Nhiều trường kéo dài thời gian ôn đến gần sát ngày thi để học sinh không xao nhãng việc học.
Ôn tập sát ngày thi
Trường THPT Tháp Mười (Tháp Mười, Đồng Tháp) tiến hành tăng tiết để hoàn thành chương trình lớp 12 vào cuối tháng 4/2024. Sớm hoàn thành chương trình đồng nghĩa việc học sinh tăng thời gian ôn tập các môn thi tốt nghiệp. Theo thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng nhà trường, giai đoạn ôn tập kéo dài 7 tuần, chia làm 2 giai đoạn (đợt 1 đến 31/5 và đợt 2 đến 22/6), chỉ tập trung vào các môn học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp. Do đã khảo sát và xếp lớp theo môn thi tốt nghiệp từ đầu năm học nên việc tổ chức ôn theo lớp chính thức không xáo trộn nhiều.
Với Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), nhà trường hoàn thành chương trình lớp 12 trước ngày 25/5. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, sau khi hoàn thành chương trình, việc tổ chức ôn tập cho học sinh chủ yếu thực hiện vào thời gian buổi sáng. Cụ thể, mỗi sáng học sinh học 4 tiết với 2 môn; tổng thời gian ôn tập mỗi môn sau hoàn thành chương trình là 16 tiết.
“Nhà trường sẽ tổ chức ôn đến 22/6 - gần sát ngày thi. Nội dung ôn luyện bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT để rèn học sinh kỹ năng làm bài. Giáo viên luôn bám sát cấu trúc đề thi, xây dựng ma trận nội dung ôn tập, sưu tầm và ra công hệ thống bài tập, hướng dẫn học sinh nhận diện nội dung câu hỏi, giải bài tập; đồng thời nắm bắt năng lực từng nhóm trong lớp để bổ sung kiến thức chưa vững”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Đóng chân ở địa bàn vùng khó, đầu vào thấp nên công tác dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) đặc biệt quan tâm. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, nhà trường sẽ kết thúc chương trình vào 24/5; tuy nhiên công tác ôn tập được tăng tốc từ đầu học kỳ II (giai đoạn này kéo dài đến 31/5).
Đợt ôn tập thứ 2 bắt đầu từ 1/6 đến sát ngày thi (24/6); thời gian ôn tổ chức trong các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7. Lớp ôn tập được xếp theo trình độ thực tế của học sinh; giáo viên xây dựng kế hoạch, giáo án phù hợp để bảo đảm phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. “Trường quy định tổng thời lượng ôn tập, nhưng linh hoạt từng môn. Căn cứ vào kết quả các kỳ thi thử (2 đợt do sở GD&ĐT tổ chức, 2 đợt do trường tổ chức), nhà trường điều chỉnh thời lượng ôn tập từng môn, lớp cho phù hợp”, thầy Nguyễn Văn Minh cho biết thêm.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Trường THPT Lương Thế Vinh (Bến Tre) sẽ hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập vào 25/5. Tuy nhiên, do thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nên sau khi học sinh hoàn thành kiểm tra học kỳ II (ngày 26/4), nhà trường tổ chức dạy học hoàn thiện chương trình 12 (buổi sáng), lồng ghép ôn thi tốt nghiệp (buổi chiều). Công tác ôn tập được duy trì đến 22/6. Như vậy, đến thời điểm thi tốt nghiệp, học sinh được ôn tập 7 tuần, mỗi tuần 39 tiết.
Ảnh minh họa ITN. |
Giải pháp ôn tập hiệu quả
Cô Đồng Thị Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 5 trường có học sinh dự thi tốt nghiệp THPT; trong đó 4 năm đạt tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Để giữ vững tỷ lệ này, từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp.
Theo đó, dựa trên kết quả học tập của học sinh các năm học trước, nguyện vọng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT, nhà trường tư vấn, định hướng học sinh lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp. Trường mạnh dạn xếp học sinh có kết quả học tập, ý thức rèn luyện chưa tốt vào 1 lớp. Vận động và phân công giáo viên chủ nhiệm, bộ môn nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Đặc biệt, ban giám hiệu trực tiếp tham gia đứng lớp này để thuận lợi trong quản lý; động viên giáo viên, học sinh kịp thời, hiệu quả.
Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học; phát huy lợi thế của tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm tăng cường nội dung ôn tập phù hợp với tổ hợp môn mà học sinh đã định hướng đăng ký. Ưu tiên phân công giáo viên kinh nghiệm, nhiều năm tham gia ôn thi tốt nghiệp THPT, giảng dạy lớp 12.
Tổ chuyên môn tập trung biên soạn nội dung ôn tập bám sát hướng dẫn thực hiện chương trình của Bộ/sở GD&ĐT và phù hợp năng lực học sinh nhà trường. Vấn đề trường tập trung nhiều nhất là chỉ đạo giáo viên bộ môn tăng cường biên soạn, hướng dẫn học sinh giải đề tham khảo, tự đánh giá năng lực, xác định điểm mạnh yếu của mình trong từng đơn vị kiến thức; từ đó có cách giải quyết linh hoạt, hiệu quả nhất.
Bài tập được tăng cường cho học sinh tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng làm bài thêm ở nhà. Tất cả thắc mắc của các em được thầy cô định hướng, giải đáp qua nhóm Zalo hoặc trực tiếp trên lớp.
“Ban giám hiệu thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ tinh thần giáo viên, học sinh trong suốt quá trình dạy học, ôn tập; đồng hành cùng thầy trò tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Việc trao đổi thông tin với phụ huynh lớp 12 thực hiện thường xuyên để phối hợp quản lý giờ giấc, ý thức học tập, sức khỏe… học sinh. Nhà trường sẽ tiến hành tổ chức cho học sinh thi thử, làm quen với kỳ thi và giáo viên bộ môn điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp”, cô Đồng Thị Thuận cho hay.
Động cơ học tập đúng đắn, kế hoạch ôn tập khoa học, không dao động dẫn đến thay đổi lựa chọn môn thi, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan là yếu tố quan trọng nhất giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi. Với nhà trường, cần duy trì ổn định nền nếp đảm bảo tỷ lệ học sinh tham gia ôn tập đầy đủ, nghiêm túc.
Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa giáo viên chủ nhiệm và bộ môn; thông tin kịp thời đến lãnh đạo nhà trường những phát sinh trong quá trình ôn tập. Thầy cô cần giúp học sinh xây dựng và tự giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch ôn tập với thời gian chi tiết nhất. - Thầy Trần Văn Hân (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười)