Thống đốc Indiana Mike Pence (trái) chính thức trở thành
bạn đồng hành của Donald Trump. (Nguồn: CNN).
Thống đốc bang Indiana, ông Mike Pence, được đồng nghiệp mô tả là người luôn nhắc tới sự cần thiết của việc “đương đầu với chế độ độc tài”. Ông công khai tuyên bố mình theo tư tưởng của Tổng thống George W. Bush và từng nói rằng Iraq chỉ đơn giản là “tội lỗi”.
Khi cuộc chiến ở Iraq đã kéo dài hết năm này sang năm nọ, ông Pence vẫn giữ vững quan điểm này, nói rằng ông vẫn ủng hộ cuộc chiến Iraq dù cho người dân Mỹ có phản đối nó thế nào. Nhưng đến giờ, quan điểm vững chắc này dường như lại là điểm khác biệt nhất đối với quan điểm chính trị của Donald Trump, người luôn nhấn mạnh quan điểm phản đối cuộc chiến Iraq của mình.
Từ việc sử dụng quân sự, thương mại tự do cho đến vấn đề ngoại giao… cặp đôi Trump và Pence đều có các quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế, nhưng vẫn gượng ép hòa hợp chúng lại trong thời điểm bước vào cuộc tổng tuyển cử đầy thách thức vào tháng 11 tới.
Nhà tài phiệt địa ốc Trump từng thể hiện hệ tư tưởng “Nước Mỹ là trên hết” trong đó yêu cầu các quốc gia khác - từ các đối tác cho tới đồng minh chiến lược - bớt dựa dẫm vào sự hào phóng của Mỹ và cần phải tự bỏ tiền túi ra để lo các công việc chung. Trump còn từng đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong khối liên minh quân sự NATO, khiến giới phê bình gọi ông là “người theo chủ nghĩa biệt lập”.
Điều này dường như tương phản hoàn toàn đối với ông Pence, người đã có 15 năm kinh nghiệm phục vụ cộng đồng.
Trước khi được bầu làm Thống đốc bang Idiana, Pence đã có 12 năm làm việc tại Quốc hội, nơi mà ông từng thiết lập nên một kỷ nguyên bảo thủ mới của giới chính trị gia đảng Cộng hòa mà kết quả là đưa ra viễn cảnh nước Mỹ như một lực lượng ban phát nền dân chủ tới mọi nơi. “Trên khắp thế giới, Mỹ luôn đứng vững như một biểu tượng của tự do và hy vọng, và tôi tự tin rằng chúng ta sẽ duy trì được điều đó”, ông Pence từng viết trên website Quốc hội.
“Cuộc hôn nhân” đầy mâu thuẫn
Sự mâu thuẫn về quan điểm giữa Trump và Pence thậm chí đã nhiều lần được thể hiện rõ ràng trước công chúng, trong khi một số khác lại ít được nhắc đến hơn.
Còn nhớ khi Donald Trump đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với người nhập cư Hồi giáo năm ngoái, ông Pence đã phản đối đề xuất này trong một đoạn viết trên Twitter cá nhân: “Lời kêu gọi cấm người Hồi giáo vào nước Mỹ là sự xúc phạm và phi hiến pháp”.
Phải đến mãi gần đây, trong hôm thứ Bảy tuần trước, khi Trump và Pence chính thức công khai trở thành cặp đôi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, ông Pence mới lên tiếng ủng hộ Trump sau khi nhà tài phiệt này sửa lại đề xuất trên thành “cấm tạm thời người nhập cư từ các nước thỏa hiệp với khủng bố”.
Liên quan tới cuộc xung đột Israel-Palestine, Trump hồi đầu năm nay từng nói rằng, ông sẽ mong muốn duy trì vị trí “trung lập” trước khi đưa ra quan điểm ủng hộ đồng minh Israel. Trong khi ông Pence lại có quan điểm vững chắc hơn, tuyên bố trong một cuộc họp các chính trị gia bảo thủ hồi năm 2015 rằng: “Kẻ thù của Israel chính là kẻ thù của chúng ta”.
Trong khi Trump đang vất vả trong việc đưa ra một quan điểm về vấn đề Libya và việc lãnh đạo bị lật đổ của nước này, thì ông Pence thẳng thừng tuyên bố rằng “Gaddafi (cố lãnh đạo Libya) cần phải ra đi”, thậm chí tán dương chính quyền Tổng thống Barack Obama vì đã làm như vậy.
Trump mới đây còn xuất hiện trên khắp các mặt báo ở nước Mỹ vì ngợi khen cố lãnh đạo Iraq Saddam Hussein là giỏi trong việc tiêu diệt những kẻ khủng bố. Trước đây, ông Trump từng chỉ trích Tổng thống George W. Bush vì đã dẫn dắt nước Mỹ “vào một cuộc chiến bằng những lời nói dối”.
Trong khi đó, ông Pence có lần từng nói rằng, ông Hussein “chắc chắn nuôi dưỡng những kẻ khủng bố”. Trong năm 2005, trong bối cảnh dư luận Mỹ bắt đầu đặt ra những câu hỏi về thông tin tình báo khiến nước Mỹ lao vào một cuộc chiến ở Iraq, ông Pence nói: “Không hề có sự thao túng nào. Cuộc chiến ở Iraq là xứng đáng, và tự do của hàng triệu người giúp chúng ta ủng hộ kết luận đó”.
Mặc dù ai cũng biết rằng còn tồn tại quá nhiều bất đồng giữa quan điểm của Trump và Pence để họ có thể trở thành một cặp đôi hoàn hảo. Nhưng theo Trump, ông không cần một người đồng hành có thế mạnh về “công kích”, lý do mà ông bác bỏ những lựa chọn tiềm năng khác như Newt Gingrich hay Chris Christie để lựa chọn Mike Pence là bởi ông cần một “lựa chọn an toàn”.