Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025:

Đồng bộ giải pháp giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng

GD&TĐ - Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên (HSSV) được các trường thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp.

Hai sinh viên ưu tú của Trường ĐH Gia Định được kết nạp Đảng ngày 6/8. Ảnh: NTCC
Hai sinh viên ưu tú của Trường ĐH Gia Định được kết nạp Đảng ngày 6/8. Ảnh: NTCC

Bồi dưỡng tinh thần yêu nước

Thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, TP Hà Nội) nhấn mạnh, trong suốt quá trình hoạt động, nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng đối với thế hệ trẻ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của các luồng tư tưởng khác nhau. Để cụ thể hóa chủ trương này, trường đã tổ chức nhiều hoạt động phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý học sinh.

Theo thầy Trung, ngoài học các môn văn hóa, học sinh thời đại 4.0 cần được trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Để có được môi trường học tập hòa bình, ấm no như ngày nay là sự hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước, từ đó, các em nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước.

Không chỉ lồng ghép trong các môn học, vào mỗi dịp chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 hằng năm, Trường THPT Lê Lợi còn phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức lễ trao tặng hàng nghìn lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ đang canh gác nơi đảo xa. Số lượng cờ trao tặng tăng dần theo từng năm. Năm 2023, trường đã gửi tới chiến sĩ quần đảo Trường Sa 3.500 lá cờ.

“Mỗi lá cờ đỏ thắm hay những cánh thư với ngôn từ tha thiết của học sinh gửi tới các chiến sĩ nơi đảo xa thể hiện tình cảm của người dân trong đất liền luôn hướng đến và tri ân sự hy sinh, cống hiến của các anh. Đây chính là cách để các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc cũng như bồi đắp tinh thần yêu nước”, thầy Trung khẳng định.

dong bo giai phap giao duc dao duc chinh tri tu tuong (1).jpg
Lễ trao tặng 3.500 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ quần đảo Trường Sa tại Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông ngày 22/12/2023. Ảnh: TG.

Nâng cao ý thức pháp luật

Thầy Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TPHCM) khẳng định, công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng cho sinh viên vô cùng quan trọng. Khi vào đại học, các em đủ 18 tuổi và có đầy đủ quyền của một công dân như bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội hoặc HĐND các cấp. Đồng thời, ở môi trường sống xa gia đình, việc rèn luyện ý thức tự giác chấp hành pháp luật, lối sống trách nhiệm và tuân thủ nội quy trường lớp cho các em càng quan trọng.

Vào đầu năm học, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Ngoài ra, trường còn mời chuyên gia tới nói chuyện, phổ biến kiến thức về phòng chống tệ nạn xã hội, một số kỹ năng an toàn trên không gian mạng, cách xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống sinh viên…

“Mạng xã hội luôn có nhiều trào lưu khác nhau thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Mỗi sinh viên cần tỉnh táo để phân biệt đâu là trào lưu có hại và tránh xa. Các em cũng có thể tham gia sinh hoạt ở các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của trường và lắng nghe những chia sẻ, định hướng của lãnh đạo nhà trường để có hành động thiết thực. Thực tế có không ít thanh niên ưu tú được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng”, thầy Chung trao đổi thêm.

Là trường có chất lượng giáo dục tốp đầu của Hà Nội, cô Đỗ Thị Bảy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) thông tin, song song với nhiệm vụ học tập, học sinh được tham gia nhiều câu lạc bộ về văn hóa, thể thao phù hợp với năng lực, sở thích. Nhà trường cũng lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng cho học sinh thông qua buổi sinh hoạt đầu năm học và một số buổi sinh hoạt tập thể dưới cờ.

Hằng năm, nhà trường mời Công an quận Ba Đình, chuyên gia pháp lý đến nói chuyện chuyên đề về ý thức tuân thủ pháp luật. Tại đây, học sinh được giao lưu, đặt câu hỏi với diễn giả về những vấn đề còn băn khoăn. Ở trên lớp, các em cũng được thầy cô dạy lồng ghép về giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức thông qua môn Giáo dục công dân (chương trình mới là Giáo dục kinh tế và pháp luật), Lịch sử, Địa lý. Học sinh có thể tham gia dưới dạng sân khấu hóa để ghi nhớ kiến thức pháp luật tốt hơn.

“Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho học sinh rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các em chỉ có thể trở thành công dân có ích cho xã hội khi có ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, học sinh cần được tham gia nhiều hơn nữa hoạt động xã hội để hiểu hơn về trách nhiệm của giới trẻ với đất nước”, cô Đỗ Thị Bảy đưa ra đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ