Đổi thay giáo dục vùng cao Lam Vỹ

GD&TĐ - Trong những ngày cuối năm, tôi phấn chấn ngược đường lên Định Hóa (Thái Nguyên) - đến với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Lam Vỹ...

Tốt nghiệp đại học, thầy Triệu Văn Quyết trở về dạy chữ cho con em vùng cao Lam Vỹ.
Tốt nghiệp đại học, thầy Triệu Văn Quyết trở về dạy chữ cho con em vùng cao Lam Vỹ.

Đến nơi đây để được nghe khúc tâm giao của người “gieo chữ” vùng cao. Khúc tâm giao ấy xuất phát từ trái tim nhiệt huyết của các thế hệ thầy, cô giáo biết yêu thương, sẻ chia, coi học trò như con, em ruột thịt mình.

Kỳ tích ở Lam Vỹ

Tôi còn nhớ như in hình ảnh cô giáo Trương Thị Huyên. Bấy giờ ở điểm trường Cà Đơ, vì yêu mến trẻ mà nhiều năm làm cô giáo ngoài biên chế để dạy cho con em bản người Dao làm quen với mặt chữ, cây viết. Lớp học của cô giáo Huyên do bà con dựng lên, bàn ghế được xẻ từ cây rừng, gá tạm lên cọc tre, học trò lớp lớn, lớp nhỏ ngồi dựa lưng vào nhau, học các trình độ 1, 2, 3 mà đủ điều kiện xuống núi học tiếp lên lớp trên.

Cô giáo Huyên đã nghỉ hưu. Câu chuyện về lớp học ghép trên đỉnh Cà Đơ dần đi vào cổ tích. Bởi bây giờ đường lên Cà Đơ, và các xóm bản xã vùng cao Lam Vỹ đã được trải bê tông. Anh Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã tự hào: Cuối năm 2023, Lam Vỹ đạt chuẩn nông thôn mới.

Mừng là không phải nợ tiêu chí nào. Riêng tiêu chí về trường học, 100% số trường trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia. Còn cô giáo Mã Thị Hương - Hiệu phó Trường Tiểu học Lam Vỹ cho biết: Trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương. Hiện cơ sở vật chất của Trường đạt mức độ I; Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I và đã được đơn vị chức năng kiểm định chất lượng mức độ 2.

Những người con Lam Vỹ đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của chính mình. Những vùng đất mang tên Nà Đin, Nà Tiếm nay hợp thành Văn La 1; Bản Cái, Bản Tồng hợp lại thành Văn La 2; Làng Hồng, Nà Loòng, Đồng Kền nhập lại thành Tam Hợp; Khau Viềng, Nà Tấc, Cà Đơ hợp lại thành Bình Sơn…

Từ 20 xóm bản trước đây, nay sát nhập lại còn 10 xóm. Điều đó minh chứng giao thông ở xã vùng cao này đã khai thông, nối lại gần hơn các xóm bản với trung tâm xã. Theo đó, những điểm trường lẻ cũng ít đi, bởi con em không phải bấm chân trần đến lớp, mà ngồi sau xe máy, ô tô do cha mẹ đưa đến trường.

Cô Hương cho biết thêm: Trường Tiểu học Lam Vỹ có 4 điểm trường, gồm 1 điểm trường chính ở trung tâm xã và 3 điểm trường ở Khau Viềng, Văn La và Tam Hợp. Các điểm trường duy trì cho học sinh theo hết lớp 4. Lên lớp 5, các em sẽ học tập trung ở điểm trường chính… Thương lắm, học trò còn nhỏ tuổi, đường đến lớp lại xa, nhất là vào hôm trời mưa lạnh, áo ướt, ngươi run thành cơn. Thầy, cô tiết dạy đó lấy áo của mình khoác cho em không bị cảm lạnh.

100% trẻ em đến trường đúng độ tuổi và đi học đúng độ tuổi. Với Lam Vỹ, đó là một kỳ tích được làm nên bởi các thầy, cô giáo. Nhọc nhằn lắm chứ. Thầy Nguyễn Văn Khắc, điểm trưởng trường Tam Hợp chia sẻ: Điểm có 44 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Nhiều em cách điểm trường hơn 5 cây số, song lớp học luôn duy trì đúng giờ… Tôi biết nhà thầy Khắc ở Tân Dương, cách điểm trường khá xa, nhưng ngày nào thầy cũng đến điểm trường sớm để cùng các thầy cô chuẩn bị cho giờ lên lớp.

Cô giáo Mã Thị Hương (giữa) trong giờ họp chuyên môn hằng tuần với thầy cô giáo điểm trưởng Khau Viềng.

Cô giáo Mã Thị Hương (giữa) trong giờ họp chuyên môn hằng tuần với thầy cô giáo điểm trưởng Khau Viềng.

Luôn bám trường, bám lớp

Thầy Hứa Đức Thường, điểm trường trưởng Văn La chia sẻ: 43 học sinh là con em các khu Nà Đin, Nà Tiếm, Bản Cái, Bản Tồng về học. Cũng như các điểm trường khác. Dạy học là chính, nhưng còn có việc cũng rất chính là đầu giờ làm việc các buổi sáng, chiều đón học sinh. Tan học sáng, chiều giao học sinh cho phụ huynh. Nhiều đêm ngồi soạn bài lòng ngay ngáy lo, các trò còn quá nhỏ, ngày 4 lần đi và về trên cùng đoạn đường ấy, liệu có bảo đảm an toàn.

Đến điểm trường Khau Viềng, cô giáo Hứa Thị Hòa, điểm trường trưởng mộc mạc: Điểm có 30 học sinh, với 3 lớp học. Trong đó lớp 1 có 6 học sinh, lớp 2 có 11 học sinh và 1 lớp ghép 3, 4 có 13 học sinh, gồm 5 học sinh trình độ 3 và 8 học sinh trình độ 4… Trong phòng học dành cho trò lớp 1, cô giáo Chủ nhiệm Ma Thị Diễn đang cầm tay cho từng học trò nắn nót nét chữ.

Bên lớp 2, thầy Triệu Văn Quyết cho học sinh học môn tiếng Việt. Thấy tôi đến bên cửa, thầy cho cả lớp đứng dậy chào lễ phép. Thân thiện, gần gũi, thầy nói với chúng tôi như tâm sự: Bà con xã vùng cao Lam Vỹ còn nhiều khó khăn, mức thu nhập bình quân năm 2023 đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm.

Con em đồng bào không phải nhịn đói đi học như ngày xưa, nhưng không có điều kiện đi học thêm như con em ở thành phố. Cũng vì thế giáo viên chúng tôi động viên nhau làm việc hết trách nhiệm, bảo đảm cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, thuộc bài ngay trên lớp, nên hằng năm tỷ lệ học sinh chuyển lớp trên đạt 100%.

Cũng tại điểm trường này đã mang lại cho tôi một xúc động mạnh. Lớp ghép trình độ 3, 4 đang giờ học Âm nhạc. Thầy Hà Mạnh Hùng, giáo viên dạy âm nhạc của trường đang đứng lớp. Trong cùng giờ học, khi học sinh lớp 4 học nhạc thì học sinh lớp lớp 3 học hát. Trong cùng một không gian lớp học, học sinh 2 lớp quay lưng vào nhau, mắt hướng lên 2 tấm bảng khác nhau. Có lẽ phải rất giỏi thì thầy, cô giáo mới quản lớp không mất trật tự, học sinh không bị lẫn kiến thức và thuộc bài trên lớp.

Thời công nghệ 4.0, việc dạy chữ, rèn người của đội ngũ thầy, cô giáo trường Tiểu học xã vùng cao Lam Vỹ còn chưa hết gian nan. Nhất là với các thầy, cô giáo dạy các môn chuyên, như: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thì giống như những cánh chim mỗi ngày phải bay sải từ điểm trường này sang điểm trường khác để hoàn thành nhiệm vụ của người giáo viên.

Khó khăn là thế, nhưng đội ngũ các thầy, cô giáo luôn bám trường, bám lớp, xây nền kiến thức để sau này bao cuộc đời đủ sức bay cao. Nhiều học trò là bác sĩ, kỹ sư nhưng luôn nhớ về nét chữ đầu đời. Nhớ một thời “rất xưa” có những thầy, cô giáo chèo chống đón đưa, “mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều”.

Nhìn các học trò hồn nhiên hát theo nhịp thầy Hùng, tôi nhớ lại ít năm trước lên điểm trường Cà Đơ, lớp học ghép cũng như thế, học trò quay lưng vào nhau mà về sau có nhiều em thi đỗ đại học. Thầy Triệu Văn Quyết là một trong những học trò đó. Sau tốt nghiệp đại học, thầy đã trở về xã vùng cao Lam Vỹ để thực hiện ước mơ làm một người giáo viên. Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết thêm, thầy Quyết là con của cô giáo Loan cắm bản Cà Đơ năm xưa. Nay theo nghiệp mẹ, tiếp tục làm “người lái đò trên núi”, cùng các thầy, cô giáo uốn nắn cho các trò nhỏ nét chữ, nết người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ