Đối tượng được hưởng chế độ chính sách khi công tác ở vùng ĐBKK

GD&TĐ - Tôi vào ngành tháng 12/1980, công tác tại tỉnh Tây Ninh, vào biên chế tháng 4/1981, làm giáo viên dạy tiểu học đến năm 1985, sau đó chuyển sang trường THCS dạy môn Mỹ thuật.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Vì nhiều lý do tôi đã không hoàn chỉnh sư phạm theo yêu cầu của ngành. Đến năm 1995 tôi được chuyển sáng ngạch cán sự (phụ trách văn thư, phòng LAB của đơn vị). 

Do đảm nhận các công việc trên nên tôi không được hưởng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên trực tiếp dạy lớp, đến nay địa phương đã xét cấp phụ cấp thâm niên cho nhà giáo và nay đã xét cấp đến đợt 2 theo Nghị định bổ sung 116. 

Nhưng tôi vẫn không có tên trong danh sách được xét, điều đó có đúng hay khôngi? Nguyễn Tiến Thành (nguyentienthanh@gmail.com)

Trả lời:

Trước hết bạn cần đọc và nghiên cứu kỹ Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.

Theo thư bạn viết và căn cứ vào các văn bản chính sách hiện hành nêu trên, việc bạn không được hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 07/4/2011 là đúng với văn bản chính sách hiện hành.

Vì theo quy định nhà giáo phải nằm trong biên chế và trực tiếp giảng dạy mới được hưởng phụ cấp thâm niên.

Đối với các chế độ về phụ cấp theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP, bạn không nói rõ việc xét cấp đợt 2 là như thế nào, do vậy rất khó để chúng tôi tư vấn giúp bạn. 

Tuy nhiên chúng tôi xin đưa ra một số thông tin cơ bản về Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ để bạn tham khảo.

Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, một số trợ cấp và thanh toán tiền tàu xe đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm: Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Về đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm:

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn;

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân;

3. Các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này công tác ở các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này.

Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm người đang công tác và người đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ