Giảm tỷ lệ hộ nghèo
Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, kết quả cho thấy đời sống kinh tế - xã hội người dân có nhiều chuyển biến.
Đặc biệt, trong 3 năm (2021 - 2023), tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí trên 350 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa.
Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%, hộ cận nghèo khu vực nông thôn là 7,43%. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp nhận và hỗ trợ xây dựng 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng.
Từ năm 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Sóc Trăng đạt trên 8.300 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động trong cộng đồng...
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có 64/80 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Trong đó có 16 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, chiếm 20% tổng số xã; dự kiến đến cuối năm nay có thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn huyện Nông thôn mới là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên. Tỉnh phấn đấu cuối năm 2023, có thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới là Châu Thành và Cù Lao Dung (nâng tổng số toàn tỉnh đến cuối năm 2023 có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới).
Một trong những tín hiệu khả quan là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hằng năm (đến cuối năm 2022 đạt hơn 45,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2% mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm 3% mỗi năm; cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 15.139 hộ, chiếm 4,54% tổng số hộ.
Nông thôn mới góp phần đời sống người dân được cải thiện và nâng cao đáng kể. |
Đi vào thực chất cuộc sống
Để triển khai có hiệu quả xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua. Tiêu biểu như: Dân vận khéo của Ban Dân vận; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Ủy ban MTTQ Việt Nam; Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch và Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới của Hội Nông dân; Tuổi trẻ Sóc Trăng chung tay xây dựng nông thôn mới, Ngày Thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh của Đoàn Thanh niên; Cựu Chiến binh Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới của Hội Cựu Chiến binh; Tuổi cao gương sáng của Hội Người cao tuổi…
Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương triển khai tích cực, duy trì hiệu quả, huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu… từng bước đưa xây dựng Nông thôn mới đi vào thực chất cuộc sống người dân vùng nông thôn
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, không được trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ. Cần phải quán triệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình. Việc triển khai chương trình không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, kết quả đạt được phải thực sự và bền vững.
Đối với các địa phương tiêu chí đạt thấp, phải phân tích, đánh giá nguyên nhân, phấn đấu vươn lên. Để việc triển khai chương trình đạt kết quả tốt, phải quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng tình. Phải phát động chương trình như một phong trào “cách mạng”, thay đổi tư duy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thực hiện tốt các cơ chế phối hợp liên ngành trong xây dựng nông thôn mới và phối hợp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh tập trung hoàn thành mục tiêu đối với các đơn vị xã, huyện đã được xác định trong kế hoạch của tỉnh, các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn lực để chỉ đạo hoàn thành các đơn vị theo mục tiêu, lộ trình của địa phương. Cần chú trọng triển khai các nội dung 6 chương trình chuyên đề theo phân công, kế hoạch của UBND tỉnh; nhất là triển khai hiệu quả 3 mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề được Trung ương phê duyệt, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn...