Đối phó với 'kẻ giết người thầm lặng'

GD&TĐ - Theo WHO, ô nhiễm không khí là 'kẻ giết người thầm lặng'.

Những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà.
Những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà.

Lý do là ô nhiễm không khí có thể gây hại âm ỉ lâu dài, nên đa số người bệnh chủ quan, khó phát hiện sớm.

“Sát thủ” vô hình

Vài ngày nay, Hà Nội liên tục trong tốp ba thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới với chỉ số AQI trên 204, mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng, hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5.

Đây là con số cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp bệnh hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh.

Theo WHO, ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Ước tính, có khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

Thực tế, ghi nhận tại các bệnh viện hơn một tuần qua, số người già, trẻ nhỏ nhập viện do ho, khó thở tăng 10 - 15% ngày thường, có nơi tăng gấp rưỡi. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp khác đến khám do viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi... Trong đó, xoang là bệnh lý khá phổ biến.

ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, viêm mũi dị ứng gây ra bởi phản ứng quá mẫn do tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Bệnh có các triệu chứng phổ biến là chảy nước mũi, ngứa, hắt hơi, tăng phản ứng phế quản hoặc tắc nghẽn luồng khí. Khi hít phải bụi mịn, các hạt khí thải động cơ diesel từ phương tiện giao thông, hút phải nấm mốc trong nhà… là nguồn cơn chính gây ra các phản ứng dị ứng.

ThS.BS Thuỳ Linh khuyến cáo, sống trong điều kiện ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mỗi người cần chú ý bảo vệ mũi miệng bằng khẩu trang tiêu chuẩn khi đi ra khỏi nhà. Tăng cường miễn dịch bằng nhiều cách. Trong đó, bổ sung các loại vitamin. Đặc biệt, vitamin C rất có lợi cho bệnh nhân viêm mũi xoang.

Ngoài ra, cần uống nhiều nước, vệ sinh nhà cửa, diệt trừ nấm mốc. Thực hành thói quen rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi khi ra ngoài trở về nhà. Người già và trẻ em nên hạn chế ra ngoài trời vào các ngày được dự báo ô nhiễm không khí ở mức có hại. Phòng tránh virus gây bệnh đường hô hấp như cúm, phế cầu khiến cơ thể suy yếu và nhạy cảm hơn với các tác nhân dị ứng.

Bác sĩ Thùy Linh nhấn mạnh, khi các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, khó thở… kéo dài hơn một tuần không cải thiện, người bệnh nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị phù hợp.

Các triệu chứng kéo dài không chỉ gây ảnh hướng tới công việc, học tập, chất lượng sống mà còn có thể trở thành mạn tính, khó điều trị. Các biến chứng viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nguy hiểm đe dọa tính mạng cũng có thể xảy ra, đặc biệt ở người có bệnh nền hen suyễn, người suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Đeo khẩu trang đúng cách

Các nhà nghiên cứu trên thế giới ước tính, đến năm 2050 có khoảng 68% dân số thế giới sẽ sống ở các trung tâm đô thị. Ô nhiễm không khí ngoài trời ở đô thị là nguyên nhân gây ra 4,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Ô nhiễm không khí cũng được cho là làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về đường hô hấp bao gồm viêm mũi dị ứng không khí, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội báo cáo, từ năm 2015, mỗi năm, số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn của Hà Nội gần 5.800 người, chiếm 32% của miền Bắc. Đến hiện tại, con số này có thể đã tăng lên đáng kể.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua bởi các nguyên nhân như: Giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ô nhiễm không khí là căn nguyên phổ biến của nhiều bệnh và được xem như “sát thủ thầm lặng”. Bởi, nó gây hại âm ỉ lâu dài, nên đa số người bệnh chủ quan, khó phát hiện bệnh sớm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Đồng thời, cần vệ sinh mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá, nên tránh xa khói thuốc. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa đi ra ngoài, đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.