Nỗ lực chống khai thác thủy sản trái phép ở đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 84.700 tàu cá, trong đó tàu đã được đăng ký gần 75.400 tàu.

Lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) hiện được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các địa phương ven biển ở Đồng bằng sông cửu Long.

Còn nhiều tàu cá vi phạm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 84.700 tàu cá, trong đó tàu đã được đăng ký gần 75.400 tàu. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 98,6%; đánh dấu đạt 98%.

Đến nay đã có 76 cảng cá của 28/28 địa phương ven biển tổ chức thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Ngoài ra, các địa phương ven biển cũng tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt một số kết quả quan trọng. Cụ thể, đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra khởi tố 3 vụ.

Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC đến nay, cả nước đã xử phạt hơn 3.500 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền hơn 98 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, xử phạt hơn 2.800 trường hợp với tổng số tiền trên 63 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh kết quả tích cực, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống khai thác IUU mà các địa phương chậm khắc phục theo khuyến nghị của EC. Đáng quan tâm là tình trạng tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước còn xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tăng 12 tàu/16 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023. Trong tổng số 61 tàu bị nước ngoài bắt giữ hiện chỉ mới xác minh được 38 tàu, còn lại chưa xác minh được do tàu cá cố tình sử dụng số đăng ký giả, xóa số đăng ký hoặc tàu cá mua bán, chuyển nhượng chưa sang tên đổi chủ.

“Tình trạng tàu cá vi phạm bất hợp pháp ngày càng tinh vi bằng nhiều thủ đoạn. Vẫn còn tình trạng chủ tàu, thuyền trưởng cố tình tháo thiết bị giám sát hành trình để che giấu và trốn tránh các lực lượng chức năng hoặc cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác.

Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang đã ghi nhận 10 vụ/14 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đã xử lý 3 vụ, còn 7 vụ đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý”, ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thông tin.

Tại Cà Mau, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay địa phương đã ghi nhận 3 tàu cá của tỉnh khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Ngoài ra, lực lượng chức năng tỉnh cũng phát hiện hơn 200 vụ vi phạm về khai thác thủy sản, xử phạt hành chính với số tiền trên 7,6 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” với 5 bị can và 1 vụ án “Tổ chức môi giới cho người nước ngoài xuất cảnh trái phép”.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin: “Hiện nay, số tàu cá đăng ký được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới chỉ đạt khoảng 89%; cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt trên 74%.

Cả nước còn hơn 9.300 tàu cá “3 không”; tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.

Phương tiện mất kết nối trên biển vẫn còn. Hiện, cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng; khoảng 30% sản lượng khai thác được giám sát qua cảng”.

dong-bang-song-cuu-long-1.jpg
Phương tiện neo khai thác thủy sản neo đậu tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Đồng bộ giải pháp tháo gỡ “Thẻ vàng”

Ông Lê Văn Sử cho biết, sở dĩ thời gian qua kết quả xử lý các hành vi khai thác IUU còn thấp là do công tác xác minh, thu thập các chứng cứ vi phạm trên biển gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng đôi lúc chưa được nhịp nhàng, chặt chẽ, còn chồng chéo; ranh giới trên biển với một số nước chưa được phân định rõ ràng...

Theo ông Sử, để công tác chống khai thác IUU được thực hiện hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của địa phương rất cần có sự hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn từ các bộ, ngành Trung ương.

“Tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu nâng cao chất lượng của thiết bị giám sát hành trình, bổ sung thêm một số tính năng cần thiết để kịp thời phát hiện hành vi tháo thiết bị giám sát hành trình.

Đồng thời quy định giảm thời gian đưa tàu cá vào bờ để khắc phục tình trạng lợi dụng quy định (mất kết nối 10 ngày phải đưa tàu vào bờ) vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặt khác, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chấp pháp trên biển, vùng giáp ranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định đối với những tàu cá có dấu hiệu cố tình vi phạm”, ông Sử nêu ý kiến.

Ông Giang Thanh Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Ngoại giao tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại qua đó cung cấp, chia sẻ thông tin, hồ sơ, chứng cứ có liên quan đến các tàu cá khai thác thủy sản bị bắt, giam giữ, xử lý tại nước ngoài, làm cơ sở cho lực lượng chức năng các tỉnh củng cố hồ sơ vi phạm và xử lý, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

dong-bang-song-cuu-long-3.jpg
Một tàu cá vi phạm vùng biển bị lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời.

Đồng thời, nắm tình hình các thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ để thực hiện công tác bảo hộ công dân, đồng thời phối hợp với các địa phương tiếp nhận, điều tra, xử lý ngay khi người vi phạm về nước.

Nói về giải pháp của địa phương trong việc chống khai thác IUU, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND Bến Tre cho rằng, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc không khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Giai đoạn hiện nay là phải xử lý mạnh tay để tạo sự răn đe.

Ngày 17/10/2024, tại buổi làm việc với một số địa phương ven biển về công tác chống khai thác IUU, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề cấp bách tồn động trong khai thác IUU. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; phối hợp tập trung xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” ngay trong tháng 11/2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ