Chuyện những người "vác tù và hàng tổng"
Theo dõi vấn đề lạm thu đầu năm học và các ý kiến bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, chị Nguyễn Thanh Thư (Hải Phòng) bức xúc: Tôi rất buồn khi có ý kiến đề nghị bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, họ gọi Ban đại diện cha mẹ học sinh là “ban thu tiền", "ban lạm thu", “thực tế chỉ làm được mỗi việc thu tiền".
Tôi nghĩ rằng những ban đại diện cha mẹ học sinh cũng như những cha mẹ học sinh khác, không ai rảnh rỗi cả. Nhưng vì chính các con mình, muốn song hành cùng nhà trường để cho các con một môi trường học hành tốt đẹp nhất có thể nên chúng tôi tình nguyện vào ban.
Vào ban, chúng tôi thường xuyên liên lạc với các thầy cô giáo để hỏi xem tình hình của các con học hành thế nào, lớp học có chuyện gì xảy ra không, cũng không mong thầy cô có ưu đãi gì đặc biệt với con mình.
Mỗi lần đóng tiền, những anh chị trong ban cũng tình nguyện đóng tiền cao nhất. Thậm chí có những khoản tiền nhỏ, chúng tôi cũng tự chia nhau ra đóng để không phải trưng cầu ý kiến của tất cả các phụ huynh trong lớp.
Với chuyện thu tiền, nhà trường trước khi thu đều đã họp với trưởng đại diện phụ huynh các lớp, đưa ra mức thu và chúng tôi cũng được đưa ra ý kiến bàn thảo, sau đó cân đối rồi mới phát về các lớp để thu.
Hơn nữa, trong cuộc họp đó nhiều lúc bản thân phụ huynh còn bị nhà trường khống chế con số tiền quỹ bởi nhà trường cũng không đồng ý cho thu nhiều, mặc dù ban phụ huynh tính toán thấy rằng, số tiền đó thực sự không đủ và chúng tôi phải chấp nhận xin kêu gọi ủng hộ từ phía phụ huynh trong lớp.
Như lớp con tôi, sau nhiều năm học, phần lớn các thầy cô giáo dạy lớp các con tôi đều rất cẩn thận trong việc tính toán thu chi.
Chị Thư kể: Có năm, cô giáo muốn được đầu tư vào lớp, muốn kêu gọi phụ huynh ủng hộ tiền để lắp điều hòa và lát sàn gỗ ở lớp học. Nhưng với vai trò là trưởng ban phụ huynh, là cầu nối giữa giáo viên và phụ huynh trong lớp, chúng tôi cũng trao đổi thẳng thắn với cô.
Việc lắp điều hòa, chúng tôi thấy cần thiết vì muốn các con được học trong môi trường mát mẻ hơn nên đồng ý. Nhưng cô muốn lát gỗ sàn lớp thì chúng tôi thấy không cần thiết nên nói cô thông cảm, không thể có kinh phí.
Một năm, có những lớp nhiều tiền quỹ, họ tặng quà cô giáo vào các ngày 20/10, mùng 8/3, ngày 20/11, Tết, thậm chí cả Trung thu. Nhưng tôi cũng chỉ quyết là tặng quà các thầy cô vào ngày 20/11 và ngày 8/3 có bó hoa tặng cô.
Tôi đã bị một cô giáo hỏi nửa đùa nửa thật là “Thế trung thu không có quà cho cô à". Tôi liền nói luôn: "Trung thu là tết thiếu nhi mà cô", rồi cười xoà. Thế là cô giáo cũng phải vui vẻ chấp nhận.
Cần thiết phải có Ban cha mẹ học sinh
Còn chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều năm làm Trưởng ban cha mẹ học sinh, kinh nghiệm của tôi cho thấy, bất kỳ một khoản thu nào, nhà trường phải xin phép Đảng ủy, HĐND, UBND phường và Phòng giáo dục. Nếu hợp lý thì Đảng ủy, HĐND, UBND phường và Phòng giáo dục cho thu, còn không nên chấn chỉnh ngay.
Ở trường con tôi học, cô hiệu trưởng mỗi khi muốn thu khoản nào, cũng đều xin phép phường, bàn bạc thống nhất, dân chủ với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong quá trình thu bất kỳ một khoản gì, đều tạo điều kiện hết mức cho những đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thể miễn hoặc giảm.
Hội phụ huynh nếu phát huy vai trò là cầu nối, giám sát dạy và học của trường, lắng nghe ý kiến, chia sẻ tâm tư của phụ huynh để hoạt động hiệu quả. Theo tôi, nếu hoạt động đúng theo điều lệ, hội công khai, minh bạch và thống nhất dân chủ thì rất hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội bày tỏ quan điểm: Là một giáo viên, tôi nghĩ là không nên giải tán ban phụ huynh. Nếu giải tán ban phụ huynh thì việc kết hợp giáo dục học sinh với nhà trường là hết sức khó khăn.
Có rất nhiều việc cần làm khi các con đi học mỗi ngày. Ban phụ huynh đã giúp đỡ các thầy cô giáo rất nhiều với khối lượng công việc rất lớn. Nếu không có hội phụ huynh, các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm sẽ không thể "xoay xở" được.
Tuy nhiên ban đại diện cha mẹ học sinh cần hoạt động đúng theo tôn chỉ mục đích để hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường cho ngày một tốt lên.
Lâu nay, Ban phụ huynh chủ yếu hoạt động mạnh ở việc huy động sự đóng góp vô tội vạ của phụ huynh để phục vụ lợi ích của nhà trường là chủ yếu gây nên sự bức xúc của phụ huynh ở hầu hết các địa phương. cho nên cần duy trì và chấn chỉnh lại hoạt động của Ban phụ huynh cho đúng với quĩ đạo cần thiết của nó.
Ban đại diện cha mẹ học sinh vốn là một tổ chức độc lập, có hoạt động riêng. Bản thân nhà trường cũng chỉ giám sát hoạt động thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà thôi, không có sự can thiệp nào khác và phải rất khách quan.
Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ quyền lợi của học sinh, thậm chí là giám sát những hoạt động giáo dục của nhà trường, đóng góp ý kiến để hoạt động giáo dục được tốt hơn. Thực hiện đúng những điều đấy thì không nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ sinh ngoài việc quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động thì còn có nhiệm vụ chính là phối hợp với nhà trường để giúp đỡ, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh nghèo, khuyết tật; nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục học sinh. Đây mới chính là nhiệm vụ cần được mọi người chú ý và xem trọng khi nhắc đến Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Để giải quyết được vướng mắc cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền "hộ" nhà trường, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ nghiên cứu bỏ quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền nhằm tránh việc để một số trường sử dụng hội phụ huynh lạm thu các khoản phí.