Đổi thay vùng biên Nậm Pồ

GD&TĐ - Nhờ đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng, diện mạo của huyện biên giới Nậm Pồ đang dần đổi thay, kinh tế - xã hội từng bước phát triển.

Vùng biên Nậm Pồ có nhiều khởi sắc nhờ đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Vùng biên Nậm Pồ có nhiều khởi sắc nhờ đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Giao thông mở đường cho phát triển

Nằm ở vùng biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Nậm Pồ có địa hình đặc biệt hiểm trở với nhiều núi cao, đồi dốc, sông suối chia cắt, khiến việc đi lại và giao thương từ lâu luôn là trở ngại lớn. Đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của các đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú…, với đời sống còn nhiều khó khăn.

Trước năm 2013 (thời điểm huyện chính thức được thành lập), hệ thống giao thông tại Nậm Pồ chủ yếu là các tuyến đường đất, nhỏ hẹp, dễ sạt lở vào mùa mưa và bụi mù vào mùa khô. Nhiều bản làng nằm cách xa trung tâm huyện, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy, thậm chí phải đi bộ hàng giờ qua các con dốc, khe suối. Việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục hay thực hiện các thủ tục hành chính vì thế đều gặp khó khăn, cản trở sự phát triển toàn diện của địa phương.

Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền, địa phương này đã và đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Giao thông được xác định là chìa khóa mở đường cho sự phát triển toàn diện của huyện.

nam-po-1.jpg
Giao thông được đầu tư, kết nối tới các thôn bản vùng cao.

Nhận thức rõ vai trò then chốt của hạ tầng giao thông, huyện Nậm Pồ xác định đây là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư. Bằng việc huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa, huyện đã tập trung cải thiện và nâng cấp mạng lưới đường bộ. Hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông liên xã, liên bản đã được mở rộng, bê tông hóa hoặc nhựa hóa.

Đến nay, tổng chiều dài đường giao thông trên toàn huyện đã đạt gần 700km. Trong đó, phần lớn các tuyến đường chính, đường trục xã, đường vào trung tâm các xã đều đã được cứng hóa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Anh Thùng Văn Lý, người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Đường xá được đầu tư giúp chúng tôi đi lại thuận tiện hơn. Giao thông được khai thông cũng đã tạo điều kiện cho việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân phát huy tiềm năng du lịch, phát triển các mô hình kinh tế mới”.

Đồng bộ đầu tư

Không chỉ tập trung phát triển giao thông, huyện Nậm Pồ còn quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế, điện, nước, viễn thông, các công trình văn hóa – xã hội… Tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân và xây dựng nền tảng phát triển bền vững.

nam-po-2.jpg
Một góc Trung tâm hành chính huyện Nậm Pồ.

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong tiến trình đổi mới hạ tầng là Trung tâm hành chính huyện được xây dựng khang trang, hiện đại. Công trình không chỉ là nơi làm việc của các cơ quan, ban ngành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của bộ máy công quyền, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân.

Bên cạnh đó, hệ thống trường học từ mầm non đến THCS được đầu tư xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào vùng cao. Nhiều điểm trường lẻ ở vùng sâu, vùng xa đã được xóa bỏ để xây dựng các trường học tập trung với cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức dạy và học.

nam-po-5.jpg
Các cơ sở giáo dục được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.

Ông Cao Xuân Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án và Phát triển Quỹ đất huyện Nậm Pồ cho biết: “Là huyện vùng cao, biên giới, nguồn lực tại chỗ để đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục còn hạn chế. Nhiều trường, lớp đầu tư trước đây đã xuống cấp, cần xây mới hoặc sửa chữa. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện bằng các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… ưu tiên cho xây dựng mới và sửa chữa trường học, đặc biệt là những điểm trường vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn”.

Với phương châm “không để học sinh nào phải bỏ học vì thiếu cơ sở vật chất”, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện huyện Nậm Pồ đã tham mưu cho UBND huyện tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Ngoài các nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện cũng kêu gọi sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và mạnh thường quân trong việc hỗ trợ xây dựng trường lớp.

Song song với đó, mạng lưới y tế cơ sở cũng được củng cố, các trạm y tế xã được đầu tư trang thiết bị, nhân lực, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại chỗ.

Đặc biệt, hệ thống điện lưới quốc gia đã được đưa về hầu hết các xã, bản, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cao. Nước sạch sinh hoạt và mạng thông tin liên lạc được mở rộng, phủ sóng tới nhiều vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội.

nam-po-4.jpg
Học sinh vùng biên Nậm Pồ tích cực sử dụng công nghệ thông tin.

Ông Cao Xuân Hùng cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng dự án, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu triển khai thi công đúng tiến độ.

Cùng với đó, việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu được thực hiện công khai, minh bạch; công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình được tăng cường nhằm đảm bảo các công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và an toàn.

“Khi cơ sở hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện, Nậm Pồ sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch cộng đồng và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng. Từ một vùng đất từng rất khó khăn, Nậm Pồ đang dần chuyển mình trở thành vùng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Điện Biên” – ông Cao Xuân Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.