(GD&TĐ) - Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chậm nhất vào 17 giờ ngày 17/6/2013, tất cả bài thi tốt nghiệp THPT đã chấm, đầu phách phải được niêm phong và chuyển về Sở GD&ĐT lưu trữ. Hiện các địa phương đang dồn sức cho công tác chấm thi, đảm bảo kết quả chính xác khách quan và đúng tiến độ.
Chú trọng chấm kiểm tra
Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định chặt chẽ hơn ở khâu chấm thi. Theo đó, quy định mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi. Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm của hội đồng chấm thi; báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch hội đồng chấm thi và cuối mỗi buổi chấm.
Thông tin từ nhiều Sở GD&ĐT, công tác chuẩn bị, chấm thi đang được tiến hành tích cực, trong đó các sở đều nhấn mạnh chú trọng đến công tác chấm kiểm tra theo quy định mới.
Trao đổi với báo Giáo dục&Thời đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết: TPHCM đã huy động khoảng 3000 giám khảo được điều động từ tất cả các trường THPT tại TPHCM chấm thi. Quy trình chấm đảm bảo đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc chấm kiểm tra.
Hiện các giám khảo đang làm việc rất tích cực, cố gắng đến ngày 15/6 sẽ hoàn tất công tác chấm. Vì số thí sinh của TPHCM khá lớn nên để đảm bảo tiến độ này, các giám khảo phải làm tăng giờ, làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Sau khi công bố kết quả thi, các thí sinh có nhu cầu chấp phúc khảo nộp đơn về trường mình học chậm nhất vào ngày 21/6.
Tại Hà Nội, chiều 5/6, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT 2013 đã bắt đầu làm việc. Năm nay, Hà Nội thành lập Hội đồng chấm thi toàn thành phố, trong đó có 1 hội đồng phách, 3 phân hội đồng chấm thi môn tự luận và 1 hội đồng chấm thi môn trắc nghiệm.
Với 76.000 thí sinh, số lượng đứn đầu cả nước, năm nay, số giáo viên làm công tác chấm thi của Thủ đô huy động lên đến trên 1.500 người. Dự kiến ngày 15/6, Hà Nội sẽ sẽ hoàn thành công tác chấm thi và công bố kết quả tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh.
Thông tin từ ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Khảo thí và KĐCLGD Sở GD&ĐT Hòa Bình, ngày 6/5, tổ phách bắt đầu làm việc và Hòa Bình dự kiến khai mạc chấm thi vào ngày 8/6 tới. Vì số thí sinh khá ít, chỉ trên 9.000 em nên lượng giám khảo chấm của tỉnh huy động năm nay là 148 người.
“Hòa Bình không gặp khó khăn gì trong công tác chấm thi, đặc biệt không có áp lực về lực lượng chấm vì số giáo viên huy động tham gia công tác chấm thi khá ít so với lượng giáo viên hiện có trên toàn tỉnh. Hòa Bình sẽ thực hiện chấm thi theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong đó đặc biệt chú trọng đến chấm kiểm tra” - Ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Tại Bình Định, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT 2013 bắt đầu làm việc ngay sau kết thúc môn thi cuối cùng. Sở GD&ĐT Bình Định đã thành lập 1 Hội đồng chấm thi đặt tại Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn; huy động 356 giáo viên tham gia chấm thi.
Bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng. Tổ chấm thi trắc nghiệm sẽ phối hợp cùng bộ phận giám sát là cán bộ thanh tra của Sở và lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ.
Với bài thi tự luận, quy trình chấm thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định và tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận để kiểm tra độ chính xác. Hội đồng chấm thi của tỉnh cũng thành lập một tổ chấm kiểm tra đối với 3 môn tự luận.
Chủ tịch Hội đồng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 5% tổng số bài thi đã chấm giao cho tổ chấm kiểm tra chấm lại. Vào cuối mỗi buổi chấm, người phụ trách tổ chấm kiểm tra báo cáo kết quả, kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi nhằm giúp Chủ tịch Hội đồng chấm thi phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi.
Cũng theo quy định của Sở GD&ĐT Bình Định, các trường phổ thông sẽ nhận đơn xin phúc khảo bài thi từ 18 - 23/6.
Công bố kết quả chấm thẩm định
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của các hội đồng chấm thi trong trường hợp cần thiết. Hội đồng chấm thẩm định chịu trách nhiệm cuối cùng và trình Bộ trưởng việc xử lý điểm chính thức của bài thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chấm hậu kiểm tại một số điểm thi của 16 tỉnh, thành phố; năm nay, chủ trường sẽ mở rộng hơn và sẽ công khai kết quả chấm này.
Theo Thứ trưởng, chấm thẩm định phải có lực lượng chấm tinh nhuệ hơn, có năng lực, trình độ chuyên môn cho hơn và cũng thực hiện chấm tương tự như đối với chấm thi. Kết quả chấm sẽ được thông báo về địa phương và nếu địa phương có thắc mắc, Bộ GD&ĐT sẵn sàng đối thoại.
Hoạt động thanh tra công tác chấm thi tiếp tục được tăng cường. Theo đó sẽ giám sát việc thực hiện quy trình làm phách và công tác bảo mật. Giám sát quy trình quét phiếu trả lời trắc nghiệm, xử lý bài thi và chấm thi; giám sát các thành viên của tổ chấm trắc nghiệm thực hiện các quy định trong quá trình chấm thi.
Giám sát chấm bài thi tự luận: việc bố trí chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng riêng biệt; việc giao, nhận bài thi giữa lãnh đạo hội đồng chấm thi với tổ chấm; việc thực hiện quy trình, quy định về chấm thi; việc ghi điểm vào phiếu chấm, bài thi và xử lý kết quả chấm; xử lý bài thi có dấu hiệu bất thường, bài chênh lệch điểm, hồi phách, vào điểm. Giám sát việc thực hiện quy chế của hội đồng chấm thi; việc chấm kiểm tra 5% số bài.
Ngay chiều 4/6, Bộ GD&ĐT đã công bố hướng dẫn chấm các môn thi tốt nghiệp THPT 2013. Theo đó, lưu ý, giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm. Đặc biệt với môn Ngữ văn, do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Việc chi tiết hoá điểm số của các ý (nếu có) trong hướng dẫn chấm thi, phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi. Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,50 (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,50; lẻ 0,75 làm tròn thành 1,00 điểm). |
Hiếu Nguyễn