nước đối với nhà giáo để cập nhật và có động thái tích cực cho bản thân cũng như đồng nghiệp.
Triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc bắt đầu từ việc tạo dựng thầy cô giáo hạnh phúc của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong suốt 6 năm qua đã giúp thầy cô tìm được cảm hứng trong công việc. Các thầy cô được tạo động lực và thúc đẩy sự khát khao, nỗ lực trong lao động nghề nghiệp, nhân lên những khát khao trong quá trình cống hiến với nghề.
Hỗ trợ tích cực
- Năm học 2024 - 2025 khép lại chu kỳ của Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi trong kiểm tra đánh giá, giảng dạy. Công đoàn Giáo dục Việt Nam có những giải pháp gì để giúp nhà giáo, người lao động tháo gỡ những khó khăn trong lao động nghề nghiệp?
- Chúng tôi đã tổ chức các chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực nghề nghiệp” xuyên suốt trong toàn nhiệm kỳ. Trong đó, cốt lõi là cùng giáo viên tìm kiếm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đối mặt với thách thức. Thông qua các hoạt động cụ thể của tổ chức công đoàn tại các cơ sở như: “Trường giúp trường, phòng giúp phòng, giáo viên giúp đỡ giáo viên”, các chương trình được tổ chức rộng khắp ở tất cả tỉnh thành phố.
Chương trình “Đồng hành cùng nhà giáo” được tổ chức live stream định kỳ trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề cập đến những khó khăn của giáo viên trong quá trình lao động nghề nghiệp. Giáo viên có thể tham gia trực tuyến và đặt những câu hỏi với các chuyên gia tham gia đối thoại và giải đáp trong chương trình.
Đối với những giáo viên hoàn cảnh khó khăn, điều này cũng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng công tác chuyên môn, công đoàn các trường học tổ chức hỗ trợ bằng vật chất và tinh thần để họ vững tâm với công việc, vươn lên trong cuộc sống.
Tạo cơ hội cho thầy cô nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng mới và khó. Đây cũng là cơ hội để họ khẳng định mình và công đoàn xây dựng những điển hình tiên tiến, mô hình tốt nhân lên trong toàn ngành.
- Cơn bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra đã tác động rất lớn đến ngành Giáo dục ngay đầu năm học 2024 - 2025. Xin ông cho biết những hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong việc hỗ trợ các nhà giáo gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão lũ?
- Cùng với Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kịp thời huy động nguồn lực để hỗ trợ giáo viên và học sinh ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, tất cả nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên vùng bão lũ bị gặp nạn đã được hỗ trợ bằng kinh phí do các cấp công đoàn và đồng nghiệp cả nước thăm hỏi, động viên, chia sẻ. Chúng tôi tiếp tục cập nhật để cùng các thầy cô và nhà trường tái thiết trường học sau bão lũ có thể trở lại dạy học bình thường.
Sự chia sẻ của toàn ngành và các lực lượng xã hội tới đội ngũ nhà giáo, người lao động gặp nạn trong thời gian qua, một phần tháo gỡ khó khăn về vật chất, mặt khác đã động viên tinh thần, giúp họ có niềm tin vào cộng đồng, từ đó yên tâm, chuyên tâm và trách nhiệm hơn với công việc, góp phần giải quyết nhiều vấn đề lớn của giáo dục vùng khó trong thời gian qua cũng như thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Thời gian tới, Công đoàn các cấp trong ngành Giáo dục sẽ được Công đoàn Giáo dục Việt Nam cung cấp các trợ lý ảo phục vụ công tác khai thác thông tin nội bộ, tư vấn pháp luật và hỗ trợ thiết kế các chương trình trong tổ chức hoạt động tại cơ sở”. - Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam