Đối thoại chính sách về hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Đó là chủ đề hội thảo được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với tổ chức Caritas Việt Nam (Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam) tổ chức chiều 21/9 tại Hà Nội.

GS.TS. Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Trưởng ban quản lý dự án phát biểu tại hội thảo
GS.TS. Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - Trưởng ban quản lý dự án phát biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia, thảo luận của đại diện nhiều cơ sở hội người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội cùng các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí, các chuyên gia trong và ngoài nước về giáo dục trẻ khuyết tật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban QLDA - cho biết: “Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quan hệ đối tác giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao tiếp cận dịch vụ giáo dục cho trẻ khuyết tật”.

Hội thảo nhằm trao đổi về những thách thức và thành tự về thực trạng hỗ trợ giáo dục TKT trong cơ sở giáo dục, từ đó đề xuất khuyến nghị về chính sách phù hợp với thực tiễn của giáo dục hòa nhập tại Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Đại diện tổ chức VAN (mạng lưới người tự kỷ VN) tham luận về “Thực thi chính sách hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) trong các cơ sở giáo dục nhìn từ góc độ phụ huynh”, trong đó nêu rõ về thực trạng hỗ trợ TKT còn thiếu và yếu cả về cơ sở vật chất và con người.

Đồng thời bà Tuyết Hạnh bày tỏ mong muốn: Có chiến lược ứng phó về vấn đề người tự kỷ ở Việt Nam; Xây dựng chiến lược giáo dục cho trẻ tự kỷ (hệ thống giáo dục xuyên suốt các cấp, đào tạo nghề, liên kết đa ngành).

Bà cũng đề xuất có trường công lập cho trẻ tự kỷ ở các cấp học; xây dựng đội ngũ giáo viên có nghề, tận tâm; cấp tốc xây dựng chương trình hướng nghiệp, đào tạo nghề cho trẻ tự kỷ lớn hiện “bơ vơ” và xây dựng liên kết với phụ huynh.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt (GDĐB) – ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Khoa GDĐB sẽ tuyển sinh đào tạo cử nhân mã ngành nhân viên hỗ trợ giáo dục khuyết tật (GDTKT) vào năm 2017, đã đào tạo chuyên ngành tự kỷ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ, phát triển nhân viên hỗ trợ GDTTK (1 trường có khoảng 5 nhân viên hỗ trợ);

Đề xuất thành lập Phòng hỗ trợ GDĐB: các nhân viên hỗ trợ sẽ được biên chế ngay tại các nhà trường - có giáo viên có chuyên môn, có điều kiện cơ sở vật chất cho nhà trường trong việc chăm sóc và GD TKT tốt hơn”.

Bà Đinh Việt Anh - Ủy viên Hội người mù Việt Nam - tham luận: Chính sách về chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí giáo dục, đối tượng được miễn học phí là đối tượng người khuyết tật nghèo và cận nghèo, học sinh khuyết tật phải chi phí rất nhiều nên mong muốn đối tượng HSKT không thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo cũng được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh khuyết tật theo học hòa nhập nhưng không được kiểm tra, đánh giá thường xuyên một cách phù hợp. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm tra đánh giá HSKT để các em có động lực học tập hơn cùng với các bạn bình thường.

Theo PGS. TS. Phạm Minh Mục – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt - cho biết: Một số chính sách không còn hợp lý, đang cố gắng thực hiện trợ cấp cho giáo viên. Nguyên nhân là một số trẻ chưa có giấy chứng nhận khuyết tật.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí để cung cấp phụ cấp cho giáo viên. Những trẻ chưa có giấy chứng nhận thì hiệu trưởng xác nhận để cấp phụ cấp cho giáo viên.

Về phát triển nguồn nhân lực, PGS. TS Phạm Minh Mục cho biết: “Hiện tại Bộ GD&ĐT đang xây dựng rất nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và sẽ được triển khai trong thời gian tới”.

Tham luận tại hội thảo, GS Kamary Huruda (Trường Đại học Risumeikan - Nhật Bản) - nêu rõ: “Số lượng học sinh khuyết tật (HSKT) ở tiểu học nhiều và được quan tâm nhưng HSKT ở trung học lại bị bỏ ngỏ.

Việt Nam cần giải bài toán làm thế nào điều hòa về mặt số lượng rồi còn phải tính đến vấn đề chất lượng là vấn đề khó giải quyết. Tác động chính sách từ cấp cao nhưng bản thân người khuyết tật cũng phải lên tiếng và thêm vào đó là sự phối hợp giữa các ban ngành.

Vấn đề xác định mức độ khuyết tật cũng giống như ở Nhật Bản nhiều năm về trước. Cần kết hợp rất nhiều các cơ quan ban ngành trong việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật để can thiệp và hỗ trợ đúng các dạng khuyết tật của học sinh”.

Cùng với nhiều ý kiến đồng thuận của các đại biểu, PGS.TS. Lê Văn Tạc – Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đặc biệt (Viện KHGD Việt Nam) nêu quan điểm:

“Hiện nay các chính sách của chúng ta đang tập trung vào cấp học phổ thông hơn là mầm non. Vì vậy về vĩ mô cũng cần thay đổi bổ sung để xây dựng các chính sách có hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, giúp nhiều đối tượng HSKT được hưởng lợi, hỗ trợ các em hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.