Donald Trump thăm Trung Quốc: Trọng tâm là vấn đề thương mại

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày (từ 8 – 10/11), một chặng dừng chân quan trọng trong chuyến thăm đầu tiên đến châu Á với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ. 

Donald Trump thăm Trung Quốc: Trọng tâm là vấn đề thương mại

Trọng tâm của cuộc gặp này là vấn đề thương mại và Triều Tiên, nhưng xem ra, các kết quả đạt được về mặt thương mại là chủ yếu.

Vấn đề Triều Tiên? Không dễ gỡ rối

Trọng tâm của cuộc gặp này là vấn đề thương mại và Triều Tiên. Các quan chức Nhà Trắng cho hay Tổng thống dự định sẽ nhấn mạnh với phía Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên - thúc ép Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trước đó, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho Bình Nhưỡng, kêu gọi lãnh tụ Kim Jong Un từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân để có cơ hội tiến tới “một con đường tốt hơn”.

Ông Trump cảnh báo Triều Tiên: “Đừng đánh giá thấp chúng tôi và đừng thách thức chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo vệ an ninh chung, sự thịnh vượng chung và sự tự do thiêng liêng của chúng tôi”.

Chứng minh cho tuyên bố của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ phái ba nhóm tác chiến có tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, mà Tổng thống Trump nói “đến vị trí thích hợp” gần bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu trên chuyên cơ Air Force One về cách tiếp cận Bắc Kinh hôm 8/11, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã khẳng định lại cam kết của họ về một chiến dịch phối hợp toàn cầu nhằm đưa Triều Tiên trở lại “các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hoá đích thực” cam kết sử dụng một cách “đầy đủ khả năng quân sự” để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quan chức Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump sẽ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây áp lực lên Triều Tiên bằng cách đóng những lỗ hổng để cho buôn bán giữa Trung Quốc và Triều Tiên lọt qua, mặc dù LHQ đã ra lệnh trừng phạt.

Trong một tuyên bố riêng, Thư ký Báo chí Nhà Trắng, Sarah Huckabee Sanders, nói rằng Tổng thống Trump cũng sẽ xem xét quyết định liệu Hoa Kỳ sẽ liệt Triều Tiên là một nhà nước tài trợ cho khủng bố hay không, trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc.

Thương mại dễ “nói chuyện” hơn

Ngày 9/11, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cuộc khủng hoảng Triều Tiên có thể được giải quyết.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân trong cuộc gặp Chủ tịch Tập, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Cuộc gặp của chúng ta trong sáng nay... đã rất tuyệt vời khi thảo luận về Triều Tiên. Cũng giống như Ngài, tôi hoàn toàn tin tưởng có giải pháp cho vấn đề này”.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Thật tệ khi các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ để thương mại vượt ra ngoài trật tự, song chúng ta sẽ khiến thương mại công bằng cho cả hai bên”.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang “ở điểm khởi đầu lịch sử mới”, đồng thời nhấn mạnh hợp tác là “lựa chọn đúng đắn duy nhất” cho cả Bắc Kinh và Washington. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết thêm cả hai bên nhất trí tăng cường liên lạc và phối hợp trong các vấn đề như Bán đảo Triều Tiên và Afghanistan.

Xem ra, kết quả khả quan nhất trong chuyến thăm của ông Trump đến Bắc Kinh vẫn là vấn đề thương mại. Bằng chứng là ngay sau hội đàm giữa ông Trump và ông Tập sáng 9/11, Mỹ và Trung Quốc đã thông báo về các thỏa thuận thương mại được ký kết trị giá hơn 250 tỷ USD, trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump.

Lễ ký kết các thương vụ tổng trị giá hơn 250 tỷ USD ngày 9/11 diễn ra trước sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD thuộc về các lĩnh vực, từ đậu nành Trung Quốc và hoạt động nhập khẩu máy bay, đến những dự án lớn như khai thác và xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ bang Alaska, Mỹ… “Đây thực sự là một điều kỳ diệu, không chỉ trong lịch sử Mỹ - Trung mà là lịch sử thế giới”, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn nhấn mạnh khi tuyên bố việc ký kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...