Tam Đường nâng cao thu nhập cho người dân từ đầu tư phát triển nông nghiệp

GD&TĐ - Việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo chuỗi liên kết góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân Tam Đường.

Người dân xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hái chè.
Người dân xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hái chè.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung

Với trên 85% người dân phát triển kinh tế từ nông nghiệp, thời gian qua huyện Tam Đường (Lai Châu) xác định phát triển nông nghiệp bền vững là một nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021 – 2025 và Nghị quyết số 02 của Đảng bộ huyện Tam Đường, xã Hồ Thầu đã hỗ trợ 100% cây giống, 50% phân bón để người dân phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung có liên doanh, liên kết; ký kết đảm bảo với các đơn vị liên kết hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân sau khi thu hoạch.

Những năm gần đây, một số bản của xã phát triển diện tích trồng cây chanh leo, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Đội 4, Rừng Ổi, Khèo Thầu…, nhiều gia đình có thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng.

tam-duong-5.jpg
Cây chanh leo cho năng suất cao nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu huyện Tam Đường.

Gia đình ông Lê Văn Vi, Đội 4, xã Hồ Thầu có gần 2ha đất nông nghiệp. Trước năm 2020, diện tích này gia đình ông Vi chủ yếu trồng lúa, ngô nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2020, được sự tuyên truyền, tư vấn của chính quyền địa phương gia đình ông Vi đã chuyển đổi trên 1ha đất sang trồng chanh leo theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Ngay vụ thu hái đầu tiên, chanh leo cho gia đình ông Vi thu nhập trên 150 triệu đồng. Quả chanh leo được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua ngay tại vườn. Với hiệu quả kinh tế mang lại đã giúp gia đình ông Vi có thu nhập ổn định.

“Từ khi chuyển đổi sang trồng chanh leo, cùng một diện tích mà thu nhập cao hơn hẳn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh leo", ông Vi chia sẻ.

Nhận thấy lợi ích từ chương trình liên doanh liên kết cây chanh leo, nhiều hộ gia đình tại các xã trên địa bàn huyện Tam Đường đã hưởng ứng và tích cực mở rộng diện tích.

Sau 5 năm có mặt trên đất Tam Đường, đến nay, cây chanh leo đã mở rộng và phát triển lên trên 350ha và khẳng định được vai trò trong việc giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của huyện Tam Đường, cây chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Sau khi thu hoạch quả các công ty liên doanh, liên kết đều đảm bảo thu mua hết cho bà con từ tận ruộng.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, để người dân phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện xác định một số loại cây trồng như phù hợp như chanh leo, dược liệu và một số giống cây khác; rà soát diện tích đất để phát triển diện tích trồng chanh leo.

"Qua thử nghiệm và triển khai trồng, cây chanh leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và hứa hẹn sẽ là cây trồng giúp bà con xóa đói, giảm nghèo”, ông Páo nói.

tam-duong-6.jpg
Việc cơ giới hóa sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, Nghị quyết số 02 của Đảng bộ huyện Tam Đường đã đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như: Duy trì, nâng cao hiệu quả 600ha lúa hàng hóa, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm; trồng mới 400ha chè chất lượng cao, nâng tổng diện tích chè trên 2.200ha, giữ vững và phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Chè Tam Đường”; mở rộng và duy trì ổn định diện tích cây dong riềng 120 - 150ha… Tiếp tục phát triển nông nghiệp có liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện Tam Đường đã quy hoạch vùng sản xuất dựa trên tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi.

Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư mở mới và nâng cấp đường giao thông nội đồng; kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng đa mục tiêu chủ động tưới tiêu cho cây trồng.

Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết

Bà Tẩn Thị Quế, Bí thư Huyện ủy Tam Đường chia sẻ, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết; bám sát vào các mục tiêu tổng quát và được cụ thể hóa bằng các mục tiêu, kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; phân công rõ cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và tổ chức triển khai với lộ trình, thời gian cụ thể.

Bản Bo là xã đi đầu của huyện Tam Đường trong thực hiện nghị quyết về phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao.

Xã có tổng diện tích chè gần 1.000ha, trong đó, chè chất lượng cao gần 850ha, chè tự trồng trên 150ha. Đến nay, diện tích chè kinh doanh của xã đạt trên 700ha, sản lượng thu hái trong năm 2024 đạt trên 7.000 tấn.

tam-duong-2.jpg
Cây chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã Bản Bo.

Ông Đỗ Trọng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo chia sẻ, nhờ định hướng phát triển cây chè phù hợp mà cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn xã xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 3 - 4%”.

Sau 10 năm cây chè bén rễ trên đất Tam Đường, những nương đồi bỏ hoang đã được thay thế bằng những nương chè bạt ngàn xanh tốt tập trung tại các địa bàn như: Bản Bo, Bản Giang, Bản Hon, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin…

Từ trồng chè, thu nhập của bà con được nâng lên nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số của huyện, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.

Ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết, người dân đã quan tâm thâm canh, liên kết với công ty doanh nghiệp tổ chức sản xuất chè. Từ việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã quan tâm chăm sóc mở rộng diện tích.

"Chúng tôi cũng xác định cây chè là cây trồng chủ lực nên sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Cường nói.

tam-duong-3.jpg
Nông dân Tam Đường chăm sóc cây dong riềng.

Để nông nghiệp phát triển bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Tam Đường đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, khắc phục tập quán canh tác, nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất, cam kết thực hiện liên kết.

Huyện cũng chỉ đạo tổ chức thực hiện lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình dự án, tổ chức, cá nhân để hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

“Nhờ phát triển nông nghiệp đúng hướng với việc đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà chúng tôi đã hình thành các vùng chuyên canh. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn không ngừng cải thiện, nâng cao”, ông Cường cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Chọn môn thi - chọn tương lai

GD&TĐ - Khảo sát của nhiều sở GD&ĐT, Ngoại ngữ vẫn là môn được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT...