Đổi mới xét công nhận tốt nghiệp THPT thúc đẩy việc dạy và học

GD&TĐ - Một điểm mới của xét tốt nghiệp THPT năm 2025 là tăng tỷ trọng điểm học bạ và sử dụng điểm cả 3 năm THPT, không chỉ lớp 12.

Giờ học tại Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: NTCC

Đồng tình với điều này, các nhà trường cũng nói không với “làm đẹp học bạ” và đưa ra giải pháp tăng tính trung thực, khách quan trong đánh giá ở THPT.

Khuyến khích học sinh nỗ lực liên tục

Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025 quy định việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 50 - 50. Điểm trung bình học bạ các năm THPT được tính theo trọng số. Trước đây, trọng số điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp là 30% và chỉ lấy kết quả học tập ở lớp 12.

Theo thầy Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình), chỉ sử dụng điểm lớp 12 với trọng số nhỏ trong công thức xét tốt nghiệp THPT như trước đây có thể dẫn đến việc học sinh thiếu động lực học đều các năm lớp 10, 11. Điều này có thể tạo ra sự mất cân đối trong đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.

Do đó, Bộ GD&ĐT tăng tỷ lệ sử dụng điểm học bạ từ 30% lên 50% và tính cả 3 năm THPT là phù hợp, đánh giá toàn diện năng lực, khuyến khích các em học đều từ lớp 10, không chỉ tập trung vào lớp 12. Trọng số nhỏ hơn cho các năm lớp 10, 11 cũng là hợp lý để bảo đảm sự công bằng với lớp 12, năm học quyết định và tập trung nhiều kiến thức trọng tâm.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Ngọc Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh (Thừa Thiên Huế) nhận định, đổi mới trong cách tính điểm xét tốt nghiệp có tác dụng thúc đẩy việc dạy - học ngay từ khi học sinh bước vào THPT; đánh giá sát, đầy đủ, toàn diện hơn năng lực người học (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết), phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, để đảm bảo được việc này cần làm tốt công tác kiểm tra đánh giá; kết quả của quá trình đánh giá phải phản ánh đúng thực chất việc dạy và học của nhà trường.

Phân tích sự phù hợp của cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT mới, cô Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) nhấn mạnh đến ưu điểm đánh giá toàn diện; khuyến khích học sinh nỗ lực liên tục và giảm áp lực thi cử.

Theo đó, khi lấy điểm của cả 3 năm học sẽ phản ánh quá trình học tập lâu dài và nhất quán của học sinh. Điều này phù hợp với mục tiêu giáo dục hướng đến phát triển toàn diện. Học sinh sẽ có động lực duy trì thành tích học tập ngay từ lớp 10, tránh tâm lý chủ quan hoặc tập trung học ở năm cuối cấp. Tăng trọng số điểm học bạ đồng nghĩa việc giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp, giúp học sinh bớt căng thẳng trong kỳ thi.

Chia sẻ quan điểm về việc này, cô Vũ Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, trong các phương thức xét tuyển đại học, xét điểm học bạ đã gắn rõ với “điểm sàn” 3 môn thi và các chứng chỉ quốc tế.

Quy định xét tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 50% điểm học bạ chỉ dừng ở việc xét tốt nghiệp THPT, không ảnh hưởng đến kỳ thi và xét tuyển đại học. Khi mục tiêu giảng dạy của các trường luôn gắn rõ mục tiêu tốt nghiệp THPT với xét tuyển đại học, thì tăng tỷ lệ điểm học bạ có thể được coi là biện pháp đắc lực, hỗ trợ cho việc nâng cao, đa dạng chất lượng giảng dạy theo các mục tiêu đầu ra lớp 12.

thuc-day-viec-day-va-hoc2.jpg
Ảnh minh họa INT.

Không để tình trạng làm đẹp học bạ

Trước băn khoăn về việc hiện tượng “làm đẹp học bạ” khi tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT tăng lên, thầy Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định “nhà trường không lo vấn đề này”. Lý do, trường luôn thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá (kiểm tra tập trung đối với tất cả môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số); đồng thời theo dõi và phân tích kết quả tích lũy của học sinh theo tiến độ thời gian.

Chia sẻ giải pháp để tăng tính trung thực, khách quan của điểm học bạ, thầy Nguyễn Ngọc Hiền nhấn mạnh đầu tiên đến việc nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên. Bên cạnh tiến hành kiểm tra tập trung với các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số, sau kiểm tra, đánh giá, nhà trường cần tổng hợp, phân tích, đối sánh dữ liệu giữa các giáo viên, các lớp.

Để tăng tính trung thực, khách quan của điểm học bạ, chia sẻ giải pháp của Trường THPT Mường Chiềng, thầy Nguyễn Văn Minh nhắc đến việc sử dụng công nghệ, như xây dựng hệ thống quản lý điểm trực tuyến, minh bạch và công khai để phụ huynh, học sinh theo dõi. Tăng cường kiểm tra chéo: Thành lập các đoàn kiểm tra học bạ định kỳ từ cấp trên. Nâng cao nhận thức tuyên truyền về ý nghĩa của việc đánh giá thực chất trong giáo dục.

Cũng chia sẻ giải pháp, cô Nguyễn Thị Diễm Trang lưu ý, ở cấp nhà trường, cần xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể, áp dụng công nghệ để hỗ trợ và tăng cường công tác kiểm tra. Cơ quan quản lý cao hơn thì tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức đánh giá chéo để bảo đảm khách quan, trung thực.

“Nhà trường đã đưa ra các giải pháp trong học kỳ II để bảo đảm chất lượng dạy học, ôn tập, nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, hoàn thiện chương trình, tăng cường bồi dưỡng kiến thức cơ bản, tích hợp ôn tập trong dạy học. Tổ chức ôn tập hiệu quả với việc phân loại học sinh, lập kế hoạch ôn tập chi tiết, thực hành đề thi.

Tăng cường kỹ năng làm bài thi, định hướng kỹ năng làm bài, luyện tập đa dạng cho học sinh. Nhà trường cũng quan tâm động viên và hỗ trợ học sinh với việc thầy cô luôn sẵn sàng tư vấn tâm lý cho các em; khen thưởng và khuyến khích, hỗ trợ học sinh yếu. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, đánh giá, hợp tác với phụ huynh trong hỗ trợ, động viên học sinh học, ôn tập”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang cho biết thêm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ GD&ĐT giảm tải. Việc đưa ra các môn bắt buộc và tự chọn chắc chắn khiến tỷ lệ sử dụng điểm học bạ trở nên có giá trị thực sự, gắn với đánh giá thật, lựa chọn đúng môn thi, năng lực học của học sinh. Sử dụng tỷ lệ điểm học bạ cả 3 năm THPT vào xét tốt nghiệp và tăng tỷ trọng điểm này phản ánh đúng mục tiêu giảm áp lực cho kỳ thi và hướng học sinh học, phát triển, lựa chọn… đúng năng lực của mình. - Cô Vũ Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phenikaa (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

Man Utd đổi Rashford lấy Osimhen

GD&TĐ - Marcus Rashford trở thành tâm điểm cho thỏa thuận trao đổi kinh ngạc liên quan đến tiền đạo Victor Osimhen của Napoli.