Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng tầm sản phẩm OCOP

GD&TĐ - Hiện, ĐBSCL đứng thứ 2 về số lượng sản phẩm OCOP (sau vùng Đồng bằng sông Hồng) với trên 2.950 sản phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nghe các chủ thể giới thiệu về sản phẩm OCOP. Ảnh: Quách Mến
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nghe các chủ thể giới thiệu về sản phẩm OCOP. Ảnh: Quách Mến

Thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo được sức hút trong cộng đồng, lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện tại, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng tầm sản phẩm OCOP tại địa phương.

Đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Hiện, ĐBSCL đứng thứ 2 về số lượng sản phẩm OCOP (sau vùng Đồng bằng sông Hồng) với trên 2.950 sản phẩm. Trong đó, Bạc Liêu có 145 sản phẩm, với 31 sản phẩm OCOP 4 sao và 114 sản phẩm OCOP 3 sao. Tỉnh này đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là muối tinh và muối hạt Bạc Liêu.

Tỉnh Cà Mau, với nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, cũng có 151 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, có 29 sản phẩm đạt 4 sao và 122 sản phẩm 3 sao. Hiện, 65 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Trên 150 sản phẩm của tỉnh này cũng tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước.

“Các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, nhãn hàng hóa và bao bì, với truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Với nguồn nguyên liệu tự nhiên và quy trình sản xuất đạt chuẩn, các sản phẩm OCOP của Cà Mau mang đến cho người tiêu dùng sự an tâm về chất lượng”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, khẳng định.

Bà Trương Ngọc Giàu, Chủ cơ sở khô Ngọc Giàu thuộc xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết, để sản phẩm của cơ sở được nhiều người biết đến, bà đã tìm hiểu và quyết định làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Hiện, sản phẩm tôm rang, tôm khô và tôm chà bông của cơ sở khô Ngọc Giàu đã được công nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác của cơ sở cũng được công nhận OCOP 3 sao.

“Tham gia xây dựng sản phẩm OCOP là điều kiện tốt để cơ sở hoàn thiện về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, cũng như có cơ hội tiếp cận hơn với nhiều đối tác khách hàng. Từ đó lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường cũng nhiều hơn”, bà Giàu chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định, chương trình OCOP ngoài mục đích gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, phát triển kinh tế, còn giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn.

“Chương trình OCOP đã giúp tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. Đồng thời, làm động lực phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống”, ông Quân nói.

dbscl-nang-tam-san-pham-ocop-2.jpg
Bánh phồng tôm - một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Tuy sản phẩm OCOP tăng nhanh về số lượng nhưng tình hình tiêu thụ tại nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau chưa được đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối, bán lẻ do còn phụ thuộc vào mùa vụ. Ngoài ra, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung.

“Điều này khiến cho các sản phẩm chưa thể phát huy hết tiềm năng, khó mở rộng thị trường và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các kênh phân phối lớn”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhìn nhận.

Ở góc nhìn của nhà phân phối, đại diện của Tập đoàn Central Retail cho biết một số chủ thể sản phẩm OCOP chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị như thiếu giấy tờ pháp lý, bao bì sản phẩm chưa tuân thủ tem nhãn, mã vạch… Một số nhà cung cấp đã ký kết hợp đồng nhưng lại thiếu sự chủ động và chưa sẵn sàng tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.

dbscl-nang-tam-san-pham-ocop-3.jpg
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Để nâng tầm sản phẩm OCOP và tạo điều kiện để đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối lớn, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô kinh doanh.

Đồng thời cần nghiên cứu, thiết kế logo, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. Đặc biệt, phải định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với sử dụng mã số, mã vạch theo quy định.

“Tôi đề nghị phải tập trung xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Không chỉ đa dạng hóa các hình thức thương mại, mà còn phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nhằm tạo sức lan tỏa và nâng cao hình ảnh sản phẩm OCOP của Bạc Liêu trên thị trường”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

“Ngoài những giải pháp của địa phương, tỉnh Cà Mau mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp, hợp tác xã ở Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường nhằm góp phần nâng cao giá trị và phát triển mạnh mẽ hơn nữa các sản phẩm OCOP của địa phương”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ