Đáp ứng yêu cầu đổi mới
Nâng chuẩn IELTS cho giáo viên tiếng Anh, hỗ trợ giáo viên cơ bản dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh là những khóa đào tạo được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức nhiều năm nay. Hoàn thành những khóa học này, giáo viên được cấp chứng chỉ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tham gia khóa học nâng chuẩn IELTS, cô Nguyễn Thị Thơm - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn cho biết: Tiếng Anh ngày nay là công cụ cần thiết để hội nhập quốc tế. Để có bài giảng hay, cần phải tìm hiểu nhiều thông tin, ứng dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến và điều cần nhất là phải biết thêm ngoại ngữ.
Còn theo thầy Cai Việt Long - giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm), khóa đào tạo giúp đội ngũ nâng cao khả năng ngoại ngữ, nhờ đó thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu các tài liệu chuyên môn quốc tế. Mặt khác, tư duy mới về phương pháp dạy học có được từ khóa học này giúp thầy cô thay đổi cách giảng dạy để phù hợp với nền giáo dục thông minh, hiện đại.
Không chỉ nâng cao trình độ ngoại ngữ, hàng trăm giáo viên các cấp mầm non, tiểu học và THCS quận Hoàn Kiếm đã hào hứng tham gia khóa học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình dạy học. Các thầy cô được tìm hiểu về những kiến thức và kỹ năng sử dụng Chat GPT trong quản lý và giảng dạy, hiểu về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục.
Bà Trịnh Ngọc Trâm - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong giáo dục hiện đại, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng. AI đang ngày càng phát triển và có nhiều ứng dụng trong giáo dục, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, quản lý giáo dục và phát triển kỹ năng của học sinh.
Ở cấp học mầm non, AI có thể hỗ trợ tạo các chương trình học tập tương tác, trò chơi giáo dục hấp dẫn, giúp trẻ hứng thú, tập trung tạo hiệu quả cao trong học tập. Nhờ AI, cô giáo có thể thiết kế bài giảng, tạo những bản nhạc mà không cần nhiều kiến thức về nhạc lý.
Sang cấp tiểu học, AI có thể chấm điểm bài tập và bài kiểm tra, cung cấp phản hồi tức thì cho học sinh, giúp cá nhân hóa việc học bằng cách phân tích dữ liệu học tập và cung cấp bài học, bài tập phù hợp với trình độ khả năng của từng học sinh.
Còn với cấp THCS, AI đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và đánh giá học sinh. AI có thể tự động tạo ra nội dung học tập như câu hỏi, bài tập và bài kiểm tra dựa trên các tiêu chí mà giáo viên đặt ra. Điều này cũng giúp giảm thiểu khối lượng công việc của giáo viên.
Tiền đề vững chắc
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, giáo dục thông minh là nền giáo dục có sự hỗ trợ của công nghệ, cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau, cá nhân hóa nội dung đào tạo. Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, nhà trường ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao nhận thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy.
Đến nay, các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành Giáo dục Thủ đô đã được bảo đảm. 100% trường học có hệ thống mạng lan, kết nối Internet, sử dụng đồng thời nhiều đường truyền Internet của các nhà cung cấp khác nhau để bảo đảm kết nối không bị gián đoạn; kết hợp đa dạng và linh hoạt các phần mềm dạy học trực tuyến.
Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, đội ngũ nhà giáo Hà Nội đã có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, nên dù học sinh không thể đến trường nhưng việc học tập vẫn được duy trì. Các nhà trường tổ chức nhiều hình thức dạy học linh hoạt như dạy trực tuyến, gửi bài học qua các nền tảng xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho công tác điều hành của ngành không bị gián đoạn. Sở đã xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh; đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng duy trì sinh hoạt chuyên môn, trao đổi công việc, tổ chức kiểm tra, đánh giá và triển khai nhiều hoạt động khác theo hình thức trực tuyến. Các thầy giáo, cô giáo không quản ngại khó khăn dành nhiều thời gian tự học, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm tổ chức các bài dạy trực tuyến.
Trước thềm năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam.
Đây là hành trang, tiền đề để giáo viên học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh của bản thân. Sau khi được đào tạo nâng chuẩn, lực lượng này sẽ bổ sung vào nguồn đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường, từ đó lan tỏa kinh nghiệm, phương pháp dạy - học tiếng Anh hiệu quả đến tất cả trường học trên địa bàn thành phố.
“Với khẩu hiệu “Từng bước đào tạo ra những học sinh là công dân toàn cầu, vừa giỏi kiến thức, vừa giỏi tin học và ngoại ngữ”, ngành Giáo dục Thủ đô luôn tích cực kiếm tìm giải pháp nâng cao trình độ cho giáo viên, giúp các thầy cô tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, thông minh, hiện đại”. - Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội
Bình luận