Đong đầy niềm vui khai giảng ở những điểm trường trong mây

GD&TĐ - Những điểm trường lẻ trên đỉnh núi Ngọc Linh (Quảng Nam) quanh năm mây phủ, lễ khai giảng của cô và trò tuy giản dị nhưng đong đầy niềm vui.

Cô Trà Thị Thu, giáo viên điểm trường Răng Chuỗi đón học sinh lớp Một trong lễ khai giảng năm học 2024 -2025.
Cô Trà Thị Thu, giáo viên điểm trường Răng Chuỗi đón học sinh lớp Một trong lễ khai giảng năm học 2024 -2025.

Trước ngày khai giảng, tốp thợ xây dựng tại điểm trường Răng Chuỗi, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập vẫn tăng ca đến gần nửa đêm để kịp lát sân, bắt hệ thống điện…

Năm học 2024 – 2025, cô giáo Trà Thị Thu được phân công dạy – học ở điểm trường Răng Chuỗi.

Điểm trường Răng Chuỗi, Trà Thị Thu.jpg
Điểm trường Răng Chuỗi, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trà Tập được xây dựng kiên cố hóa từ nguồn hỗ trợ thiện nguyện của một đơn vị tại TP Hồ Chí Minh.

Răng Chuỗi được xây dựng kiên cố hóa với quy mô 2 phòng học, 1 phòng công vụ cho giáo viên do một đơn vị tài trợ với tổng trị giá gần 1,4 tỷ đồng, bao gồm cả hệ thống điện năng lượng mặt trời, ti vi thông minh, tủ lạnh…

Trường được xây dựng mới cách địa điểm cũ gần 1km, nằm ngay sát đường dân sinh và là trung tâm của 3 nóc nên học sinh đi học thuận tiện hơn rất nhiều. Để có mặt bằng đủ rộng, vừa để xây phòng học đúng quy chuẩn, vừa có sân chơi, tường rào… chính quyền cùng nhà trường đã vận động 7 hộ dân hiến đất rẫy.

Răng Chuỗi.jpg
Đêm trước ngày khai giảng, đơn vị thi công làm việc đến gần nửa đêm để kịp đón học sinh.

Năm nay, điểm trường Răng Chuỗi có 33 học sinh dân tộc Ca Dong, trong đó, khối lớp 1 và 2 có 11 em; còn lại là trẻ mầm non. Lễ khai giảng ở điểm trường trên đỉnh núi Ngọc Linh cũng bắt đầu vào lúc 7h30, cùng với học sinh trong cả nước.

Trên con đường đất vẫn còn mấp mô phía bên ngoài cổng trường, các em học sinh lớp Một vào trường với rất nhiều háo hức về ngôi trường mới được sơn nhiều sắc màu rực rỡ.

Răng Chuỗi khai giảng.jpg
Nhiều phụ huynh đã nán lại cùng tham dự Lễ khai giảng của cô và trò điểm trường Răng Chuỗi.

Cô Trà Thị Thu tiến hành các nghi thức của một buổi Lễ khai giảng với thư chúc mừng khai giảng năm học mới, hướng dẫn HS chào cờ, hát Quốc ca. Lễ khai giảng của cô và trò nơi đỉnh núi quanh năm sương lạnh còn có sự tham dự của đại diện thôn cùng với phụ huynh.

Từ ngày 9/9, học sinh Răng Chuỗi sẽ học buổi học đầu tiên tại ngôi trường mới sau khi đã xong phần hoàn thiện và vệ sinh sạch sẽ.

Lăng Lương.jpg
Lễ khai giảng đầy đơn sơ nhưng đong đầy niềm vui của cô và trò điểm trường Lăng Lương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập. Điểm trường này đang chuẩn bị được xây dựng kiên cố hóa từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân thiện nguyện.

Khai giảng năm học 2024 – 2025, học sinh ở điểm trường Ông Bình, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) được hòa trong không khí rộn ràng cùng tiếng trống trường như những học sinh ở điểm trường chính. Nghi thức lễ khai giảng được tiến hành như bao trường học khác trên cả nước. Khoảnh khắc nhạc Quốc ca vang lên giữa núi rừng, linh thiêng và đầy cảm xúc. Đây là năm thứ 2, thầy và trò điểm trường dạy học trong ngôi trường được xây dựng kiên cố hóa từ nguồn vận động của CLB Bạn thương nhau.

Ông Bình.jpg
Thầy Nguyễn Văn Nhân đọc thư của Chủ tịch nước gửi học sinh nhân ngày khai trường.

Thầy Nguyễn Văn Nhân được phân công đứng điểm tại điểm trường Ông Bình chia sẻ: “Dạy lớp ghép 1-2 nhưng năm học này, riêng học sinh lớp 1 đã có đến 11 học sinh. Thầy giáo phải linh hoạt trong tổ chức các hoạt động dạy học vì cùng trong một tiết dạy phải chuyển kiến thức đến 2 trình độ cho nhiều nhóm nhỏ học sinh. Phân chia thời gian sao cho hợp lý và sắp xếp lại những kiến thức phải truyền đạt trong 1 tiết dạy để làm sao học sinh luôn có việc để hoạt động”.

Từ điểm chính của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy Nguyễn Văn Nhân và cô giáo Nguyễn Thị Tý, đứng điểm dạy mẫu giáo phải chủ yếu băng rừng đi bộ khoảng gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua 3 con suối.

Cách đây 2 năm, cộng đồng mạng đã rất xúc động khi xem clip cô giáo Nguyễn Thị Tý nhích từng tí một để di chuyển trên thân gỗ bắc qua con suối, phía dưới, dòng nước lũ chảy xiết. Trên con suối ấy, giờ đã có một chiếc cầu treo nhưng người dân vẫn quen với tên gọi: “Cầu cô Tý”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ