Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu nhờ chính sách

GD&TĐ - Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đời sống kinh tế xã hội của người dân biên giới Lai Châu thêm phần khởi sắc.

Dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè trong trang phục truyền thống.
Dân tộc Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè trong trang phục truyền thống.

Đổi thay diện mạo nông thôn

Xã Nậm Khao, huyện Mường Tè trước đây rất khó khăn nhưng nhờ vào chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là Quyết định 1672 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao (Đề án 1672) mà đến nay đã từng bước đổi thay diện mạo nông thôn.

Nậm Khao là xã nằm trong chương trình tái định cư thủy điện Lai Châu, chuyển lên nơi ở mới, nhiều hộ gia đình không đủ tiền để xây dựng nhà ở kiên cố. Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước mà đặc biệt là Đề án 1672 mà nhiều bà con đồng bào dân tộc Cống đã được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà ở.

Chị Lò Thị Vân Thủy, bản Láng Phiếu chia sẻ: “Khi mới di chuyển lên đây, gia đình mẹ tôi cũng rất khó khăn. Được nhà nước hỗ trợ 40 triệu để xây nhà, đến nay, mẹ tôi đã có nhà ở khang trang hơn”.

lai-chau-6.jpg
Bản Láng Phiếu, xã Nậm Khao trong diện mạo mới.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ dân tộc, trong những năm qua xã Nậm Khao, huyện Mường Tè đã hỗ trợ xây dựng nhà mới cho 18 gia đình, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 34 hộ gia đình, hỗ trợ 92 con bò giống cho 92 gia đình. Việc bảo tồn văn hóa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được xã quan tâm, triển khai.

Năm 2023, gia đình bà Vì Thị Đỉa, bản Láng Phiếu, xã Nậm Khao được hỗ trợ một con bò cái giống. Nhờ chịu khó chăm sóc, bò mẹ đã sinh sản. Ngoài ra, để ổn định kinh tế gia đình, bà Đỉa cũng cùng các con cháu trong nhà tập trung giúp đỡ làm nương, ruộng, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, kinh tế gia đình từng bước được cải thiện.

Đến nay, người dân Nậm Khao đã có đường sá đi lại thuận lợi nên đời sống kinh tế từng bước phát triển. Các phong tục, tập quán lạc hậu được đẩy lùi. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Con trẻ được đi học đầy đủ, trình độ dân trí cũng từng bước được nâng lên.

“Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà hiện nay, ở Nậm Khao, nhiều hộ dân đã biết cách phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Phát triển kinh tế không chỉ mang lại cuộc sống sung túc hơn cho đồng bào mà trên hết, nó dần thay đổi tư duy làm ăn kinh tế, giúp bà con có ý chí và nghị lực để vươn lên thoát nghèo” - ông Lỳ Xè Po, Chủ tịch UBND xã Nậm Khao chia sẻ.

lai-chau-5.jpg
Chính sách hỗ trợ giúp người dân huyện Nậm Nhùn phát triển nhiều mô hình kinh tế.

Xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn hiện có 9 bản trong đó đồng bào đa số là dân tộc Mảng và Mông sinh sống. Khi mới chia tách và thành lập, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân còn nhiều khó khăn, đa phần là hộ nghèo.

Tháng 6/2024, gia đình chị Pàng Thị Duyên ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì, huyện nậm Nhùn được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua gia súc, gia cầm phát triển kinh tế. Với số tiền trên, gia đình chị đã dùng để mua 6 con lợn giống. Nhờ tập trung chăm sóc, phòng chống dịch bệnh mà đến nay đàn lợn của gia đình chị sinh trưởng tốt. Hứa hẹn mang lại thu nhập cao.

Ngôi nhà mới của gia đình anh Lò Văn Bình ở bản Pá Bon bây giờ khang trang hơn rất nhiều so với trước đây. Anh Bình chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn hỗ trợ 40 triệu đồng của nhà nước cùng số tiền tích góp, vay ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn mà bây giờ vợ chồng anh được sống trong ngôi nhà kiên cố”.

lai-chau-4.jpg
Thầy trò Trường PTDTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn.

Ông Vũ Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Nậm Pì cho biết: “Thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế xã vùng đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền và triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện. Đến thời điểm hiện tại, các nguồn vốn đã được xã triển khai giải ngân. Nhờ các chính sách hỗ trợ mà đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn xã còn gần 55% hộ nghèo và hơn 10% hộ cận nghèo. Nhiều người dân đã tận dụng nguồn vốn được hỗ trợ để xây dựng nhà ở, phát triển chăn nuôi, ổn định kinh tế vươn lên thoát nghèo”.

Nâng cao đời sống văn hóa cho người dân

Trong những năm qua, nhờ đời sống của nhân dân dần ổn định, kinh tế phát triển nên đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nậm Nhùn được quan tâm. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết được hạn chế.

Một trong những hoạt động cụ thể để bảo tồn và duy trì nét đẹp văn hóa các dân tộc được huyện Nậm Nhùn triển khai là quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa trong cộng đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

lai-chau-1.jpg
Nhiều lễ hội được huyện Nậm Nhùn phục dựng và duy trì. Trong ảnh: Lễ hội Mừng cơm mới (Mạ Mạ Mê) của dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Manh.

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập đội văn nghệ, thể thao quần chúng. Cùng với đó, phục hồi lễ hội truyền thống, đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

“Chúng tôi đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại khu dân cư, bản, xã. Duy trì hoạt động của những đội văn nghệ tại mỗi bản, xã. Họ thường xuyên luyện tập các điệu múa, làn điệu truyền thống, biểu diễn phục vụ nhân dân vào mỗi dịp lễ, tết” – ông Hà Văn Ruệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước mà phong trào văn nghệ quần chúng tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã phát triển và có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã tham gia tập luyện phục vụ các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc.

Qua đó, tạo sân chơi giải trí lành mạnh, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Duy trì được nghề thêu dệt trong chị em phụ nữ cũng góp phần không nhỏ bảo tồn văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái tại địa phương.

Ông Lò Văn Quyết, Bí thư Chi bộ bản Mường Mô , xã Mường Mô cho biết: “Trong những năm qua, Chi bộ đã chỉ đạo hội Phụ nữ, hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên duy trì hát múa, may thêu, đan lát để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc truyền thống”.

lai-chau-3.jpg
Phong trào văn hóa văn nghệ của người dân được phát triển góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

“Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn xã, trong lĩnh vực văn hóa, xã đã triển khai chỉ đạo các bộ phận đi tuyên truyền vận động bà con. Nhờ đó bản sắc văn hóa được bảo tồn, tình trạng tảo hôn được hạn chế, kinh tế ngày một phát triển” - ông Mào Văn Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã Mường Mô chia sẻ.

Trong những năm qua, huyện Nậm Nhùn hỗ trợ xây dựng 18 mô hình trình diễn; hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động cho 101 đội văn nghệ bản; hỗ trợ tổ chức 7 hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống trong phạm vi huyện, liên xã...

Bà Lý Thị Hiền, Trưởng phòng dân tộc huyện Nậm Nhùn cho biết: “Việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm nhùn là tiền đề để đưa đồng bào các dân tộc thoát khỏi khó khăn. Các giá trị về văn hóa, y tế, đời sống, tinh thần được quan tâm đầu tư phần nào giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đừng coi thường người khác trước mặt bạn bè. (Ảnh: ITN).

5 hành động dễ khiến tình bạn tan vỡ

GD&TĐ - Tình bạn là một trong những báu vật quý giá nhất cuộc đời, nhưng một vài lời nói có thể làm tổn hại mối quan hệ quý giá này ngay lập tức.