Kỳ vọng thoát nghèo ở Mường Nhé từ việc trồng quế

GD&TĐ - Huyện Mường Nhé đang phấn đấu năm tới sẽ có 2.000 ha đất bạc màu chuyển sang trồng quế. Loại cây này đang được kỳ vọng sẽ giúp bà con thoát nghèo.

Mô hình trồng quế ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé.
Mô hình trồng quế ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé.

Chuyển đổi cơ cấu...

Để giảm dần diện tích canh tác kém hiệu quả trên nương rẫy, năm 2024 huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã có chủ trương đưa cây quế vào trồng, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ thay thế khoảng 2.000 ha diện tích đất nương rẫy bạc màu kém hiệu quả. Hiện nay huyện Mường Nhé đang tích cực triển khai quy trình các bước hỗ trợ, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện chuyển đổi sang trồng cây quế, hướng tới tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Nậm Vì là xã tiên phong trong thực hiện kế hoạch chuyển đổi trồng cây quế của huyện Mường Nhé. Trung tuần tháng 4 vừa qua, xã đã thành lập đoàn công tác gồm các trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản và các hộ dân đăng ký tham gia trồng quế đi thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất cây quế thuộc huyện Văn Yên. Đây là địa phương có diện tích trồng quế phát triển nhất của tỉnh Yên Bái. Nhìn thấy lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên đã có chủ trương phát triển kinh tế từ cây quế. Từ đó, quế Văn Yên đã trở thành một thương hiệu trên thị trường.

Thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên đã tuyên truyền tới nhân dân thực hiện trồng cây quế trên những diện tích đất trống, kém hiệu quả. Đến nay hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã đều đã triển khai trồng với tổng số trên 5 nghìn ha, với thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

Cây quế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hầu hết các hộ dân đều tận dụng mọi diện tích đất để trồng. Quế đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nghèo. Nhiều gia đình đã có mức thu nhập hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi năm từ việc xuất bán quế. Nhiều gia đình đã mua sắm các tiện nghi đắt tiền, đầu tư cho con em học hành, xây nhà khang trang.

Mỏ Vàng cũng là xã vùng cao, tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng với xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé. Các thắc mắc của người dân xã Nậm Vì đều được giải đáp tại mỗi mô hình thăm quan khi được người dân sở tại chỉ bảo, hướng dẫn nhiệt tình từ quy trình làm đất, cách chọn giống đến, các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch sao cho hiệu quả nhất. Qua đây bà con xã Nậm Vì có thể yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mới, có hiệu quả cao.

Người dân xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng Quế tại huyện Văn Yên, Yên Bái.

Người dân xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng Quế tại huyện Văn Yên, Yên Bái.

Toàn huyện vào cuộc...

Ông Chang Thư Sinh, Trưởng bản Huổi Lúm, xã Nậm Vì chia sẻ: “Qua chuyến thăm quan tại huyện Văn Yên, Yên Bái, bản thân tôi cùng các thành viên trong đoàn đã nắm bắt được cách thức trồng quế, cũng như hiệu quả kinh tế mà cây quế mang lại. Tôi sẽ về tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện chuyển đổi trồng quế”.

Theo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo Quốc Phòng an ninh năm 2024, huyện Mường Nhé giao cho mỗi xã thực hiện chuyển đổi, trồng 100 ha cây quế. Người dân tham gia trồng quế sẽ được hỗ trợ toàn bộ về cây giống, phân bón và chuyển giao kỹ thuật từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi.

Đồng thời hướng tới huyện Mường Nhé sẽ khuyến khích thành lập thêm các Hợp tác xã liên doanh sản xuất, bao tiêu các sản phẩm từ quế. Đến thời điểm này các xã đang tích cực triển khai lập danh sách các hộ, nhóm hộ đăng ký trồng quế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chuyển đổi tư duy sản xuất.

Ông Vũ Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé cho biết: “Hiện tại xã đang tích cực tuyên truyền vận động để người dân thấy được tiềm năng phát triển cây quế. Xã đã rà soát lập danh sách các hộ đăng ký và tiến hành đo đạc thực địa để đảm bảo diện tích chuyển đổi trồng quế theo đúng quy hoạch sử dụng đất của huyện, xã. Trong thời gian tới xã sẽ triển khai hỗ trợ để người dân thực hiện trồng theo kế hoạch”.

Mường Nhé là huyện biên giới, địa hình chủ yếu là đồi núi. Những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, phát triển rừng. Trong đó, có việc chuyển đổi các diện tích trống hoặc canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây để phát triển kinh tế đồi rừng. Đặc biệt là kế hoạch phát triển cây quế năm 2024 – 2025 sẽ hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Hiện nay, xã tại Mường Toong, huyện Mường Nhé có 23ha quế được trồng phân tán. Những diện tích cây quế từ 4 - 6 năm tuổi được khai thác tỉa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây quế, có hơn 40 hộ dân khác mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây quế. Huyện Mường Nhé cũng đã thành lập 1 Hợp tác xã trồng và chế biến cây quế tại bản Huổi Pinh, xã Mường Toong với 7 thành viên. Hợp tác xã có nhiệm vụ ươm và phân phối giống cây; hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, thu mua sản phẩm, để từng bước nhân rộng các mô hình trồng quế trên địa bàn.

Với nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân, huyện biên giới Mường Nhé đang kỳ vọng loài dược liệu có giá trị kinh tế cao này sẽ góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...