Dồn sức chấm thi đại học

GD&TĐ - Ngay sau khi đợt thi thứ 2 kết thúc, nhiều trường ĐH đã bắt tay ngay vào công tác dồn túi, đánh phách để chuẩn bị chấm thi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù không nhiều trường có thể tự chấm toàn bộ bài thi nhưng đều khẳng định sẽ hoàn thành công tác này theo đúng thời gian quy định.

Nhiều trường thuê chấm

Mặc dù chuyên ngành ngoại ngữ nhưng năm nay Trường ĐH Hà Nội quyết định hợp đồng với giáo viên bên ngoài chấm toàn bộ bài thi, kể cả môn Ngoại ngữ.

Cán bộ nhà trường chỉ thực hiện nhiệm vụ xử lý bài thi rồi sau đó bàn giao cho trường thuê chấm. “Chúng tôi muốn tất cả cán bộ, giảng viên được nghỉ sau một thời gian dài vất vả để bước vào năm học mới khí thế hơn” - Trường phòng Đào tạo Lê Quốc Khanh chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Đinh Thị Vân Chi - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ngay sau khi kết thúc thi năng khiếu vào ngày 11/7, trường sẽ tiến hành làm phách để có thể tiến hành chấm bắt đầu từ ngày 15.

Mặc dù không tự chấm nhưng mọi năm công tác chấm thi của trường đều hoàn thành khá sớm. Năm nay, có thể sẽ xong vào khoảng ngày 20/7 vì lượng bài ít đi nhưng lượng giáo viên chấm vẫn giữ nguyên. Toàn trường có 3.756 hồ sơ đăng ký dự thi, số đến dự thi vào khoảng trên 68%.

“Tuy nhiên, trường không muốn công bố điểm sớm vì còn muốn kiểm trò sau chấm thật kỹ lưỡng, tránh tối đa sai sót có thể ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh” - PGS.TS Đinh Thị Vân Chi cho biết.

Tại Trường ĐH Công đoàn, toàn bộ bài thi ĐH sẽ được giao cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐHSP Hà Nội chấm. Chính vì không chủ động nhân lực cho việc này nên dự kiến ngoài 20/7 Trường ĐH Công đoàn mới bắt đầu chấm thi; khoảng cuối tháng Bảy sẽ có kết quả theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Kiểm dò kỹ trước khi công bố điểm

Năm đầu tiên thi tuyển trở lại, Trường ĐH Lao động và Xã hội ký hợp đồng chấm thi trọn gói. 

Theo PGS. TS Lê Thanh Hà - Phó hiệu trưởng, khoảng 12/7 trường sẽ nhận hết bài từ các cụm thi chuyển về và ngày 13 sẽ chuyển giao những bài thi trắc nghiệm cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) chấm. 

Với các môn tự luận, sau khi thực hiện dồn túi, đánh phách, bài thi sẽ gửi gắm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Năm đầu tiên tuyển sinh nhưng số lượng thí sinh khá lớn; riêng đợt 2, trường có trên 6.000 thí sinh dự thi. Do vậy, trường rất cẩn trọng trong công tác chấm thi. 

Một mặt tìm kiếm địa chỉ tin cậy để hợp đồng chấm, mặt khác, phần dọc phách tự làm trường cũng có bộ phận kiểm tra chéo lẫn nhau. Vì, chỉ cần nhầm 1 bài thi sẽ kéo theo một dây chuyền sai sót, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp” - PGS.TS Lê Thanh Hà chia sẻ.

Không thuê toàn bộ, các giảng viên Học viện Ngân hàng đảm nhiệm một phần bài thi ĐH tự luận. Theo ông Trần Mạnh Dũng - Ủy viên Thường trực Hội đồng Tuyển sinh, dự kiến công tác chấm thi bắt đầu từ ngày 15 - 16/7; khoảng 25/7 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, cũng giống như ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện không muốn công bố điểm sớm vì muốn có thời gian kiểm dò thật kỹ lưỡng.

Cũng là năm đầu tiên thi tuyển trở lại, Viện ĐH Mở sẽ tự chấm khoảng 50% số bài thi. Công tác chấm được khởi động ngay sau khi đợt thi kết thúc; dự kiến sẽ xong, công bố điểm trước 31/7.

Trường ĐH Y Hà Nội đã có máy chấm trắc nghiệm nhưng vẫn chưa sử dụng năm nay. Trường dự kiến gửi bài thi cho đơn vị hợp đồng chấm từ ngày 16/7.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện làm phách ngay sau kết thúc đợt 2. Mọi năm, khoảng 22/7 trường sẽ chấm xong để chắc chắn có thể công bố kết quả thi trước tháng 8.

Ông Trần Minh Phương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ -cho biết, trường bắt đầu xử lý dữ liệu từ ngày 11/7 và mất khoảng 1 tuần để triển khai chấm. Dù không tự chấm, nhưng trường vẫn đảm bảo sẽ hoàn thành công việc theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, khi không đủ số lượng cán bộ chấm thi theo quy định, các trường ký hợp đồng chấm thi với các trường khác có đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản, nhưng Ban Thư ký HĐTS trường tổ chức kỳ thi phải chịu trách nhiệm về các khâu: dồn túi, đánh số phách, rọc phách, in Biên bản chấm thi, đáp án và thang điểm, mẫu phiếu chấm thi.

Trường nhận chấm thi phải ra quyết định thành lập Ban Chấm thi và chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về công tác chấm thi.

Sau khi chấm thi xong tất cả các môn, các trường công bố điểm thi của thí sinh trên mạng Giáo dục và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời truyền dữ liệu về Cục KT&KĐCLGD.

Dự kiến điểm thi của các trường cũng sẽ được công bố trên báo Giáo dục & Thời đại điện tử (giaoducthoidai.vn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.

Nhà báo Phạm Khánh Huy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vinh danh những nhà giáo âm thầm cống hiến

GD&TĐ - Tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa những tấm gương nhà giáo luôn âm thầm cống hiến, hết lòng vì thế hệ tương lai là một trong những nhiệm vụ của người làm báo.