Đồng hành cùng sinh viên dân tộc thiểu số đến giảng đường đại học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang đã nỗ lực kết nối, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng hành cùng sinh viên dân tộc thiểu số đến giảng đường đại học
Đồng hành cùng sinh viên dân tộc thiểu số đến giảng đường đại học

Tân sinh viên được tiếp sức

Trong số gần 600 sinh viên trúng tuyển nhập học vào Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, sinh viên Lù Thị Loan (Dân tộc Giấy) có hoàn cảnh rất khó khăn khi bố mất sớm, mẹ phải vất vả làm việc nuôi 4 chị em ăn học. Em là 1 trong số 9 sinh viên được nhận học bổng “Tiếp sức tới trường”.

Học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi trẻ sau 20 năm thực hiện đã hỗ trợ 23.395 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền hơn 179,8 tỷ đồng. Sinh viên được nhận học bổng là những em vượt khó để vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Loan chia sẻ: Trước khi bước vào ngưỡng cửa Đại học thì mẹ em bị tai nạn khiến chân bị thương, việc đi lại và làm việc rất khó khăn. Lúc đó em đã có ý định nghỉ học nhưng các thầy cô đã động viên em rất nhiều để em có thêm nghị lực tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ.

Ngay khi trở thành tân sinh viên lớp Ngôn ngữ Anh, thầy cô, bạn bè và Nhà trường đã luôn dành sự quan tâm hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho em, đặc biệt là giúp em nhận được học bổng “Tiếp sức tới trường”. Em sẽ dùng học bổng này để hỗ trợ trang trải cuộc sống và phục vụ học tập tốt hơn tại Phân hiệu.

Cũng giống như Loan, sinh viên Hùng Thị Lan (SN 2005) gia đình nằm ở vùng đặc biệt khó khăn thuộc diện hộ nghèo ở thôn Lùng Chu Phìn (Tùng Vài, Quản Bạ, Hà Giang) có mẹ là lao động chính vất vả làm nhiều nghề để nuôi ba chị em ăn học.

Xúc động chia sẻ về bản thân, Lan nói: Thật may mắn trên chặng đường của mình, em luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình, sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô và các nhà hảo tâm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công mẹ và để bản thân xứng đáng hơn phần học bổng này.

ThS Bàn Văn Kiên, Chủ tịch Hội sinh viên Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang chia sẻ: Đây sẽ là nguồn động viên lớn giúp các em sinh viên cố gắng trong học tập. Có được niềm vinh dự này là nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Phân hiệu đã kết nối với chương trình. Hi vọng trong thời gian tới, các em sẽ ngày càng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, vượt khó học giỏi để được nhận nhiều chương trình học bổng khác và thực hiện ước mơ của mình.

Giảm bớt khó khăn cho sinh viên dân tộc thiểu số

Theo đó, nhằm hưởng ứng tham gia tổ chức, triển khai Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giúp đỡ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; trong đó có công tác hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc thiểu số, góp phần giảm bớt khó khăn để các em vững bước trên con đường học vấn."

Ông Lục Quang Tấn, Giám đốc Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện tại, toàn trường có 496/591 sinh viên người dân tộc thiểu số. Các chế độ thực hiện theo quy định của Chính phủ (Nghị Định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/08/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Các chế độ chính sách, sự quan tâm hỗ trợ từ phía nhà trường sẽ giúp cho những sinh viên người DTTS có động lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện.
Các chế độ chính sách, sự quan tâm hỗ trợ từ phía nhà trường sẽ giúp cho những sinh viên người DTTS có động lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện.

Cụ thể, sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí, trợ cấp từ 100.000 đến 140.000 đồng/người/tháng, hưởng 10 đến 12 tháng/năm và hỗ trợ chi phí học tập cho các sinh viên là người dân tộc thiểu số ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định chung của Nhà nước.

Trong đó, các sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người, gồm 16 dân tộc (Cống, Mảng, PuPéo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) được hưởng 100% mức lương cơ sở/người/tháng với thời gian hưởng 12 tháng/năm.

Ngoài ra, sinh viên người DTTS đang theo học tại Phân hiệu còn được ưu tiên xem xét cấp học bổng khuyến khích theo học lực và thành tích hoạt động; Ưu tiên xem xét cấp các học bổng ngoài ngân sách,...

Có thể nói, việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cùng với sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của nhà trường và các thầy cô đã giúp các em sinh viên người DTTS, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, trở thành công dân tốt cho xã hội. Đây cũng chính là một trong những nội dung góp phần cụ thể hoá chủ trương về Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện giáo dục, nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số nhằm phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số theo mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội phê duyệt

"Là một sinh viên người DTTS theo học tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, những ngày đầu tiên đặt chân tới trường, em cũng giống như bao bạn sinh viên người DTTS khác, có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng tuy nhiên được sự quan tâm của các thầy cô giáo, sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các anh chị khóa trên, bên cạnh đó chúng em đi học còn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ học phí, học bổng chính vì vậy chúng em rất yên tâm khi theo học tại trường" - Sinh viên Sùng Thị Sáu, lớp Ngôn ngữ Anh, Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ