Các chuyên gia cho rằng, đào tạo, bồi dưỡng năng lực đội ngũ nhà giáo cần được xem là chính sách ưu tiên hàng đầu.
Vận động trong “bối cảnh kép”
Nhìn nhận về vấn đề thực tiễn phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh mới; PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phân tích, nhà giáo đang vận động trong “bối cảnh kép”: Vừa phải thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, vừa phải chủ động thích ứng với động thái của cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhà giáo có nhiệm vụ thực hiện tinh thần dạy học kiến tạo, biết từ bỏ sư phạm quyền uy để tiến tới sư phạm dân chủ, hợp tác, trang bị cho người học phát triển toàn diện năng lực phẩm chất; đồng thời đón đầu với các tiến bộ của công nghệ dạy học, kỹ thuật dạy học qua E-learning, trường học kết nối, STEM, Mooc…
“Cuộc sống đòi hỏi người thầy phải tận tâm hơn, song lại phải tốc độ, kết nối nhiều hơn và thông minh hơn”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Cho rằng, chính sách cho phát triển người thầy cần sáng suốt trên cả khía cạnh kinh tế, giáo dục để họ không phải trăn trở, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, công nghệ dạy học và sự ưu việt của đào tạo tín chỉ có thể “vượt gộp các mô hình đã có, với sự kết hợp, hợp tác giữa trường THPT, cơ sở đào tạo giáo viên theo phương thức “học qua hành”.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả, TS Nguyễn Thị Thanh – giảng viên Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là yêu cầu cấp bách và cần duy trì thường xuyên. Thực tế cho thấy, nội dung nào được bồi dưỡng thường xuyên thì giáo viên sẽ tự tin hơn, hiệu quả công việc cũng tốt hơn.
Do vậy, hiệu trưởng cần quan tâm và cần biết cách thực hiện. Trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên và thực tế của nhà trường, hiệu trưởng cần đánh giá để xác định nội dung cần bồi dưỡng, từ đó có phương pháp và cách thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với đội ngũ giáo viên của trường để đạt được những yêu cầu cần thiết.
Cô trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG |
Kinh nghiệm quốc tế
Từ những nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên, TS Nguyễn Thị Thanh khuyến nghị, nhà trường cần lựa chọn phương thức tổ chức bồi dưỡng đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Theo đó, có thể tổ chức cho cá nhân giáo viên tự bồi dưỡng; tổ chức tập huấn cho giáo viên trong trường; hoặc tổ chức các cuộc thi gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên. Ngoài ra, có thể tổ chức cho giáo viên đi thăm quan, học tập và yêu cầu giáo viên tham gia tập huấn bên ngoài trường.
Để xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng, TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là điều tất yếu đối với tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông. Căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp, hầu hết giáo viên đều đạt mức độ cần thiết. Những tiêu chí được quan tâm bồi dưỡng thường xuyên thì đã có nhiều giáo viên đạt mức tốt. Những tiêu chí chưa được bồi dưỡng thường xuyên thì phần lớn giáo viên tự đánh giá ở mức đạt.
Qua đó cho thấy, còn nhiều nội dung phải quan tâm bồi dưỡng cho giáo viên. Muốn việc bồi dưỡng đạt hiệu quả thì hiệu trưởng cần linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức tổ chức bồi dưỡng. Nếu có thể, kết hợp các phương thức bồi dưỡng khác nhau để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của phương thức này.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Lê Đình Sơn – Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, giáo viên có thể được đào tạo bằng cách kết hợp giữa đào tạo của trường đại học và làm việc trong trường học dưới sự hướng dẫn của chuyên gia có kinh nghiệm. Thời gian này được xem là một giai đoạn đào tạo.
Tại Hoa kỳ, các ứng viên ghi danh vào các môn khoa học ở trường đại học. Phần bổ sung các môn khoa học nghiệp vụ sư phạm sẽ được đào tạo ở cộng đồng, nơi họ sẽ làm việc. Điều này cho phép họ áp dụng hiệu quả lý thuyết giảng dạy vào thực tiễn. Đào tạo giáo viên dựa vào cộng đồng đáp ứng cho những thách thức về các vấn đề giới tính, chủng tộc và đa dạng văn hóa. Hiện nay, những chương trình đào tạo như vậy đang trở nên phổ biến trong bối cảnh gia tăng quyền tự chủ của các trường phổ thông.
Ở Vương quốc Anh, mô hình hợp tác giữa các trường đại học và trường phổ thông trong cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên do Nhà nước hỗ trợ được ủng hộ tích cực. Còn tại Phần Lan, có hai cách chủ yếu đã trở thành giáo viên. Thứ nhất, đa số sinh viên lấy bằng thạc sĩ ở một chuyên ngành chính và một hoặc hai ngành học phụ. Sau đó, sinh viên nộp hồ sơ vào các khoa sư phạm để học thêm một năm về nghiệp vụ sư phạm, chủ yếu tập trung vào các chiến lược, phương pháp giảng dạy bộ môn.
Thứ hai là đăng ký học thẳng chương trình đào tạo giáo viên. Sau hai năm học kiến thức môn học, sinh viên bắt đầu học nghiệp vụ sư phạm tại các khoa sư phạm. Giáo viên được đào tạo kỹ năng cả về nội dung giảng dạy lẫn nghiệp vụ sư phạm cả kiến thức và kỹ năng, về lý thuyết và thực hành. Thời gian đào tạo là 3 năm đại học và 2 năm cao học.
Trên cơ sở khảo cứu kinh nghiệm thế giới, thực trạng mô hình và quy mô đào tạo giáo viên ở nước ta, PGS.TS Lê Đình Sơn đề xuất một số nội dung đổi mới mô hình đào tạo như: Quy hoạch đội ngũ giáo viên và mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; cần thống nhất khung chương trình đào tạo giáo viên trong toàn hệ thống; chú trọng năng lực nghiên cứu của người học trong mô hình đào tạo giáo viên; cần có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ đào tạo.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, cơ sở giáo dục đại học có chức năng bồi dưỡng giáo viên cũng cần nghiên cứu xây dựng các khóa bồi dưỡng thiết thực với tình hình thực tế, với nhiệm vụ năm học để hỗ trợ các trường nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.