Đồng hành cùng nhà trường chăm lo, giáo dục học sinh

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Ban đại diện cha mẹ học sinh (gọi tắt Ban đại điện - BĐD) Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) luôn nhận được sự đồng thuận của phụ huynh HS, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Giám hiệu nhà trường để cùng đồng hành, hỗ trợ nhà trường trong việc chăm lo, giáo dục cho HS.

Đồng hành cùng nhà trường chăm lo, giáo dục học sinh

Nhận được sự đồng thuận, tin tưởng từ các phụ huynh

Để có được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường, theo ông Lê Châu Hà, Trưởng BĐD cha mẹ HS của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngay từ kế hoạch hoạt động của ban đã được xây dựng rất cụ thể, chi tiết cho từng năm trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Để có kế hoạch này, các thành viên trong ban (gần 20 người) ban đầu phải có sự đồng thuận thông qua. Sau đó mới đưa kế hoạch xuống từng chi hội (từng lớp) để hoàn thiện kế hoạch hoạt động và thống nhất chung.

Sau đó, qua một buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để nắm thêm tình hình cũng như kế hoạch hoạt động của trường trong một năm học, BĐD cha mẹ HS tiếp tục bàn bạc và xác định, đâu là hoạt động ban cần hỗ trợ, đồng hành cùng các con trong năm học này. Và kế hoạch của ban sau đó gửi cho Ban Giám hiệu nhà trường phê duyệt.

Bước vào năm học mới, kế hoạch này sẽ được triển khai trong buổi họp phụ huynh để xin ý kiến đóng góp và biểu quyết thông qua. Nếu phụ huynh nào có ý kiến, ban sẽ lắng nghe, xem xét và cùng bàn bạc. Nếu phụ huynh nào chưa hiểu, BĐD sẽ giải thích thêm.

Bác Huỳnh Công Hầu, người từng có nhiều năm tham gia Ban chấp hành BĐD cha mẹ HS của trường cho biết: “Ở bất cứ hoạt động nào, chúng tôi cũng tiến hành theo đúng với Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ BĐD cha mẹ HS với tinh thần tự nguyện. Các khoản thu đều không cào bằng. Những phụ huynh nào khó khăn, chúng tôi đều chia sẻ với họ...”.

Các mức đóng góp của BĐD cha mẹ HS nhà trường qua 5 năm đều không thay đổi, với một khoản tiền nếu so với mặt bằng chung là rất ít để ban hoạt động, hỗ trợ cho các phong trào của HS, hoạt động khuyến học, khuyến tài và khen thưởng. Đặc biệt, những khoản đóng góp của phụ huynh không bó buộc về mặt thời gian cụ thể, phụ huynh có thể đóng cuối học kỳ 1 hoặc đầu học kỳ 2…

Bác Hầu lấy ví dụ, như công trình vườn rau trên sân thượng của phụ huynh HS nhà trường, khi đưa ra kế hoạch phụ huynh đã bàn bạc về tính thiết thực của công việc này và quyết định thực hiện hay không. Nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, mới bắt đầu làm công tác vận động; vận động nhưng trên tinh thần tự nguyện “có người góp hạt giống, có người góp thùng, người thì bỏ công ra chăm sóc ban đầu. Có những phụ huynh họ không có thời gian, họ góp kinh phí…”, bác Hầu nhấn mạnh.

Những hoạt động ý nghĩa

Để phát huy hết vai trò của BĐD cha mẹ HS, ban đã phát động phong trào 1 kèm 1. Nghĩa là 1 học sinh khó khăn, ban sẽ vận động 1 phụ huynh khác có điều kiện, hoặc các phụ huynh của lớp cùng hỗ trợ HS ấy về học phí, tiền ăn bán trú, học bổng trong suốt một năm học.

Bác Huỳnh Công Hầu cho biết thêm: “Với những HS khó khăn, chúng tôi thường được sự giới thiệu của cô giáo chủ nhiệm, nhưng ban cũng xem xét và xác minh bằng cách đi đến tận nhà các em để nắm tình hình và kịp thời động viên các em”.

Đồng hành cùng hoạt động của trường, nhiều phụ huynh là những người giỏi trong một số lĩnh vực đã chủ động đề xuất với trường những chương trình rất ý nghĩa. Ví dụ có phụ huynh là bác sĩ răng hàm mặt đã đứng ra tổ chức một buổi khám răng miễn phí cho HS, có người là bác sĩ tâm lý, bác sĩ ở BV Nhi đồng cũng phối hợp để tổ chức những chuyên đề về Phòng tránh xâm hại tình dục… có người làm trong lĩnh vực nghệ thuật cũng tham gia dạy nhạc hay viết kịch bản cho một hoạt cảnh của HS, hay một giảng viên bộ môn Vật lý cũng tham gia thuyết trình ở CLB Em yêu khoa học để chia sẻ, truyền cảm hứng cho các con.

Từ hoạt động của BĐD cha mẹ HS của trường, ông Lê Châu Hà cho rằng, BĐD cha mẹ HS là vô cùng cần thiết, tạo thành cầu nối giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc chăm lo, giáo dục con trẻ, nhưng cách làm của từng nơi như thế nào mới là vấn đề đáng để quan tâm.

Những nơi có vấn đề cần phải kịp thời xử lý để không để chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, đánh đồng các BĐD cha mẹ HS đang làm tốt vai trò của mình.

Có thể thấy, nói đến BĐD cha mẹ HS là gắn với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đối với con em của họ trong trường, cùng đồng hành với nhà trường, phối hợp chặt chẽ để chăm lo, để quản lý và giáo dục HS.

Là một phụ huynh có con đang theo học ở trường, chị Đinh Tuyết Trâm chia sẻ quan điểm của mình: “Tôi thấy rằng, hoạt động của BĐD cha mẹ HS là rất cần thiết và không thể thiếu trong mỗi trường học. Nhiều người có cái nhìn rất phiến diện về ban này, cho rằng chỉ liên quan đến “thu, chi” là không đúng.

Những hoạt động như khi cha mẹ HS được tham gia một tiết học của con, cùng con học tập, rồi cùng giám sát bữa ăn bán trú của con, cùng con tham gia một vài hoạt động khác như học ngoại khóa, tham quan… là vô cùng quan trọng, qua đó thể hiện sự quan tâm của phụ huynh với con em mình, với trường để hiểu, để chia sẻ cùng nhau tạo ra sự kết nối nhằm giáo dục trẻ tốt hơn”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ