Giữ màu xanh cho những cánh rừng Mường Nhé

GD&TĐ - Khu Dự trữ Thiên nhiên Mường Nhé được ví như “lá phổi xanh” của Điện Biên với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, nhiều loài quý hiếm.

Cán bộ Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé tham gia tuần tra bảo vệ rừng.

Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng

Khu Dự trữ Thiên nhiên (DTTN) Mường Nhé là một trong những khu rừng đặc dụng lớn của cả nước.

Đây cũng là khu rừng đặc dụng quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường sinh thái của tỉnh Điện Biên.

Nhận thức rõ được vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã chủ động ban hành kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện cho từng lĩnh vực, triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; tham mưu cho UBND các xã nằm trong Khu dự trữ ban hành nhiều văn bản trong công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng.

Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu DTTN Mường Nhé, cho biết, hiện đơn vị quản lý, bảo vệ và bảo tồn tính đa dạng sinh học của 46.730,51ha rừng và đất rừng nằm trên địa giới hành chính 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

khu-dttn-5.jpg
Cán bộ Khu DTTN Mường Nhé kiểm tra diễn biến rừng.

Để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã vùng đệm và lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

“Chúng tôi đã chủ động bố trí các buổi làm việc với xã, Đồn Biên phòng để nắm tình hình về công tác quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo, đôn đốc phòng chuyên môn tham mưu kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế, hướng dẫn bên nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký”, ông Đào Công Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến chia sẻ, những năm gần đây, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Từ đầu năm đến nay, trên địa phận quản lý của Khu DTTN Mường Nhé đã xảy ra 3 vụ cháy dưới tán với diện tích ảnh hưởng 2,47ha (cháy thảm thực vật, thảm mục và không gây thiệt hại đến diện tích rừng). Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã huy động 175 người tham gia chữa cháy.

“Với mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, Kiểm lâm, Công an xã tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống phá rừng”, ông Đào Công Tiến cho biết.

khu-dttn-4.jpg
Cán bộ Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân xã Chung Chải.

Đơn vị còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR trên diện tích nhận khoán nhằm bảo vệ bền vững vốn rừng hiện có trên địa bàn được giao quản lý.

Chủ động bố trí lực lượng thường trực PCCCR, theo dõi, kịp thời phát hiện các điểm báo cháy trên hệ thống trang thông tin trực tuyến của Cục Kiểm lâm để kịp thời có biện pháp chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Động lực giữ rừng đặc dụng

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc chế độ chính sách cho người dân vùng đệm. Đặc biệt là việc chi trả chính sách DVMTR kịp thời, khách quan. Từ đó, nâng cao ý thức giữ rừng của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Năm 2024, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé thực hiện khoán bảo vệ rừng đối với diện tích hơn 28.000ha cho 28 cộng đồng dân cư vùng đệm và các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân địa bàn, Ban Chỉ huy Quân sự các xã. Trong năm, đơn vị đã thanh toán tiền DVMTR đợt 2 năm 2023 với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé.

Đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã vùng đệm và cơ quan, đơn vị để làm tốt công tác chi trả DVMTR cho người dân và các tổ chức được giao khoán.

Qua đó, gắn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với việc tạo sinh kế cho người dân các bản vùng đệm.

khu-dttn-2.jpg
Cùng người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng vùng đệm Khu DTTN Mường Nhé.

Ban Quản lý Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé thực hiện nghiêm túc theo quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm - Đồn Biên phòng - Quân sự - Công an trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chuyên trách bảo vệ rừng đặc dụng phối hợp với các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ lâm phần Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé.

Những năm qua, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao nhận thức người dân về các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé đã tổ chức 51 buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng với sự tham gia của 2.868 lượt người.

Đơn vị cũng thực hiện biên soạn nội dung và in và phát hơn 2.000 tờ áp phích tuyên truyền về bảo tồn đang dạng sinh học.

khu-dttn-3.jpg
Truyền thông ngoại khóa “Tiếng gọi của rừng xanh” tại Trường PTDTBT THCS Chung Chải.

Đơn vị cũng tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao nhận thức pháp luật lâm nghiệp, bảo vệ động vật hoang dã và chi trả DVMTR năm 2024 với sự tham gia của 200 người là thành viên các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng; xây dựng kế hoạch tổ chức buổi truyền thông ngoại khóa “Tiếng gọi của rừng xanh” tại Trường PTDTBT THCS Chung Chải.

“Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm của mình với rừng. Thông qua việc chi trả kịp thời, đảm bảo các chế độ liên quan đến DVMTR cho người dân, Khu DTTN Mường Nhé đã tạo hiệu ứng tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Từ đó, góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngày càng bền vững hơn", ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu DTTN Mường Nhé, chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ