Đối sánh 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ: Biết được chất lượng giáo dục cốt lõi

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Đối sánh điểm thi của 3 môn này cho ta cái nhìn khá đầy đủ về chất lượng giáo dục cốt lõi của một địa phương, một trường học.

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Kết quả thi năm 2022 cho thấy, điểm trung bình các môn Toán, Ngoại ngữ giảm, riêng Ngữ văn tăng so với năm 2021. Về tổng điểm của 3 môn học này năm 2022 là 18,13, giảm so với năm 2021 (18,92 điểm). Có 60 địa phương giảm tổng điểm 3 môn (chiếm 95,24%), chỉ có 3 địa phương tăng (chiếm 4,76%): Hòa Bình (0,93), Hải Phòng (0,57) và Vĩnh Phúc (0,09). Có 5 địa phương giảm nhiều là Sóc Trăng (1,36), Bến Tre (1,37), Kon Tum (1,51), Lai Châu (1,53) và An Giang (1,61).

Bình Dương cao nhất cả nước

Bình Dương có tổng 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ là 20,48 điểm, dẫn đầu cả nước. Tiếp theo là Hải Phòng (20,39 điểm), Nam Định (20,22), Vĩnh Phúc (20,01), Ninh Bình (19,82), TPHCM (19,80), Hà Nam (19,46), Hà Nội (19,25) và Tiền Giang (19,06).

Toàn quốc có 4 địa phương tổng điểm 3 môn trên 20 điểm (chiếm 6,35%); 21 địa phương từ 18 đến dưới 20 điểm (33,33%), 37 địa phương từ 15 đến dưới 18 điểm (58,73%) và 1 địa phương dưới 15 điểm (1,56%). 10 địa phương có tổng điểm 3 môn thấp nhất là Bắc Kạn (16,03 điểm), Điện Biên (16,0), Hậu Giang (16,0), Lạng Sơn (15,86), Trà Vinh (15,70), Đắk Nông (15,55), Lai Châu (15,13), Sơn La (15,12), Cao Bằng (15,11) và Hà Giang (13,74).

Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ là 3 môn quan trọng liên quan đến rất nhiều ngành đào tạo ở trường đại học. Đặc biệt là 2 môn Toán, Ngoại ngữ liên quan nhiều tổ hợp xét tuyển đại học nên được tất cả các địa phương chú trọng, nhất là đối với những nơi có kinh tế, xã hội, du lịch, công nghiệp phát triển, GRDP bình quân đầu người cao. Học ngoại ngữ còn là nhu cầu của học sinh muốn có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để được miễn thi theo quy chế của Bộ GD&ĐT, được cộng điểm trong tuyển sinh đại học cũng như có cơ hội du học. Đây là một xu hướng tốt nhằm nâng cao chất lượng ngoại ngữ của học sinh Việt Nam.

Môn Ngữ văn: Điểm thi tăng không nhiều

Ngữ văn là môn có điểm thi tăng nhưng không nhiều, từ 6,47 năm 2021 lên 6,51 năm 2022. Tỷ lệ điểm Ngữ văn giỏi (từ 8 trở lên) tăng, năm 2021 là 14,9% và năm 2022 là 16,98%.

Đối sánh thứ hạng môn Ngữ văn của các địa phương trong giai đoạn 2017 – 2022 cho thấy, nhiều tỉnh, thành thứ hạng không biến động nhiều. Trong đó, có một số địa phương tiến bộ trong 2 năm gần đây như: Vĩnh Phúc xếp hạng 1 (2017), 9 (2018), 5 (2019), 2 (2020), 2 (2021) và xếp hạng 2 (2022). Hải Phòng lần lượt tương ứng là 7, 1, 2, 9, 1 và 1. Ninh Bình là 3, 3, 8, 11, 11 và 4. Nghệ An là 19, 7, 3, 20, 4, 6. Thanh Hóa là 6, 2, 15, 8, 16, 8. Hải Dương là 27, 20, 11, 31, 31, 16. Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương xếp hạng môn Ngữ văn trồi sụt như: Quảng Ngãi lần lượt là 14, 39, 38, 32, 8, 25. Đồng Tháp là 16, 40, 36, 28, 7, 20. TPHCM là 12, 35, 50, 47, 20, 34.

Môn Ngữ văn có điểm trung bình học bạ của cả nước năm 2022 là 7,21 trong khi trung bình điểm thi đạt 6,51 (lệch 0,7 điểm), khá phù hợp. Tuy nhiên, khi so sánh thứ hạng hai chỉ số này, một số địa phương có sự thay đổi lớn. Chẳng hạn, Bắc Kạn có trung bình điểm học bạ xếp thứ 63, nhưng trung bình điểm thi xếp thứ 35, TPHCM có trung bình học bạ xếp thứ 18 (7,31 điểm) nhưng trung bình điểm thi xếp thứ 34 (6,34 điểm).

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Môn Toán: Nam Định 6 năm liền giữ số 1

Toán là môn có điểm trung bình giảm, từ 6,61 năm 2021 xuống 6,47 năm 2022. Tỷ lệ điểm Toán giỏi giảm 4,05%, năm 2021 là 25,9% và năm 2022 là 21,85%. Nhìn chung môn Toán nhiều tỉnh có thứ hạng khá ổn định trong giai đoạn 2017 – 2022.

Các địa phương như Nam Định, Bình Dương, TPHCM, Hà Nam, Ninh Bình có điểm môn Toán luôn ở tốp 10, đặc biệt, Nam Định 6 năm liền đứng đầu cả nước. Một số địa phương có tiến bộ trong những năm gần đây như: Vĩnh Phúc xếp hạng lần lượt là 20, 23, 22, 19, 15, 7. Bạc Liêu (12, 16, 9, 30, 18, 15). Hà Tĩnh (31, 30, 33, 35, 24, 20), Lào Cai (40, 39, 45, 50, 43, 38). Bên cạnh đó, có một số tỉnh có thứ hạng môn Toán giảm những năm gần đây: Bình Phước (24, 22, 21, 23, 27, 37), Hậu Giang (46, 46, 46, 38, 53, 51), Trà Vinh (47, 45, 43, 42, 54, 55), Bà Rịa – Vũng Tàu (7, 6, 3, 3, 10, 13), Tây Ninh (15, 19, 14, 18, 21, 25).

Môn Toán có điểm trung bình học bạ toàn quốc là 7,51, trong khi trung bình điểm thi 6,47 điểm (lệch 1,04 điểm). Khi đối sánh điểm thi của môn Toán so với học bạ có độ vênh đáng kể ở một số địa phương như: Điểm học bạ của Hải Phòng là 8,14 điểm (thứ 1), nhưng điểm thi là 6,92 điểm, xếp thứ 8 (lệch 1,12 điểm); Đồng Tháp điểm học bạ 8,01 (thứ 2), điểm thi là 6,49, xếp thứ 26 (lệch 1,52 điểm); Hải Dương điểm học bạ là 7,99, điểm thi là 6,71 (lệch 1,28 điểm); Hà Nội điểm học bạ là 7,94, điểm thi là 6,77 (lệch 1,17 điểm). Trong khi Nam Định có điểm học bạ xếp thứ 9, nhưng điểm thi xếp thứ 1. Điều này khẳng định rằng, Nam Định là một tỉnh thực hiện rất tốt tinh thần “học thật, thi thật”.

Môn Ngoại ngữ: TPHCM cả 6 năm đều đứng đầu

Ngoại ngữ là môn có điểm trung bình giảm, từ 5,84 năm 2021 xuống 5,15 năm 2022. Tỷ lệ điểm Ngoại ngữ giỏi giảm 12,1%, từ 24,0% năm 2021 xuống 11,9% năm 2022. Môn Ngoại ngữ là thế mạnh của các tỉnh, thành phố có kinh tế - xã hội, du lịch, công nghiệp phát triển. Các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình,... thường ở tốp đầu về Ngoại ngữ, đặc biệt là TPHCM cả 6 năm đều đứng đầu. Một số địa phương có thứ hạng Ngoại ngữ tiến bộ trong giai đoạn 2017 – 2022 như: Vĩnh Phúc (11, 13, 13, 18, 10, 7), Bắc Ninh (21, 22, 22, 26, 17, 10), Hà Tĩnh (42, 46, 49, 49, 36, 30), Quảng Ninh (31, 41, 35, 32, 23, 15), Phú Thọ (23, 14, 29, 41, 26, 25).

Bên cạnh đó, một số tỉnh có thứ hạng Ngoại ngữ giảm như: Trà Vinh (43, 42, 40, 34, 56, 58), Hậu Giang (54, 55, 52, 44, 58, 60), Ninh Thuận (13, 8, 14, 14, 40, 43); Kon Tum (34, 32, 31, 28, 39, 45), Bến Tre (30, 19, 15, 12, 29, 33).

Đối sánh giữa điểm thi và điểm học bạ cho thấy, điểm học bạ của môn Ngoại ngữ khá cao nhưng điểm thi lại quá thấp, trung bình học bạ cả nước là 7,27, nhưng điểm thi là 5,15 (lệch 2,12 điểm). Hải Phòng có điểm trung bình học bạ cao nhất nước (8,04 điểm), nhưng điểm thi xếp thứ 5 với 5,775 điểm (lệch 2,265 điểm).

Nhìn chung các tỉnh, thành phố có thế mạnh 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ vẫn giữ vững thành tích của mình. Trong 10 địa phương tốp đầu các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ năm 2022 có 6 địa phương dẫn đầu cả 3 môn (Bình Dương, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh), 2 địa phương dẫn đầu 2 môn (Hà Nam, TPHCM), 8 địa phương dẫn đầu một môn (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng).

Hỗ trợ nhiều hơn cho địa phương khó khăn

Nhiều địa phương thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn về kinh tế, có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng 3 môn học trên vẫn còn khoảng cách xa so với đồng bằng, thành phố. Trong 10 địa phương tốp cuối năm 2022 có 4 tỉnh nhóm cuối cả 3 môn (Sơn La, Trà Vinh, Cao Bằng, Hà Giang), 5 địa phương nhóm cuối 2 môn (Đắk Nông, Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên, Hòa Bình), 8 địa phương nhóm cuối 1 môn (Hưng Yên, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn và Hậu Giang). Qua kết quả đối sánh này, Nhà nước, chính quyền các địa phương có nhiều chính sách để hỗ trợ các địa phương khó khăn nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng 3 môn công cụ quan trọng này nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ