Chị Phạm Thị Hoài Thanh trong ca trực đêm của mình.
Khi có báo hiệu sắp có đoàn tàu lưu thông qua một đường ngang dân sinh, những người công nhân sẽ nhanh chóng đóng rào chắn không cho người và phương tiện lưu thông. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chứa đầy khó khăn, áp lực và nguy hiểm.
Chị Phạm Thị Hoài Thanh, sinh năm 1974, công nhân gác chắn tại chắn 316+800, có thâm niên làm trong nghề gần 20 năm chia sẻ, công việc của chị được chia theo ca làm việc liên tục 12 giờ thì nghỉ 12 giờ. Tùy vào mật độ người tham gia giao thông ở mỗi chắn mà cơ quan bố trí số lượng công nhân.
Ví dụ như ở chắn bắc ga Vinh ở đường Trần Bình Trọng có nhiều người qua lại nên có 2 người gác trong khi ở chắn 316+800 chỉ có 1 người. Hằng ngày, công việc chính của chị Thanh là nghe điện thoại báo có tàu, ghi chép nhật ký thời gian tàu đến và đóng chắn cho tàu đi qua. Chưa kể đến việc bảo dưỡng, làm sạch đường ray 2 bên chắn và giàn chắn cũng như hướng dẫn, giúp đỡ các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua đường ngang.
Công việc của người gác chắn khá đơn giản nhưng thực sự lại không dễ dàng.
Nghe qua công việc của người gác chắn khá đơn giản nhưng thực sự lại không dễ dàng chút nào. Trong số những người tham gia giao thông, có không ít người khi chắn đã đóng nhưng vẫn cố tình mở chắn để băng qua đường ray bất chấp nguy hiểm.
Chị Thanh và đồng nghiệp không ít lần bị mạt sát, dọa đánh thậm chí là bị tai nạn do chính những người tham gia giao thông vô ý thức gây ra khi đi qua chắn.
Chị Nguyễn Mai Hương, công nhân gác chắn ở trạm bắc ga Vinh.
Chị Nguyễn Mai Hương, sinh năm 1985, công nhân gác chắn ở trạm bắc ga Vinh cho biết, vào thời điểm cận Tết hay ra Tết là thời gian bận rộn nhất của nghề gác chắn khi số lượng tàu vào nam ra bắc tăng lên đáng kể.
Nếu những ngày thường, mỗi ca làm việc của công nhân gác chắn chỉ đón khoảng 20 chuyến tàu thì con số này vào những ngày cận Tết hay ra Tết có khi lên đến 30 chuyến với những đoàn tàu tăng cường. Đặc biệt, trong phiên trực, những người công nhân gác chắn phải giữ tỉnh táo, không được ngủ bất kể ngày đêm cũng như không được xem tivi, máy tính…
Trước hay sau Tết là vậy, thời điểm trong Tết các công nhân gác chắn cũng phải làm việc. Đến phiên trực của mình cho dù là đêm 30 hay ngày mồng 1 Tết, những người công nhân gác chắn vẫn phải gác lại công việc cá nhân để đảm bảo an toàn lưu thông cho tuyến đường sắt những ngày này. Chị Thanh tâm sự, dù đã làm nhiều năm, nhưng cứ đến thời khắc giao thừa, khi nhiều gia đình quây quần ấm áp đón một năm mới bên nhau, một mình chị ở chắn không khỏi nôn nao nhớ đến gia đình.
Sau những phút yếu lòng vào thời khắc giao thời ấy, chị Thanh, chị Hương cùng với biết bao người công nhân gác chắn lại tiếp tục âm thầm làm công việc bảo vệ bình an cho những chuyến tàu ra bắc vào nam.
Chị kể, rất nhiều năm, chị và các đồng nghiệp đón Tết trên gác chắn đường ray. Khoảnh khắc giao thừa, khi đoàn tàu gặp nhân viên gác chắn, người lái tàu thường bật đèn sáng nhất, hú hồi còi thật dài vừa để chào đồng nghiệp, vừa chúc mừng năm mới cho nhau. Tiếng còi tàu với luồng ánh sáng vào thời khắc giao thời từ lâu đã trở thành niềm vui, là thói quen cảm xúc và cũng là niềm tự hào riêng có của mỗi nhân viên gác chắn, tuần đường sau mỗi ca trực Tết...