Người thầy trong bối cảnh mới
Theo GS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, người thầy (đội ngũ người thầy) đang vận động trong “bối cảnh kép”: Vừa phải thực hiện các nhiệm vụ của đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, vừa phải chủ động thích ứng với động thái của cách mạng công nghiệp 4.0.
“Họ có nhiệm vụ thực hiện tinh thần dạy học kiến tạo, biết từ bỏ sư phạm quyền uy tiến tới sư phạm dân chủ, hợp tác, trang bị cho người học sự phát triển toàn diện năng lực phẩm chất lại phải đón đầu của công nghệ dạy học, kỹ thuật dạy học qua e-learning, “trường học kết nối”, “STEM”( khoa học, công nghệ, kỹ thuật)…
Chính điều đó đòi hỏi người thầy phải “tận tâm hơn” song lại phải “tốc độ nhiều hơn”, “kết nối nhiều hơn”, “thông minh nhiều hơn”.
“Chính sách phát triển cho đội ngũ người thầy lúc này cần có những sáng suốt trên cả hai khía cạnh kinh tế - giáo dục”, GS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.
Khi mục tiêu giáo dục phổ thông là phát triển hệ thống năng lực, trong đó, năng lực tự học, tự phát triển là cốt lõi thì giáo viên không còn đóng vai trò chỉ là người truyền đạt tri thức mà chủ yếu là người tổ chức hoạt động tìm tòi, tự lực chiếm lĩnh tri thức. Theo đó, giáo viên phải tự học, tự phát triển nghề nghiệp thường xuyên để đổi mới giáo dục phổ thông.
Đào tạo lại để có đội ngũ GV chất lượng cao
Theo Bộ GD&ĐT, trong năm học 2017 - 2018, Bộ xây dựng bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý mới. Đó là cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, sắp xếp, quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn. Từ đó có biện pháp xử lý đối với cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Với các giáo viên chưa đạt chuẩn, cần có quá trình đào tạo lại, nâng cao chất lượng giảng dạy, chuẩn hóa đội ngũ.
Đưa ra quan điểm đào tạo lại đội ngũ GV trong “bối cảnh kép”, GS Đặng Quốc Bảo cho rằng, cùng với các nội dung bồi dưỡng truyền thống, cần đặc biệt chú ý đến bồi dưỡng STEM cho đội ngũ người thầy. Cần thiết kế được STEM với các trình độ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và bồi dưỡng STEM cho đội ngũ giáo viên đang có. Ai không thích ứng được yêu cầu bồi dưỡng này cần có sự vận động để họ tự thanh lọc.
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, công nghệ dạy học, với sự ưu việt của đào tạo tín chỉ, mô hình đào tạo người thầy qua phương thức “học qua hành” mang tính ưu việt. Đây là sự tổ hợp của 2 môi trường học tập: Trường học và thực tiễn. Người học tham dự khóa học trong 2 ngày/tuần và dành 3 ngày khác trong tuần để làm việc áp dụng điều đã học vào cuộc sống.
Đồng quan điểm về nâng cao chất lượng đội ngũ, NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, nâng cao chất lượng giáo viên là nhân tố chủ chốt để tạo nên sự chuyển biến chất lượng trong nhà trường. Vì vậy cần động viên, khuyến khích mọi người tích cực tự học, tự bồi dưỡng, làm thay đổi tư duy thụ động trì trệ cho rằng đào tạo ở các trường sư phạm là đủ, hoặc cho rằng cứ dạy lâu là lên lão làng, từ đó không chịu học tập, bồi dưỡng, không theo kịp với sự đổi mới của xã hội, không cập nhật các thông tin khoa học, tri thức của thời đại và sẽ dần trở nên lỗi thời ngay với học sinh khi các em có nhiều kênh thông tin để cập nhật kiến thức.