Trường học phố núi tổ chức ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường THPT Lê Duẩn, giáo viên căn cứ tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch dạy học để học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Trường học phố núi bám học sinh để dạy, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Trường học phố núi bám học sinh để dạy, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Chủ động dạy học

Thầy giáo Phạm Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm học này, trường có 9 lớp 12 với 376 học sinh. Trường nằm vùng ven Tp Buôn Ma Thuột, có học sinh người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế của gia đình các em còn khó khăn nên cũng ảnh hưởng đến việc học. Nhiều em học xong phổ thông là chuyển sang học nghề. Tâm lý khó khăn khi tìm kiếm việc làm sau khi học xong một trường chuyên nghiệp nào đó cũng khiến ít nhiều phụ huynh không mặn mà động viên con em học tập, điều này dẫn đến việc ôn thi tốt nghiệp với một số em còn chểnh mảng.

Hiện kế hoạch dạy thêm của trường là dành cho tất cả học sinh có nhu cầu, với thời lượng môn học. Tất cả học sinh lớp 12 được ưu tiên đặc biệt, việc dạy thêm đảm bảo việc học thêm không quá sức học sinh, thời khóa biểu quy định việc dạy học 3 buổi/tuần, mỗi buổi học không quá 4 tiết. Nội dung dạy thêm phải đảm bảo yêu cầu củng cố, ôn tập và luyện thi tốt nghiệp THPT. Để tạo điều kiện và khuyến khích học sinh đi học, trường đưa ra mức học phí được đưa ra là 6000đ/tiết/môn (miễn, giảm học phí cho đối tượng học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh dân tộc tại chỗ có khó khăn về kinh tế).

Giờ ôn tập môn Lịch sử cho học sinh khối 12 của thầy Y Nghiêm.
Giờ ôn tập môn Lịch sử cho học sinh khối 12 của thầy Y Nghiêm.

"Đến nay, việc triển khai dạy học chính khóa được thực hiện bằng nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả, lồng ghép hệ thống hóa kiến thức để giúp học sinh có được nền tảng kiến thức đảm bảo đủ điểm tốt nghiệp với những học sinh có học lực yếu. Song song với đó giáo viên tập trung nâng cao kiến thức cho các em có nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ. Các thầy cô giáo tăng cường thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên, vận động những học sinh có sức học yếu tự giác theo học các lớp học thêm để nắm chắc kiến thức và kỹ năng làm bài tốt", Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Sinh chia sẻ.

Thầy trò cùng cố gắng

Tạo không khí học tập hưng phấn, các tổ chuyên môn phát động giáo viên xây dựng bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu, tài liệu, sách điện tử đóng góp vào kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến, kho học liệu số của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa… Đặc biệt Tăng cường ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của HS; tăng cường mối liên hệ giữa lớp, nhà trường với CMHS và cộng đồng bằng hình thức sử dụng tin nhắn điện tử; tiếp tục sử dụng có hiệu quả sổ điểm điện tử.

Các bạn học sinh khối 12 Trường THPT Lê Duẩn, miệt mài ôn thi tốt nghiệp THPT.

Các bạn học sinh khối 12 Trường THPT Lê Duẩn, miệt mài ôn thi tốt nghiệp THPT.

Cô giáo Phạm Thị Bích Thuyên, dạy môn Giáo dục công dân cho biết: Chúng tôi kết hợp việc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá, dạy học theo chủ đề, tích hợp liên môn. Nội dung dạy học và hoạt động giáo dục tăng cường tập trung vào việc phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp với năng lực và năng khiếu của từng nhóm đối tượng nhằm phát triển năng lực học sinh. Đặc biệt tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học; giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh. Các nội dung học tập đều bám sát chương trình lớp 12.

Thầy giáo Y Nghiêm dạy môn Lịch sử cho biết: Chúng tôi tăng cường hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh những vấn đề mới trong kỳ thi THPT quốc gia; chú ý tư vấn học sinh lớp 12 chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Như với môn Lịch sử của tôi, các giờ học đều thể hiện sự đa dạng trong khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực. Cùng với việc gắn hoạt động dạy học với thực hành, thực tiễn đã và đang phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học lịch sử một cách hiệu quả..

Giờ học thêm môn Lịch sử của lớp 12A2, bạn Nguyễn Thị Vi Lai cho biết: Em và các bạn đều thấy tự tin hơn nhiều khi được các thầy cô ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho mình một cách bài bản, dễ học, dễ nhớ. Các hình thức học tập phong phú, trải nghiệm, hướng nghiệp bằng việc lồng ghép, tích hợp trong các môn học chính khóa với nhiều hình thức khác nhau ngoài giờ chính khóa. Em đăng ký xét tuyển sinh đại học khối C, lựa chọn trường em ưu tiên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đạt được mong muốn của mình.

Việc dạy thêm, hệ thống hóa kiến thức cho học sinh khối 12, được kết hợp một cách hợp lý, theo tỷ lệ phù hợp giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra. Giáo viên bộ môn tăng cường tổ chức hoạt động đề xuất và lựa chọn, hoàn thiện các câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung cho thư viện câu hỏi của nhà trường. Tổ chức ôn tập, cho các em làm quen với các dạng đề thi tốt nghiệp, tăng cường phụ đạo, ôn tập phù hợp với năng lực của từng đối tượng học sinh. - Thầy hiệu trưởng Phạm Văn Sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ