Đổi thay vùng biên Mường Nhé

GD&TĐ - Là huyện cực Tây Tổ quốc, có ngã ba biên giới được ví “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”, Mường Nhé đang từng ngày thay đổi diện mạo.

Vùng biên Mường Nhé có nhiều khởi sắc sau 22 năm thành lập.
Vùng biên Mường Nhé có nhiều khởi sắc sau 22 năm thành lập.

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có đường biên giới dài hơn 110km với Lào và Trung Quốc. Trên địa bàn huyện hiện 6 xã giáp biên với 11 dân tộc cùng sinh sống.

Nhiều năm trở về trước, Mường Nhé được biết đến là huyện vùng cao có nhiều khó khăn như địa hình chia cắt, giao thông đi lại hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều, người dân di cư tự do; nhiều thói quan sinh hoạt, tập tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống nhân dân...

Đứng trước khó khăn đó, Đảng ủy, UBND huyện Mường Nhé cùng Nhân dân các dân tộc đã đoàn kết, thống nhất thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống người dân gắn với xóa đói giảm nghèo.

Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc phỏng vấn ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé để tìm hiểu về những giải pháp giúp đổi thay diện mạo của mảnh đất nơi vùng biên này.

mn-5.jpg
Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé.

Những giải pháp căn cơ

- Để xây dựng vùng biên giới trên địa bàn phát triển toàn diện, huyện Mường Nhé đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Là huyện nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nhất là việc thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật là những khó khăn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để khắc phục hạn chế này, giải pháp đầu tiên Mường Nhé xác định là tập trung vào phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Ban Thường vụ huyện ủy Mường Nhé đã triển khai một số Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 04 về phát triển Nông - Lâm nghiệp bền vững; Nghị quyết số 05 về phát triển chăn nuôi đại gia súc…

Với chủ trương, định hướng phù hợp, sự tích cực trong triển khai, hưởng ứng của chính quyền địa phương và người dân, bước đầu các nội dung, mục tiêu Nghị quyết đã được người dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng góp phần chuyển đổi tư duy, tập quán trong sản xuất chăn nuôi.

mn-1.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân Mường Nhé thoát nghèo.

Để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình thí điểm để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Huyện đã triển khai Phong trào “Không cho đất nghỉ” với mục tiêu xây dựng một số mô hình điểm về luân canh, xen canh, tăng vụ để người dân thấy được hiệu quả của mô hình so với sản xuất truyền thống.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Mường Nhé sẽ khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa nước đạt trên 2.200ha; khai hoang mới 424,6ha; thực hiện luân canh tăng vụ trên đất lúa một vụ với diện tích trên 600ha.

Huyện cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng được huyện chú trọng. Năm 2023, toàn huyện được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 77 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn để người dân phát triển kinh tế gia đình và chú trọng quản lý, bảo vệ rừng.

mn-8.jpg
Người dân Mường Nhé nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Giải pháp thứ hai, huyện chú trọng về việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, định hướng và giới thiệu lao động cho các khu công nghiệp, công ty trong nước.

Hiện tại, toàn huyện có khoảng hơn 4.000 lao động đi làm tại các khu công nghiệp, nguồn thu này chiếm tỷ trọng tương đối lớn.

Khi lối mở A Pa Chải được mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, hơn 17.000 lượt người đã sang lao động bên Trung Quốc, đem lại thu nhập cao.

Giải pháp “căn cơ” mà huyện Mường Nhé xác định là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đạt được mặt bằng chung của tỉnh.

Khi chất lượng giáo dục được nâng cao, trình độ dân trí được nâng lên sẽ tác động tích cực đến mọi mặt của phát triển kinh tế, xã hội.

Để đạt được mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa, trang thiết bị dạy và học được trang bị đầy đủ, kịp thời.

Huyện cũng tập trung định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT; đảm bảo chế độ hỗ trợ cho giáo viên, học sinh theo quy định.

mn-9.jpg
Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những giải pháp căn cơ để Mường Nhé phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, thương mại, dịch vụ và du lịch của Mường Nhé phát triển khá nhanh.

Dự kiến Quý IV, 2025 sẽ công bố cửa khẩu A Pa Chải – Long Phú, đây sẽ là điều kiện để đẩy mạnh thương mại và dịch vụ.

Tỉnh cũng đầu tư xây dựng cột cờ A Pa Chải là điểm nhấn thu hút khách du lịch; mở rộng sân và đường đi cột mốc số 0 để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch thăm quan.

Riêng dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, huyện Mường Nhé đón khoảng 15.000 lượt khách du lịch đến tham quan.

Huyện xác định phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.

Huyện cũng đang cho phục dựng, tôn tạo, tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của một số dân tộc trên địa bàn.

mn-2.jpg
Giữ vững an ninh biên giới và xây dựng thế trận quốc phòng an ninh được huyện Mường Nhé chú trọng.

Mường Nhé giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung.

Với vị trí địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh, huyện Mường Nhé luôn chú trọng xây dựng, củng cố công tác quốc phòng địa phương, từng bước xây dựng thế trận quốc phòng an ninh và khu vực phòng thủ huyện vững chắc. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng đối với địa bàn huyện biên giới.

Từ nỗ lực giảm nghèo đến đổi thay diện mạo vùng biên

- Những năm qua, công tác giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân được huyện triển khai như thế nào?

Với xuất phát điểm là huyện nghèo, chủ yếu là người dân di cư tự do từ nơi khác đến, số hộ nghèo của Mường Nhé chiếm tỷ lệ rất cao.

Trong những năm qua, huyện đã nỗ lực cố gắng để giảm thiểu xuống mức thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo.

Huyện đã tận dụng tối đa nguồn lực trong nhân dân, kết hợp với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước thông qua 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án 79 và các chương trình khác để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

mn-7.jpg
Chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé làm nhà cho hộ nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát tại bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè. (Ảnh: Phương Liên)

Xác định triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là cơ hội, tiền đề để đồng bào các dân tộc có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội... Vì thế, ngay từ khi triển khai, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm, trọng điểm.

Có thể nói, các chương trình, dự án khi triển khai đã từng bước phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội để người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Người dân được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm, và kiên cố hóa nhà ở. Qua đó, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn.

Các chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đến cách thức sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

mn-4.jpg
Diện mạo Mường Nhé từng bước được thay đổi.

- Với việc triển khai các giải pháp trên, đến nay, vùng biên giới huyện Mường Nhé đã có sự khởi sắc như thế nào, thưa ông?

Được thành lập năm 2002, Mường Nhé là huyện khó khăn nhất tỉnh biên giới Điện Biên.

Điều kiện kinh tế hạn chế, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ đói, nghèo trên 90%... song với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền cùng Nhân dân các dân tộc, đến nay, huyện Mường Nhé đã có những đổi thay mạnh mẽ.

Là 1 trong số 26 cán bộ đầu tiên được Tỉnh ủy đưa vào thành lập Đảng bộ huyện Mường Nhé, tôi chứng kiến tất cả những đổi thay của mảnh đất vùng biên này.

Đến nay, cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế, điện, nước, thủy lợi, nhà văn hóa...) được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

mn-6.jpg
Cô trò Trường Mầm non Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm, đường liên thôn, liên bản được nâng cấp, bê tông hóa.

100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Đến hết giai đoạn 2025, huyện phấn đấu 100% thôn, bản có nhà văn hóa. Kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển nông thôn của huyện.

Trên 90% hộ nghèo của huyện đã được hỗ trợ làm nhà ở theo nguồn hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương và lồng ghép một số chương trình, nguồn vốn khác.

Nhờ đó, khoảng 55% nhà dân đã kiên cố hóa, còn lại nhà “3 cứng”.

Đời sống Nhân dân, nhất là khu vực vùng cao, biên giới ngày càng ấm no, đủ đầy hơn.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2024 còn khoảng 47%, giảm gần 7,5% so với năm 2023; bình quân mỗi năm giảm từ 5 – 7% trong nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Khi mới thành lập, toàn huyện chỉ 16 học sinh lớp 9 nhưng đến cuối năm học 2023 – 2024, huyện có trên 1.000 học sinh lớp 9. Năm học 2024 – 2025, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,8%; học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt 99,98%; học THCS 98,1%, học trung học phổ thông đạt gần 61%.

Có thể nói, trải qua hơn 22 năm chung sức, chung lòng kiến thiết, xây dựng của cán bộ, đảng viên và bà nhân dân các dân tộc trong huyện, Mường Nhé hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ.

Từ một huyện nghèo chồng chất khó khăn, vùng đất phên giậu của Tổ quốc hứa hẹn sẽ vươn mình phát triển trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.