Nhiều chương trình truyền hình thực tế có vấn đề
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về xã hội hóa truyền hình, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn – cho biết: Việc xã hội hóa chương trình truyền hình thông qua thực hiện liên kết.
Hầu hết các chương trình thực hiện liên kết này là chương trình giải trí. Thực tế nhiều chương trình xã hội hóa hiện nay rất lớn, trong đó có nhiều chương trình có vấn đề.
Cách đây mấy năm chúng ta thấy sai phạm trong các chương trình xã hội hóa này nhiều, nhưng gần đây hầu hết các đài phát thành truyền hình đã có quy trình chuẩn hơn, chấn chỉnh lại quá trình xã hội hóa từ quy trình kiểm duyệt liên kết đến các nội dung khác.
“Chính vì vậy, các chương trình truyền hình xã hội hóa, các chương trình truyền hình thương mại liên kết hiện nay có mức độ vi phạm giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, sai sót đó cũng không thể không có” - Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Nói về vai trò chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông trước những sai phạm như trên, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn – nhấn mạnh: Trước hết là vai trò của cơ quan báo chí khi thực hiện các chương trình liên kết, hai là vai trò của Bộ quản lý nhà nước về vấn đề này.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, quản lý nhắc nhở xử lý; đặc biệt đưa ra cơ chế mà các đài đang phải thực hiện là: Chương trình tự sản xuất của mình phải trên 30%, các chương trình liên kết không được vượt quá 50% của chương trình.
Đó là một trong những nội dung cơ bản để tăng cường quản lý chương trình xã hội hóa truyền hình và thực tế chương trình xã hội hóa truyền hình.
Các chương trình xã hội hóa truyền hình là nằm ở các kênh khác nhau, còn có các kênh truyền hình thiết yếu nên không thể gọi xã hội hóa truyền hình lấn áp các chương trình thiết yếu của Đài truyền hình Việt Nam cũng như các đài truyền hình các địa phương.
Trước ý kiến chất vấn của Đại biểu Mong Văn Tình - Đoàn Nghệ An về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, sai sự thật; Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn – thừa nhận: Đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng vai trò của báo chí từ trước đến nay đã thể hiện rất rõ ràng. Nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ như hiện nay.
Từ khi Đảng thành lập đến nay thì báo chí luôn luôn đồng hành và phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí.
Báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, đưa đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống. Phải nói vai trò báo chí rất lớn, trong mọi bước thành công của Đảng, Nhà nước, của đất nước thì đều có vai trò của báo chí.
Tuy nhiên, theo Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn, gần đây ta có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn. Sai phạm của báo chí cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn là dòng chủ lưu.
Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn: Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí |
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn – cho biết: Trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí. Có thể nói năm 2016 là năm Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay.
Trong đó vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn, thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia nên cũng có hai cơ quan báo chí bị xử lý và có thời điểm chỉ trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật.
Như vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra xử lý rất nghiêm, ngoài ra xử lý các việc sai phạm khác khi báo chí đưa tin cố ý hoặc vô tình xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân đều được xử lý nghiêm.
Bộ Thông tin Truyền thông cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ nhầm lẫn với thẻ nhà báo.
Điển hình như năm 2016, trước tình trạng có nhiều cơ quan báo chí cấp một loại thẻ nếu người ta không để ý nhìn vào cũng tưởng là thẻ nhà báo nhưng lại do cơ quan báo chí của mình cấp, cũng đầy đủ, có dấu Quốc huy thì bộ đã xử lý, thu hồi, thậm chí xử lý cả một Phó Tổng biên tập của một cơ quan báo chí do cấp thẻ phóng viên không đúng quy định pháp luật, để xảy ra tình trạng giả mạo các loại giấy tờ, gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo để đi sách nhiễu các doanh nghiệp” - Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
"Từ tháng 5/2016 đến nay, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp cá nhân sử dụng các giấy tờ đó để gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo và Bộ cũng đã yêu cầu các cơ quan xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp với cơ quan công an để xem xét, xử lý các vụ việc theo quy định" - Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn.