Bên cạnh sứ mệnh quan trọng là củng cố quan hệ đồng minh, tái khẳng định bảo đảm an ninh với 2 quốc gia này, ông Trump không giấu giếm đòi hỏi quyền lợi cho nước Mỹ theo chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” của mình.
Chào bán tên lửa – Tạo việc làm cho người Mỹ
Đặt chân tới Nhật Bản, những phát biểu đáng chú ý của Tổng thống Trump không phải là vấn đề nêu giải pháp mới gây áp lực với Triều Tiên (quốc gia 2 lần bắn tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản gần đây) mà là vấn đề “không công bằng” trong quan hệ thương mại với Nhật Bản.
Phát biểu với giới doanh nhân Mỹ và Nhật tại Tokyo, ông Trump nói Nhật Bản “đang giành phần thắng” về thương mại trong những thập kỉ gần đây. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản có mức thặng dư thương mại 69 tỉ USD với Mỹ năm 2016. Người đứng đầu Nhà Trắng ca thán rằng “Mỹ đã chịu thâm hụt thương mại khổng lồ với Nhật trong nhiều, rất nhiều năm”.
Nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại, Tổng thống Trump đề nghị Nhật mở rộng hơn chế tạo xe hơi tại Mỹ. “Chế tạo xe hơi Nhật tại Mỹ thay vì mang thành phẩm tới. Liệu đó có phải là yêu cầu quá đáng không?” – ông Trump nhấn mạnh.
Để xem đòi hỏi của ông Trump có quá đáng hay không thì thử nhìn vào thực tế. Theo số liệu của Hiệp hội Sản xuất ô tô Nhật Bản, năm 2016, 3/4 số xe hơi thương hiệu Nhật bán tại Mỹ được sản xuất tại Bắc Mỹ. Năm ngoái, các hãng xe hơi này đã sản xuất gần 4 triệu xe và 4,7 triệu động cơ tại Mỹ; đóng góp 45,6 tỉ USD tổng đầu tư vào 24 nhà máy sản xuất và 43 trung tâm nghiên cứu, phát triển và thiết kế xe hơi tại Mỹ.
Đúng với “chất” của một doanh nhân, Tổng thống Trump “chào hàng” với đồng minh thân cận rằng Nhật có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên “ngay trên trời” với thiết bị quân sự mua của Mỹ. Ông Trump thẳng thắn nêu vấn đề lợi ích từ việc mua tên lửa phòng thủ - đó là sẽ có thêm việc làm cho người Mỹ trong khi Nhật Bản có được sự an toàn.
Đòi hỏi tăng chia sẻ tài chính cho căn cứ quân sự
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Trump bên cạnh tái xác nhận gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên về chương trình hạt nhân, cũng đặt nặng vấn đề “đòi” quyền lợi cho nước Mỹ. Đặc biệt là Mỹ muốn tái đàm phán thoả thuận thương mại tự do song phương với Hàn Quốc, còn gọi là KORUS.
Từ lâu ông Trump đã chỉ trích thoả thuận này là nguyên nhân thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc. Trước khi Tổng thống Trump nhậm chức, nhiều người tại Hàn Quốc và Mỹ coi thoả thuận này là trụ cột chính cho mối liên minh 2 nước.
Tuy nhiên quan điểm của ông Trump lại trái ngược. Đầu năm nay, có thông tin rằng ông Trump xem xét rút khỏi thoả thuận – gây phản ứng mạnh không chỉ tại Hàn Quốc mà cả ở Mỹ. Mùa hè này, hai nước cuối cùng cũng đã khởi động lại việc tái đàm phán thoả thuận mà đã có hiệu lực 5 năm trước.
Bù đắp chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc cũng là mối quan tâm lớn của Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Ông Trump muốn Hàn Quốc đóng góp thêm tài chính cho hiện diện quân sự Mỹ trên đất Hàn Quốc – có nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ tấn công từ Triều Tiên.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nêu quan điểm Hàn Quốc và Nhật Bản phải đóng góp nhiều hơn cho việc đồn trú 80.000 binh sĩ Mỹ hoặc Mỹ sẽ rút số binh sĩ này về nước.
Từ khi bước vào nhiệm sở, Tổng thống Trump chưa bao giờ công khai dọa rút quân. Nhưng hồi cuối tháng 6, trong cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ đã nêu lại yêu cầu chia sẻ tài chính lớn hơn. Hàn Quốc hiện trả hơn 800 triệu USD mỗi năm và trong vài tháng tới sẽ bắt đầu đàm phán về mức đóng góp mới.