Mới đây, trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ quốc gia nào, GD-ĐT luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc.
Trước những thông tin trái chiều và có những lúc giáo dục đã trở thành “điểm nóng”, trở thành “tâm bão” của dư luận xã hội, song điều đó không khiến những người trong cuộc nao núng, trái lại họ càng thêm quyết tâm nỗ lực, phấn đấu để có thể chiếm trọn niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Chúng ta không thể quên những hình ảnh người thầy, người cô vượt đèo, lội suối để đến trường dạy học mỗi ngày. Càng không thể nào quên hình ảnh các thầy, cô giáo đã tình nguyện hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đem con chữ đến những bản làng xa xôi, thậm chí là “thâm sơn cùng cốc”. Còn có những người thầy, người cô sẵn sàng cõng hàng chục cân lương thực vượt đèo cao, suối sâu để học sinh của mình kịp bắt đầu năm học mới... Còn biết bao câu chuyện cảm động khác về các thầy cô hết mình cho sự nghiệp giáo dục…
Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi lễ “Thay lời tri ân”, dù còn muôn vàn gian khó nhưng đội ngũ nhà giáo trên cả nước luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước nhà.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của đại biểu và đồng bào cử tri cả nước. Trên hết đó là tình cảm, là niềm tin về một nền giáo dục đã từng trải qua nhiều bước thăng trầm của đổi mới.
Chẳng thế mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định, giáo dục đã đóng góp không nhỏ vào việc cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Những thành tích giáo dục như: Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học đã được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực… Đó là thành tựu không ai có thể phủ nhận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã từng nói: Không nên lấy sự việc cụ thể để phủ nhận kết quả, nỗ lực của ngành Giáo dục. Chúng ta cần có đánh giá khách quan, tạo dư luận đúng đắn, tốt hơn cho xã hội. Mới đây nhất, khi phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội cũng đã gửi gắm niềm tin vào ngành Giáo dục, vào các thầy cô giáo và mong rằng, toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.
Không chỉ có những đánh giá, ghi nhận những thành tựu của giáo dục trong nghị trường, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cũng bày tỏ tâm đắc về những định hướng đổi mới sắc nét của ngành Giáo dục. Điều đó đã và đang được hiện thực hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể. Đơn cử như giáo dục đại học đã có nhiều chuyển động tích cực, đào tạo đã gắn với thực hành và nhu cầu của xã hội.
Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chất lượng giáo dục các cấp học đã được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là giáo dục của nước ta đã được các nước trong khu vực và trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao.
Bấy nhiêu những thành tích, bấy nhiêu những tình cảm cũng chỉ muốn nói lên một điều: Niềm tin đối với giáo dục là “sợi dây” hữu hình không phải vô hình như những câu nói ví von mang tính ước lệ. Niềm tin ấy, sợi dây ấy là những việc làm, hành động thiết thực và là những giọt mồ hôi, những bước chân không mỏi của những người thầy, người cô vẫn ngày ngày miệt mài “gieo chữ”.