Đổi thay ở những ngôi trường mang tên Tây Tiến

GD&TĐ - Nhiều người biết đến bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng với những vần thơ lay động lòng người. Thế nhưng, ít ai biết được những ngôi trường mang tên Tây Tiến - những nơi ghi dấu chân gần một thế kỷ ông cha ta đã “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đang đổi thay từng ngày. Năm học mới lại bắt đầu, cả thầy và trò nơi đây đang nỗ lực từng ngày, đem tình yêu, nghị lực Tây Tiến để truyền lửa cho học trò.

Trải nghiệm thực tế dành cho học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La)
Trải nghiệm thực tế dành cho học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La)

Gieo chữ nơi Sài Khao

Mường Lát, Sài Khao cũng là hai địa danh trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng - người lính trong Trung đoàn 52 Tây Tiến năm xưa. Nằm trên khu vực núi đồi hiểm trở, ở độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) luôn để lại ấn tượng với bất kỳ ai khi đặt chân đến vùng đất này.

Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến (Sài Khao, Mường Lát, Thanh Hóa) chia sẻ: “Khi còn ngồi trong ghế nhà trường tôi đã mê bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Ra trường năm 1992, tôi được phân công dạy học ở Trường Tiểu học Tiến Tần (Mường Lát, Thanh Hóa). Năm 2006, tôi được phân công dạy học ở Sài Khao.

Lớp học tại điểm trường Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa)

Lớp học tại điểm trường Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa)

Những ngày mới lên dạy trên Sài Khao, hàng ngày leo dốc vượt đèo, những hôm mùa đông mây giăng đến tầm trưa mới hoe hoe nắng, tôi mới cảm nhận được nghị lực phi thường của những người lính Tây Tiến năm xưa”.

Nhớ lại những kỷ niệm về hành trình gieo chữ đầy khó khăn, gian khổ, thầy Viên cho biết: Hành trình về Mường Lát những năm trước đây vô cùng vất vả. Quê thầy ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), từ nhà lên đến Mường Lát phải đi mất cả ngày đường. Lên đến Mường Lát những con đường mòn lên các bản làng như những sợi chỉ vắt qua từng quả đồi.

Sân chơi của trẻ ở điểm trường Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa)

Sân chơi của trẻ ở điểm trường Sài Khao (Mường Lát, Thanh Hóa)

Thầy Viên cho biết, trước đây cấp tiểu học Mường Lý có 17 điểm trường, chủ yếu là con em dân tộc Mông, Thái, Mường. Mỗi điểm trường giáo viên dạy cả lớp 1 đến lớp 5. Từ khi trường mang tên đơn vị, thầy trò chúng tôi như có một động lực mới.

Năm học 2018 - 2019, trường sẽ đón 396 học sinh, trong đó có 88 em học sinh lớp 1. Vì các điểm trường rải rác nên ít học sinh, năm học này, nhà trường phải ghép học sinh lớp 5 khu Chiềng Nưa về học ở điểm Xi Lô, ghép học sinh lớp 1 Trung Tiến về học ở điểm Suối Ủn. Mặc dù con đường đến trường của các em còn nhiều trở ngại, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu với con trẻ của những thầy cô giáo nơi đây.

Vùng đất Tây Tiến huyền thoại đang nảy lộc, đơm hoa

Cựu chiến binh Trung đoàn Tây Tiến đến thăm trường

Cựu chiến binh Trung đoàn Tây Tiến đến thăm trường

Nói đến vùng đất gắn bó với một thời kỳ lịch sử, với những địa danh, với những di tích năm xưa bộ đội Tây Tiến làm nhiệm vụ trong bài thơ “Tây Tiến” - Quang Dũng không thể không kể đến vùng đất Mộc Châu, Sơn La. Đây là vùng đất chiếm một vị trí quan trọng trong chiến dịch và ký ức Tây Tiến. Và những ngôi trường mang tên Tây Tiến ở vùng đất này đang đổi thay từng ngày.

Cô giáo Trần Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến (Mộc Châu, Sơn La) cho biết, trước đây, Trường Tiểu học Tây Tiến, tuy ở ngay thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Trường chỉ có 14 phòng học nhưng có tới đến 635 học sinh. Nhà trường vẫn đủ số phòng học để HS học 2 buổi/ngày nhưng có 5 phòng học cấp 4 đã xuống cấp và không có đủ phòng chức năng. Năm học 2017 - 2018, UBND huyện đầu tư, xây dựng một khu lớp học mới, trong học kỳ 1, học sinh từ khối 2 đến khối 5 phải học 1 buổi . Năm học 2018 - 2019, 100% học sinh đã được học 2 buổi/ngày.

“Năm học mới 2018 - 2019, nhà trường có tổng số 710 học sinh. Cùng với việc nhà trường có đủ các phòng học cũng như các phòng chức năng. 100% các em học sinh trong nhà trường được học 2 buổi/ngày, đây là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học”, cô Trần Thị Kim Oanh vui mừng chia sẻ.

Tự hào là học sinh trường Tây Tiến

Cô và trò Trường THCS Tây Tiến (Mộc Châu - Sơn La)
 Cô và trò Trường THCS Tây Tiến (Mộc Châu - Sơn La)
Thầy Trần Minh Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Tiến, Mộc Châu cho biết, thầy đến trường công tác được 3 năm. Những năm mới đến công tác, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn như: Có nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như: 2 học sinh mồ côi; 20 học sinh hộ nghèo, cận nghèo; có những học sinh chưa được sự quan tâm động viên của gia đình…

Năm học mới 2018 - 2019, trường có 306 học sinh. Đặc thù ở đây học sinh ngoan, yêu trường yêu lớp, thích thể thao, chăm chỉ học tập… Điều đó chính là động lực để thầy cô nơi đây gắn bó với nghề.

Thầy Đức cho biết, trường mang tên Tây Tiến từ ngày 16/8/2016. Những năm qua, nhà trường đã có thay đổi nhiều về cơ sở vật chất: Xây dựng được một sân vận động khoảng 2.000m2 phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao, các phòng học có đủ máy chiếu

Projecter, khu vệ sinh của học sinh luôn giữ được sạch sẽ. Nhà trường đang xây dựng một cột mốc Trường Sa để giáo dục cho các em về ý thức hướng về biển đảo quê hương.

Về chất lượng giáo dục, nhà trường đang hướng tới là “Giáo dục các em trở thành những công dân tốt” như lời dặn của bác Hoàng Sâm – Đại tá Trung đoàn Tây Tiến đã dặn dò khi đến thăm nhà trường khi trường được đổi tên thành Trường THCS Tây Tiến.

Một năm học mới lại đến, với học sinh nơi đây, niềm tự hào về ngôi trường mang tên Tây Tiến mãi là ngọn lửa âm ỉ cháy để cả thầy cô và các học trò đều cảm nhận như có sự lan tỏa động lực phấn đấu với “tinh thần Tây Tiến”...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ