Dồn dịch, sắp xếp điểm trường: Không làm cơ học, máy móc

GD&TĐ - Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm ngay trước thềm năm học mới 2019 - 2020 là dồn dịch trường lớp. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Ngành GD xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nằm trong 9 nhiệm vụ của năm học mới mà các địa phương phải triển khai thực hiện.

Giờ học tại Trường Tiểu học A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường
Giờ học tại Trường Tiểu học A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Hữu Cường

Xuất hiện những yếu tố bất cập

Ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh, Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, gắn với đặc thù của ngành GD. Như chúng ta đã biết, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 18 và 19 về sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên tinh thần đó, ngành GD cũng tổ chức rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GD sao cho phù hợp.

Theo thống kê, cả nước còn rất nhiều các điểm trường lẻ, chủ yếu tập trung ở khối mầm non và tiểu học. Một thời gian dài chúng ta thực hiện chương trình phổ cập và đã đưa trường lớp vào thôn bản để bám bản, bám dân. Mục đích là để huy động con em đồng bào dân tộc, huy động con em ở những vùng khó khăn đến trường đến lớp.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, giao thông đi lại thuận lợi hơn, những điểm trường lẻ bắt đầu xuất hiện những yếu tố bất cập. Nếu tiếp tục duy trì học ở những điểm trường này, HS không có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ chất lượng cao giống như HS ở trường chính. Ngoài ra, một yếu tố bất cập nữa là, quy mô của một số trường nhỏ, có những trường chỉ có 5 - 7 lớp, trong khi đó các điểm trường lẻ lại lớn, nằm rải rác ở các thôn, bản. Với quy mô như vậy, việc đầu tư để nâng cao chất lượng GD rất khó khăn, thậm chí sẽ phải đầu tư dàn trải.

Thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 3712 “Về việc hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GD mầm non, phổ thông”. Theo đó, Bộ hướng dẫn các địa phương việc dồn dịch các điểm trường và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để hình thành các cơ sở GD có quy mô lớn hơn; đồng thời đưa HS ở điểm trường lẻ về điểm trường chính, để các em có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ GD tốt hơn và cũng tránh đầu tư dàn trải.

“Các địa phương đã thực hiện việc sắp xếp, dồn dịch điểm trường rất tốt. Qua một năm cho thấy, số trường trong cả nước trung bình giảm xuống khoảng 3%, nhưng số phòng học vẫn tăng để đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Tỷ lệ cán bộ nhân viên làm công tác quản lý, phục vụ cũng giảm khoảng 3%”. Ông Phạm Hùng Anh
  • “Các địa phương đã thực hiện việc sắp xếp, dồn dịch điểm trường rất tốt. Qua một năm cho thấy, số trường trong cả nước trung bình giảm xuống khoảng 3%, nhưng số phòng học vẫn tăng để đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Tỷ lệ cán bộ nhân viên làm công tác quản lý, phục vụ cũng giảm khoảng 3%”.
  •  
  • Ông Phạm Hùng Anh

Đặt mục tiêu bảo đảm chất lượng GD lên hàng đầu

Theo ông Phạm Hùng Anh, ưu điểm của việc dồn dịch các điểm trường và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ là những cơ sở GD có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập lại với nhau để hình thành cơ sở GD lớn hơn, tạo cơ hội cho HS tiếp cận với những dịch vụ chất lượng cao. Cùng với đó, chúng ta sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giảm bớt điểm trường lẻ để đưa HS về điểm trường chính tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, một số địa phương đã thực hiện việc này chưa được tốt, dẫn đến những bất cập khó khăn. Cụ thể, nhiều địa phương đã sáp nhập một cách cơ học, tức là không có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất. Chẳng hạn: Nếu muốn xóa điểm trường lẻ, đưa HS về điểm trường chính thì điểm trường chính phải có sự chuẩn bị, phải xây dựng thêm phòng học, để tiếp nhận HS ở các điểm trường về. Thế nhưng, một số địa phương không làm như vậy. Họ xóa điểm trường lẻ, đưa HS về điểm trường chính và sắp xếp các em vào các lớp hiện có. Điều này khiến sĩ số các lớp tăng lên. Như vậy là bất cập.

Thực tế, ở một số địa phương, người dân đã không đồng tình với cách làm cơ học; họ thấy quá vất vả khi đưa đón HS. Vì thế, các địa phương cũng cần lắng nghe và tính toán tại sao cho hợp tình, hợp lý.

Ngoài ra, một số địa phương chưa tính toán kỹ về khoảng cách của những điểm trường lẻ trước khi tiến hành dồn dịch hoặc xóa bỏ. Vô hình chung, nhiều HS phải đi học quá xa, dẫn đến tình trạng bỏ học tăng lên. Mặt khác, khi HS đi học xa sẽ xuất hiện nhu cầu ở bán trú. Vì thế, nếu không chuẩn bị tốt điều kiện ở điểm trường chính sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp nhận HS. 

Để chấn chỉnh việc này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, khi thực hiện rà soát sắp xếp, dồn dịch các điểm trường cần lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng GD lên hàng đầu. Không sáp nhập cơ học và phải có sự chuẩn bị chu đáo mới tổ chức sáp nhập. Không tổ chức sáp nhập cơ sở GD mầm non vào GD phổ thông. Không sáp nhập để hình thành cơ sở trường liên cấp có quy mô quá lớn. Chỉ sáp nhập các cơ sở GD có quy mô nhỏ trên cùng một địa bàn xã.

“Tôi nhắc lại, nhiệm vụ rà soát sắp xếp tổ chức lại các cơ sở GD-ĐT, cần lấy phương châm bảo đảm chất lượng lên hàng đầu, không làm cơ học, máy móc. Bởi điều này gắn với việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện

GD-ĐT. Vì thế, nếu thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 không tốt sẽ đi ngược lại Nghị quyết 29. Và nếu dồn dịch điểm trường theo cách cơ học sẽ làm tăng tỷ lệ HS trên lớp và không bảo đảm các điều kiện tổ chức dạy học hai buổi trên ngày… Vì vậy, các địa phương cần thực hiện theo đúng tinh thần của Công văn số 3172 ngày 24/8/2018” – ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ