Khai giảng trọn niềm vui

GD&TĐ - Không chỉ là sự chuẩn bị tươm tất về cơ sở vật chất, trường lớp, trước ngày khai giảng, các thầy, cô giáo còn tỉ mỉ chăm lo từng chút cho học sinh.

Học sinh trong ngày khai giảng năm học mới tại Hà Nội. Ảnh: INT
Học sinh trong ngày khai giảng năm học mới tại Hà Nội. Ảnh: INT

Phụ huynh và xã hội cùng chung tay để thầy trò đón và khởi đầu một năm học mới trọn vẹn niềm vui.

Những tấm lòng vì học sinh

Từ 1/8, Trường PTDTBT Tiểu học Chiêu Lưu 1, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chính thức khởi động chuẩn bị cho năm học mới khi giáo viên quay trở lại trường. Có đến 1/3 thầy cô từ vùng xuôi lên và 120 học sinh ở bán trú (trường có tổng số 410 học sinh, chủ yếu người dân tộc Thái và Khơ Mú), 3 điểm trường (1 điểm chính, 2 điểm lẻ), công việc chuẩn bị chào đón khai giảng cũng nhiều hơn.

Ngoài vận động học sinh ra lớp, sửa sang cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp, trồng hoa, cây xanh, thầy cô còn chăm chút các điều kiện để học sinh sẵn sàng ở bán trú, như làm sào phơi đồ, sửa lại giàn cây để trồng bầu bí… Những bộ đồng phục tinh tươm có được từ sự hỗ trợ của nhà hảo tâm cũng sẵn sàng để trao cho học sinh nghèo…

Cô Huỳnh Thị Hạ - giáo viên điểm trường Ông Phụng chia sẻ: “Trường được xây dựng kiên cố, cô trò không còn lo cảnh mưa dột, gió lùa, vừa dạy học vừa thấp thỏm trong mùa mưa. Các em từ nóc Ông Đại xuống học, nếu mưa lũ không thể về nhà được cũng có chỗ ở ấm áp, an toàn. Điều kiện dạy - học cũng đầy đủ hơn trước, vừa có sân chơi, có điện thắp sáng, tivi… Nói chung là cô trò vui lắm, không thể diễn tả hết được”.

Thầy Hiệu trưởng Đào Công Quang cho biết, mọi việc chuẩn bị cho ngày khai giảng, năm học mới đã hoàn tất. Cùng với công sức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh cũng chung tay lao động, cuốc đất, làm vườn để học sinh có rau sạch ăn bán trú; chuẩn bị chỗ ăn ngủ cho các em; tham gia sơn sửa trong lớp học, sửa chữa đường điện và những hư hỏng nhỏ…

“Trong số học sinh bán trú của trường có 8 em đến từ Huồi Thum, xã Na Ngoi - điểm bản khó khăn nhất của huyện Kỳ Sơn. Dù ở xã khác, cách xa hơn 20km nhưng phụ huynh tin tưởng nên muốn gửi gắm con em học tại Chiêu Lưu 1. Các em chính thức tựu trường từ 26/8, được thầy cô ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống. Học sinh bán trú ở lại trường từ ngày này.

Các em được thầy cô chăm chút không chỉ trong học tập, mà cả những việc nhỏ như chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập… sẵn sàng bước vào năm học mới. Chiều 4/9, Đoàn Thanh niên nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên tình nguyện của xã Chiêu Lưu và các xã lân cận đến cắt tóc miễn phí, giúp các em có diện mạo chỉnh tề hơn trong ngày khai giảng”, thầy Đào Công Quang chia sẻ.

Trường Tiểu học - THCS Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) thuộc địa bàn miền núi, cách xa trung tâm huyện lỵ nhất huyện. 440 học sinh của trường (khoảng 50% học sinh người Kinh; 50% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na, Dao, Tày) học tại 3 điểm trường, cách nhau 3 - 6km. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều, công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học mới đã sẵn sàng với tâm huyết của các thầy, cô giáo; sự quan tâm, chung tay vào cuộc, chăm lo của Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể.

“Bước vào năm học mới, nhà trường nhận được nhiều phần quà, học bổng của các cấp, ngành và của nhà hảo tâm dành cho học sinh. Để có được những phần quà như vậy, công lao lớn từ kênh kết nối là các thầy, cô giáo trong trường, từ việc nắm bắt hoàn cảnh của học sinh, đến kêu gọi sự hỗ trợ, giúp học trò đầy đủ điều kiện nhất có thể khi bước vào năm học mới, cũng như có một khai giảng nhiều niềm vui, ý nghĩa”, thầy Lê Xuân Thiều bày tỏ.

Trong những ngày đầu tháng 9, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học - THCS A Xing, một trường vùng cao của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cùng dọn dẹp, trang trí lớp học đón chào ngày khai giảng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng thông tin, nhà trường khẩn trương sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất nhằm bảo đảm môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Các hoạt động trang trí, làm đẹp trường lớp cũng được thực hiện, tạo không khí vui tươi cho ngày khai giảng. Không chỉ giáo viên, học sinh mà cả phụ huynh cũng tích cực tham gia công tác chuẩn bị, như mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con em... Với những hoàn cảnh khó khăn, thầy hiệu trưởng đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập nhằm động viên học sinh đến trường.

Chuẩn bị khai giảng, thầy Ksơr Y Chét - giáo viên Trường Tiểu học - THCS EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) và các đồng nghiệp đến từng nhà để thông báo cũng như vận động một số học sinh có nguy cơ bỏ học ra lớp. Cả thầy và trò đều cơ bản sẵn sàng cho một năm học mới. Một số học sinh còn thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập, nhà trường, thầy cô đã kết nối với nhà hảo tâm, kết hợp với xã đoàn, huyện đoàn để hỗ trợ.

khai giang tron niem vui (2).jpg
Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học Chiêu Lưu 1, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chuẩn bị khai giảng năm học 2024 - 2025.

Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường

Năm học 2024 - 2025, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đồng loạt tổ chức lễ khai giảng bắt đầu từ 8 giờ ngày 5/9. Lễ khai giảng gồm hai phần “Lễ” và “Hội”. Các phần được tổ chức linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đảm bảo trang trọng, an toàn, tiết kiệm; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi. Trước đó, từ 27 đến 30/8, Sở GD&ĐT tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng, cũng như chuẩn bị cho năm học mới.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Đinh Thị Hường, về cơ bản, các nhà trường chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng mọi mặt, để khai giảng thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày hội đối với thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội. Việc rà soát, kiểm tra đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được tiến hành; thực hiện vệ sinh trường, lớp, khuôn viên trường học sạch, đẹp, an toàn, có khẩu hiệu chào mừng năm học và thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới.

Các nhà trường đồng thời bổ sung sách giáo khoa, sách tham khảo cho thư viện trường học, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học. Thực hiện linh hoạt bố trí, sắp xếp, phân công chuyên môn giáo viên đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập trong một số nhà trường.

khai giang tron niem vui (3).jpg
Cô Vì Thị Hảo - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chiêu Lưu 1 giúp trò bọc sách vở. Ảnh: NTCC

“Sở GD&ĐT đặc biệt quan tâm chỉ đạo các trường, điểm trường vùng đặc biệt khó khăn, phối hợp với tổ chức, đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác 3 đủ đối với học sinh. Tuyệt đối không để học sinh vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở mà không đến trường học tập. Quan tâm đến những em là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh; học sinh là người dân tộc thiểu số; học sinh nghèo, mồ côi, học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn để các em được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước”, bà Đinh Thị Hường cho hay.

Tại Trường THPT Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng), toàn bộ cơ sở vật chất trường lớp đều sẵn sàng tốt nhất cho năm học mới; buổi tổng duyệt lễ khai giảng hoàn thành trọn vẹn trong sáng ngày 4/9; các phần quà ý nghĩa cho học sinh khó khăn đã được chuẩn bị chu đáo… Cùng với những thuận lợi này, cô Vũ Thanh Hương - Chủ tịch Công đoàn nhà trường cũng chia sẻ khó khăn khi năm nay học sinh không còn được hỗ trợ phương tiện đi lại.

“Tại huyện đảo, một trong những khó khăn là phương tiện đi lại cho học sinh ở các xã đến trường học. Nhiều năm nay, học sinh nhà trường được một doanh nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay không còn khả năng nữa nên các em nhà cách trường từ khoảng 10 - 30km đi học bằng xe bus. Có em phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học đúng giờ.

Thuận lợi là học sinh đều ý thức tốt nên ít khi đi học muộn vì khó khăn phương tiện giao thông. Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi hết sức có thể cho học sinh, không đánh giá thi đua với trường hợp đến trường muộn vì lý do khách quan”, cô Vũ Thanh Hương chia sẻ.

khai giang tron niem vui (4).jpg
CLB Bạn thương nhau trao các thiết bị, đồ dùng hỗ trợ cho các điểm trường lẻ tại Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: CLB cung cấp

Niềm vui ở những ngôi trường trong mây

Ngày 4/9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và Trường Mẫu giáo Trà Cang cùng tiếp nhận công trình trường học và nhà công vụ cho giáo viên được xây mới tại thôn Tak Chai. Từ nguồn hỗ trợ của 3 đơn vị thông qua Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My, điểm trường Tak Chai được xây dựng kiên cố 3 phòng học, trong đó 1 phòng dành cho tiểu học, 2 phòng dành cho mầm non cùng 1 phòng công vụ cùng công trình vệ sinh khép kín.

Trước đây, Tak Chai có 3 phòng học, trong đó 2 phòng được dựng bằng gỗ đã xuống cấp sau gần 10 năm sử dụng. Phòng học được xây bê tông thì bị sập do sạt đất từ quả đồi phía sau trường.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My cho biết: “Khi vận động được nguồn kinh phí tài trợ xây dựng mới với khoảng 1 tỷ đồng cho điểm trường Tak Chai, chúng tôi nghĩ cần phải tìm một địa điểm xây trường mới, đảm bảo an toàn, tránh được sạt lở.

Tìm được địa điểm xây trường mới thì diện tích đất không đủ lớn để làm sân chơi cho học sinh, chính quyền địa phương đã vận động 3 hộ dân di dời, ủng hộ đất đai, vườn tược để có được một điểm trường đáp ứng quy chuẩn. Những nghĩa cử này của bà con đã tạo điều kiện cho sự ra đời của một ngôi trường giữa núi rừng Ngọc Linh thêm nhiều cảm động và ấm áp”.

khai giang tron niem vui (6).jpg
Lễ bàn giao công trình xây dựng điểm trường Tak Chai, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Trần Vỹ

Ngoài phòng học được xây dựng khang trang, kiên cố, sân chơi cho học sinh Tak Chai cũng được mở rộng. Các nhà hảo tâm còn lắp đặt thêm các thiết bị, trang bị đồ chơi ngoài trời. Phòng học có đầy đủ tủ sách, đồ chơi cùng thiết bị dạy học đi kèm.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang - giáo viên mầm non đứng điểm tại Tak Chai không giấu được niềm vui khi đây là điểm trường lẻ khang trang nhất của Trường Mẫu giáo Trà Cang. Từ chỗ là một trong 3 điểm trường nhiều khó khăn nhất của xã Trà Cang, Tak Chai được lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời; có tivi thông minh để khai thác kho học liệu số, ứng dụng vào dạy học.

Khó có thể kể hết những gian khó ở “lớp học trong mây”, giữa trập trùng dãy Ngọc Linh của Nam Trà My. Nơi đó, có những buổi sáng mây giăng trắng núi đồi, mây ùa vào trong lớp học. Còn tiết học vào các buổi chiều mùa Đông của cô Thu Trang và những đứa trẻ ở Tak Chai phải gián đoạn vì phòng học không đủ ánh sáng.

Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có thêm 3 điểm trường được xây dựng kiên cố từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Với nỗ lực huy động nguồn lực từ xã hội hóa, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập chỉ còn 2 điểm trường thôn được xây dựng bằng gỗ. Nhiều điểm trường tuy chưa có điện lưới quốc gia nhưng được trang bị điện năng lượng mặt trời, tivi thông minh… từ nguồn hỗ trợ của các CLB, đội nhóm, các nhà hảo tâm. Vì vậy, trong dạy - học chương trình mới, thầy trò các điểm trường lẻ có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

khai giang tron niem vui (1).jpg
Học sinh được cắt tóc để chỉnh tề hơn trong khai giảng năm học mới.

Tiếp sức cho giáo dục miền núi

Chỉ vài ngày chuẩn bị, CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) đã huy động được một số lượng lớn hàng hóa, từ chăn, gối, nệm, tủ, bồn nước… cho đến tủ lạnh, nồi cơm điện, sạp ngủ… hay tô muỗng, dép, sách giáo khoa, quần xanh áo trắng… trị giá gần 300 triệu đồng, hỗ trợ cho 31 điểm trường vùng sâu Nam Trà My (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị), Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Những ngày đầu tháng 9, học sinh ở điểm trường Ông Phụng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có một mùa tựu trường trong mơ với rất nhiều trải nghiệm thú vị. Trong bộ đồng phục mới tinh, các em được thầy cô đón vào học ở ngôi trường còn thơm mùi sơn.

Điểm trường Ông Phụng có diện mạo mới với 3 phòng học được xây dựng kiên cố, đi kèm đó là 3 phòng ở của giáo viên, khu bếp, công trình vệ sinh, tivi, tủ lạnh, tủ sách, khu vui chơi, hệ thống đèn năng lượng mặt trời… tổng giá trị đầu tư gần 1,1 tỷ đồng từ nguồn vận động của CLB Bạn thương nhau. Phòng học với những tấm tôn gỉ sét, chắp vá, phên gỗ theo thời gian cũng đã hở gió, thủng lỗ chỗ sẽ chỉ còn là kỷ niệm với các thầy, cô giáo đã từng đứng điểm.

Gần 50 học sinh của điểm trường Ông Phụng đã có một buổi tối đầy háo hức và say mê với chương trình Rạp phim trên núi. Rạp phim Ông Phụng có bắp rang bơ, nước ngọt, trà sữa phục vụ miễn phí cho khán giả. Một góc của núi rừng u tịch thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng ồ à của các em nhỏ trước những điều thú vị, bất ngờ trên màn ảnh.

Anh Nguyễn Bình Nam - Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau cho biết: “Nhóm chọn chiếu 1 clip ngắn về Đà Nẵng để giới thiệu cho các em biết rằng có một thành phố hiện đại khác ở ngoài rừng núi này, và những bộ phim nổi tiếng của thế giới và Việt Nam dành cho trẻ em…

Những ánh mắt ngạc nhiên và bất ngờ, khi lần đầu tiên được xem màn hình rộng, âm thanh lớn, tuy không bằng rạp phố nhưng đã rất “chill” với tụi nhỏ rồi… Những đứa trẻ nơi núi rừng xanh thẳm biết thêm được rằng, còn có một thế giới rộng lớn, diệu kỳ hơn mà muốn khám phá, trải nghiệm thì chỉ có thể xuống núi đi học”.

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, Trường THPT Cát Bà đã sẵn sàng phương án khai giảng trong hội trường nếu thời tiết bất lợi. Đại diện học sinh các lớp dự tại hội trường; số còn lại sẽ dự khai giảng online tại lớp. Nhà trường có đủ hệ thống âm thanh và màn hình truyền trực tiếp đến từng lớp. - Thầy Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.