Đời tư của một hoàng đế 'tham công tiếc việc'

GD&TĐ - Franz Josef Đệ nhất (1830 – 1916) nổi tiếng là đức minh quân số 1 của Áo – Hungary.

Hoàng đế Franz Josef trong phòng làm việc ở Schönbrunn. Ảnh: Nationalgeographic.com
Hoàng đế Franz Josef trong phòng làm việc ở Schönbrunn. Ảnh: Nationalgeographic.com

Dưới sự trị vì của ông, Kinh thành Vienna được xem như “thủ đô châu Âu”, chi phối vận mệnh của cả một nửa châu lục. Tuy nhiên, trái với tài trị quốc, khả năng tề gia của nhà vua này lại gần như bằng 0.

Sinh ra để làm vua

Ngày 18/8/1830, Vương tộc Habsburg hân hoan chào đón sự chào đời của cậu bé đã được định sẵn là thái tử, Franz Josef. Hoàng hậu đương nhiệm, Sophie (1841 – 1925) bắt tay ngay vào sứ mệnh trọng đại nhất là dưỡng dục Josef thành người thừa kế ngai vàng.

Suốt tuổi thơ và thời niên thiếu, Thái tử Josef luôn dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của mẫu hậu và Thân vương Klemens von Metternich (1773 - 1859). Từ văn đến võ, Thái tử đều học tập, rèn luyện chăm chỉ.

Năm 18 tuổi, Thái tử Josef lên ngôi Hoàng đế như đã định và Nữ hoàng Sophie trở thành Hoàng thái hậu. Theo lẽ thường, Hoàng thái hậu không can thiệp vào chuyện triều chính nhưng, vì nhà vua còn trẻ và thiếu kinh nghiệm trị quốc, bà đứng sau điều khiển mọi thứ.

Với mong muốn thắt chặt mối quan hệ giữa Áo và Đức, Hoàng thái hậu tập trung vào việc sắp đặt hôn nhân cho Hoàng đế và chỉ xem duy nhất một nhà như sui gia tiềm năng là gia đình hoàng tỷ, Maria Ludovika (1808 – 1892), người đang là Hoàng hậu nước Đức.

Hoàng hậu Ludovika có 2 người con gái là Công chúa Helene (1834 – 1890) và Công chúa Sisi (1837 – 1898). Ban đầu, Hoàng thái hậu Sophie có ý chọn Công chúa Helene và cố tình sắp đặt buổi gặp mặt giữa Hoàng đế và Công chúa. Không ngờ, Hoàng đế lại “nhất kiến sinh tình” với Sisi, công chúa mới 15 tuổi và nhất quyết chỉ kết hôn với nàng.

Người chồng bạc nhược

Ngày 24/4/1854, đám cưới xa hoa giữa 2 hoàng gia Áo – Đức được tổ chức, Công chúa Sisi trẻ trung hớn hở lên xe hoa về nhà chồng. Hoàng đế Josef cũng hân hoan khôn tả, cứ tưởng từ lúc này cho đến mãi về sau chỉ toàn là những tháng ngày hạnh phúc.

Thế nhưng, thời gian mật ngọt rất ngắn. Hoàng hậu Sisi với tâm lý thiếu niên ham chơi, thích tự do đã lập tức bị Hoàng thái hậu Sophie xem như “chưa xứng với vị trí nữ hoàng” và ra sức uốn ép. Yếu đuối và mệt mỏi, nàng tìm đến sự che chở và an ủi của chồng, nhưng Hoàng đế lại vô cùng sợ mẹ, không dám bênh vực vợ.

Càng lúc, cuộc sống hôn nhân với Hoàng hậu Sisi càng ngột ngạt và đầy thất vọng. Nhiều lần, nàng trốn khỏi hoàng cung để tránh sự quản thúc của mẹ chồng. Sự xa cách giữa Hoàng hậu và Hoàng đế cũng làm nảy sinh nhiều tin đồn, bao gồm cả tin Hoàng đế có tình nhân.

Mặc dù không làm được gì để ngăn cản “cuộc chiến giữa nàng dâu và mẹ chồng”, Hoàng đế Josef yêu Hoàng hậu Sisi đắm đuối như ngày đầu. Bất kể Hoàng hậu giận dỗi hay quá quắt đến đâu, ông đều bỏ qua. Ngay cả việc nàng hở ra cái là bỏ hoàng cung, đi chơi xa vài năm mới chịu về, ông cũng không trách phạt.

Có 2 nguyên nhân lớn khiến Hoàng hậu Sisi chán ghét Hoàng đế Josef, quá nghe lời mẹ và quá yêu công việc. Dưới sự quản giáo khắt khe của mẹ, từ nhỏ, Hoàng đế đã quen thuộc và luôn luôn tuân thủ lịch trình hàng ngày dày đặc: Tham dự thánh lễ, hội thảo với quần thần, phê duyệt tài liệu, ăn trưa và ăn tối với gia đình. Ông tận tụy với việc nước đến nỗi, trong tuần trăng mật cũng không lơi ngày nào, khiến Hoàng hậu phải bơ vơ một mình trong cung điện rộng lớn.

“Mình không có nhiều thời gian nên mình phải tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi”, Hoàng đế Josef viết trong nhật ký từ năm 15 tuổi. Với ông, không gì quan trọng hơn là tinh thần tự kỷ luật và trách nhiệm với đất nước.

Vợ chồng Hoàng đế Josef bên 3 con và con rể, tranh vẽ của Họa sĩ Emil Von Hartitzsch. Ảnh: Nationalgeographic.com
Vợ chồng Hoàng đế Josef bên 3 con và con rể, tranh vẽ của Họa sĩ Emil Von Hartitzsch. Ảnh: Nationalgeographic.com

Người cha độc đoán

Tuy ít khi ở gần nhau nhưng, Hoàng đế Josef và Hoàng hậu Sisi vẫn có với nhau 4 người con: Sophia (mất năm 2 tuổi), Gisela, Rudolf và Marie Valerie. Ba người con đầu còn chào đời trước khi Hoàng hậu 21 tuổi. Phải làm mẹ ở tuổi đời quá trẻ và bị mẹ chồng chèn ép, Hoàng hậu rơi vào trầm cảm nặng. Càng ngày, nàng càng cố tránh hoàng cung bằng cách đi chơi xa lâu ngày và, cũng chính vì thế, nàng bỏ lỡ mất cơ hội nuôi dạy con cái theo lý tưởng “trẻ con phải được tự do” của mình.

Hoàng đế Josef muốn giáo dục con cái theo cách mà ông đã được Hoàng thái hậu dạy dỗ. Ít nhất là với Thái tử Rudolf, ông cảm thấy phải đưa vào khuôn khổ ngay từ tấm bé. Sau mấy năm rong chơi bên ngoài trở về, Hoàng hậu Sisi thất kinh trước những gì mà Rudolf thơ ấu đang bị ép phải học tập, rèn luyện. Nàng điên cuồng bảo vệ con, chống đối lại cả hoàng thất và đe dọa ly hôn.

Yêu vợ, Hoàng đế Josef cố gắng hòa giải, nhưng vẫn không thay đổi phương pháp giáo dục với con trai. Thái tử càng lớn, Hoàng đế càng đặt nhiều kỳ vọng và chưa một lần cảm thấy hài lòng. Trong mắt ông, Rudolf mãi mãi là thằng bé kém cỏi, ngu muội.

Năm 1881, Hoàng đế Josef ép Thái tử Rudolf kết hôn với Công chúa Stéphanie của Bỉ để đổi lấy liên minh chính trị. Bất mãn vì bị sắp đặt, Rudolf lăng nhăng với vô số nhân tình, khiến cả vợ lẫn cha ruột đều căm tức.

Ngày 30/1/1889, chỉ 1 ngày sau khi 2 cha con cãi nhau to, Rudolf và người tình là Mary Vetsera được phát hiện chết trong nhà nghỉ ở Mayerling. Hiện trường chỉ rõ là vụ giết người rồi tự sát. Hoàng đế đã bằng mọi cách che đậy sự việc nhưng thất bại, phải công khai thừa nhận Thái tử đã tự kết liễu.

Cái chết của Thái tử Rudolf khiến Hoàng hậu Sisi hận Hoàng đế Josef hơn bao giờ hết. Bất kể nhà vua có làm gì cũng không thể dỗ dành được vợ và, vào năm 1898, Hoàng hậu qua đời vì bị ám sát.

Năm 1914, Hoàng tôn Franz Ferdinand (1863 – 1914), người thừa kế hoàng vị của Hoàng đế cũng bị ám sát và thiệt mạng khi đang ở Sarajevo. Giận dữ, Hoàng đế tuyên chiến với Serbia, góp phần gây nên Thế chiến I (1914 – 1916).

Ngày 21/11/1916, mặc dù bị sốt cao nhưng Hoàng đế Josef vẫn nhất định đi dự lễ thánh và giải quyết việc nước như mọi khi. Buổi chiều cùng ngày, ông băng hà. Cả cuộc đời, ông trị quốc quyết đoán, thành công nhưng tề gia thất bại.

Theo nationalgeographic.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ