Dòng họ nối nghiệp làm thầy

GD&TĐ - Là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn ở Đông Tác lừng danh, cụ Nguyễn Mạnh Hùng (phường Gia Sàng – TP Thái Nguyên) luôn hạnh phúc và tự hào khi con cháu hôm nay vẫn nối nghiệp làm thầy của tổ tiên xưa.

Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng vẫn luôn say sưa bên những trang sách.
Nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng vẫn luôn say sưa bên những trang sách.

Nối nghiệp tổ tiên

Tổ tiên nhiều đời của cụ Nguyễn Mạnh Hùng vốn cư trú ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ (khu vực các phường Trung Phụng, Trung Tự, Kim Liên, Phương Mai, Phương Liên của quận Đống Đa ngày nay), nên thường được gọi là dòng họ Nguyễn -  Đông Tác. 

Không ngẫu nhiên mà nhà thờ tổ của dòng họ Nguyễn - Đông Tác để bức hoành phi mang dòng chữ “Dịch thế thi thư” (nghĩa là: Nối đời học vấn). Một trong những thành tựu đáng tự hào của dòng họ này là truyền thống khoa bảng, khi nối tiếp qua nhiều đời sản sinh ra những người học giỏi, đỗ đạt cao. 

Tính trong thời kì phong kiến, dòng họ này có 3 người đỗ đại khoa, 2 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ, 13 Cử nhân, 18 Tú tài Nho học, 5 Tú tài võ. Đặc biệt, truyền thống đó kết tinh nổi bật ở một số người thầy vang danh. 
Danh sư Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692, đời thứ 7) là người đã dựng mở truyền thống “làm thầy” cho dòng họ. Ông đỗ Giải Nguyên năm 1657, đỗ thủ khoa kì thi Sĩ vọng năm 1670 - tương đương Tiến sĩ, được bổ làm Giáo thụ phủ Thường Tín. Với uy danh của một người thầy tài cao đức trọng, ông được chúa Trịnh đặc triệu về Kinh để làm thầy dạy các thế tử. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868, đời thứ 11) đỗ Cử nhân năm 1828, đỗ Tiến sĩ năm 1832, từng làm Giáo thụ phủ Thường Tín, rồi Đốc học tỉnh Hưng Yên. Ông một lòng chú tâm việc biên soạn sách, dạy học, chấn hưng dân trí, đến cuối đời còn tập trung tâm huyết trí lực để mở trường, dạy học cho nhân dân.     

Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946, đời thứ 13) là một sĩ phu yêu nước, có chí hướng canh tân giáo dục, đỗ Cử nhân vào năm 1906, nhưng không ra làm quan mà tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục - mô hình giáo dục khai trí tân tiến tiên phong ở nước ta hồi đầu thế kỉ XX. 

Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (1900 - 1966, đời thứ 14) là một gương mặt trí thức lớn, một trong những người có công sáng lập nên nền giáo dục học mới của Việt Nam. Ông dạy học ở Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên; sau Cách mạng tháng Tám 1945 làm Tổng Giám đốc Nha Tiểu học vụ; trong kháng chiến làm Giám đốc Giáo dục Liên khu I, Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Tổng Thư kí Hội đồng Tu thư Trung ương. 

Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902 - 1954, đời thứ 14) là một vị chân sư, bậc cao minh hành đạo cứu đời. Không hề qua ghế nhà trường, ông tự học, thông hiểu Tứ thư Ngũ kinh, đồng thời hấp thụ nền học vấn phương Tây, ngoại ngữ giỏi cả tiếng Anh - tiếng Pháp - tiếng Nhật. 

Ông lập trường dạy các tăng ni, giảng kinh điển; mở một trường học để tiếp nhận các trẻ em nghèo đến học. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dù được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Xã hội nhưng ông từ chối, tiếp tục theo đuổi việc giảng dạy Phật giáo và giảng dạy các lớp trẻ em nghèo. Trong kháng chiến, ông dạy nhiều lớp Bình dân học vụ, mở mang dân trí cho nhiều vùng. 

Những công trình, bài báo viết về dòng họ được cất giữ trong kho tư liệu quý của gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp
 Những công trình, bài báo viết về dòng họ được cất giữ trong kho tư liệu quý của gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp 

Con cháu nối nghiệp 

Trước khi nghỉ hưu về vui thú vườn tược ở ngôi nhà nhỏ ven sông Cầu (TP Thái Nguyên), cụ Nguyễn Mạnh Hùng đã có hàng chục năm lăn lộn gắn bó với nghề dạy học, hết Thái Nguyên, đến Phú Thọ, Vĩnh Phúc, rồi Hà Nội. Gia tài cuộc đời nhà giáo của cụ là những cuốn sổ tay ghi dày kín những lời lưu bút xúc động của học trò, là những kỉ niệm đi dạy học dù cách mấy chục năm rồi nhưng vẫn luôn sống động. 

Giờ đây, khi đã rời xa bục giảng để về với luống rau giàn hoa, niềm vui của cụ Hùng không gì khác là bảo ban, động viên con cháu. Cụ không chỉ lấy những tấm gương của các bậc tiên tổ xưa, mà còn lấy ngay những câu chuyện gần gũi về cha chú để giáo dục, khích lệ ý thức và tinh thần học tập, phấn đấu của con cháu. 

Thân sinh của cụ Hùng là nhà giáo Nguyễn Như Cang (1916 - 1997), tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, là Trưởng Ty Bình dân học vụ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn (20/9/1946), trải qua công tác ở Ty Bình dân học vụ Phúc Yên, Khu Giáo dục Việt Bắc, Nhà xuất bản Giáo dục, Khu Giáo dục Khu 10, Khu Giáo dục Lao - Hà - Yên, Ty Giáo dục Bắc Thái, là nhà giáo mẫu mực về tài năng và đức độ, có nhiều công lao cho việc đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Chú ruột của cụ Hùng là nhà giáo Nguyễn Trà, suốt 26 năm từ khi nghỉ hưu đến nay, dùng nhà thờ chi họ để mở lớp học Hướng thiện, dạy học miễn phí, thậm chí dùng đồng lương hưu của mình hỗ trợ quần áo sách vở và ăn uống cho các trẻ em nghèo. 

Thật hạnh phúc khi các con cháu trong gia đình cụ Hùng đều rất phương trưởng, thành đạt. Năm người con của cụ đều có trình độ đại học, cao học, đi theo con đường học vấn, làm kinh tế tri thức, hiện đang cùng gia đình riêng sống và làm việc ở Hà Nội, TPHCM hay Singapore…
Có thể nói, hiếm có một dòng họ nào lại sản sinh ra nhiều người tài giỏi danh tiếng, đặc biệt là nối tiếp nhiều đời làm thầy như vậy. Nó hẳn vừa là nhờ vào phúc phần tổ tiên trao truyền, vừa là nhờ có ý thức tự dưỡng dục của mỗi thế hệ. Đúng là cội rễ có bền sâu thì cành lá mới sum suê. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.