Tuyển sinh đại học năm 2025: Bám sát chương trình mới

GD&TĐ - 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. 

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Lê Nam
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Lê Nam

Các trường đại học có nhiều điều chỉnh về phương thức, tổ hợp xét tuyển, mở rộng kỳ thi riêng để phù hợp với sự thay đổi này.

Thay đổi tổ hợp xét tuyển

Năm 2025, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự định cải tiến cách thức tuyển sinh. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường cho biết, trường dự kiến dành từ 50 - 60% chỉ tiêu xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đồng thời giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15 - 20%. Một điểm mới trong phương án tuyển sinh của nhà trường là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức.

Với kinh nghiệm lần thứ 2 tổ chức thi V-SAT, nhà trường nhận thấy tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi năm 2024 tăng hơn 300% so với năm 2023. Nếu như năm 2024, thí sinh chỉ đăng ký các tổ hợp môn thi xét tuyển trong 7 môn thuộc các khối truyền thống A, B, D (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý); đến năm 2025, kỳ thi dự kiến đưa môn Ngữ văn vào trong tổ hợp môn thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh xét tuyển khối C. - PGS.TS Nguyễn Đức Trung (Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM)

Về tổ hợp xét tuyển (phương thức xét dựa vào điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT), nhà trường dự kiến sử dụng tổ hợp 3 môn, trong đó môn Toán bắt buộc để xét tuyển cho hầu hết các ngành. Tuy nhiên, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Luật kinh tế lấy môn chính là Ngữ văn; Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc lấy môn chính là Tiếng Anh. Hai môn khác trong tổ hợp xét tuyển, nhà trường sẽ nghiên cứu kỹ chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa.

Thay đổi trong tổ hợp môn xét tuyển, đặc biệt phương thức xét dựa vào điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT được nhiều trường đại học tính đến khi từ năm 2025, môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên được đưa vào nhóm môn thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chuyên gia giáo dục - ThS Hồ Sỹ Anh, nguyên Nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, các trường đại học cần xây dựng thêm các tổ hợp tuyển sinh mới có môn Tin học, Công nghệ để học sinh có định hướng học tập. Việc công bố sớm các tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ nhằm tăng thêm cơ hội cho học sinh đi vào các ngành nghề STEM (Science - Khoa học; Technology - Công nghệ; Engineering - Kỹ thuật và Mathematics - Toán học).

Theo ThS Hồ Sỹ Anh, Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, trong đó có 7 năng lực đặc thù: Toán học, Ngôn ngữ, Khoa học, Tin học, Công nghệ, Thể chất và Thẩm mỹ. Trong đó, năng lực Tin học và Công nghệ chưa từng đặt ra ở các chương trình giáo dục trước đây. Nhưng năng lực Tin học và Công nghệ là 2 yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và đại học.

Dẫn thống kê của Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục này cho rằng, sinh viên Việt Nam học ngành STEM vẫn còn ít so với các nước trong khu vực và châu Âu. Trong khi đó, nhân lực STEM đóng vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nhiều quốc gia. Ngành nghề STEM rất phong phú và không ngừng phát triển, chủ yếu tuyển sinh theo khối A (A00, A01, A02, A03…) và khối B (B00, B01, B02, B03, B04…).

“Việc đưa vào tổ hợp xét tuyển mới có môn Tin học và Công nghệ sẽ giúp học sinh tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10 và đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT. Điều này, không chỉ giúp cho các trường đại học thu hút được nhiều sinh viên theo học ngành STEM từ quy mô 500.000 - 600.000 sinh viên hiện nay lên 1 triệu vào năm 2030, theo quy hoạch phát triển giáo dục đại học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà còn tác động tích cực hơn với giáo dục phổ thông”, ThS Hồ Sỹ Anh nhận định.

bam-sat-chuong-trinh-moi-2-8313.jpg
Trường Đại học Công Thương TPHCM ký kết thỏa thuận sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, tháng 10/2024. Ảnh: Trung Phong

Thi đánh giá năng lực chuyên biệt thành phương thức riêng

Sau 3 năm liên tiếp vận hành thử nghiệm, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã xây dựng được quy trình tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt cẩn trọng, nghiêm túc. GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, trong chiến lược phát triển sắp tới, trường dự kiến sẽ tiếp tục có những thay đổi để kỳ thi gắn liền với Chương trình GDPT 2018.

Theo đại diện Trường Đại học Sư phạm TPHCM, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 có các bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Nhà trường dự kiến sẽ tổ chức 3 - 5 đợt thi tại nhiều điểm thi với số lượng trên 30 nghìn lượt thi. Dự kiến, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong năm 2025.

Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh này có điểm thay đổi quan trọng. Nếu như 3 năm trước, Trường ĐH Sư phạm TPHCM áp dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt thì từ năm 2025, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ trở thành phương thức tuyển sinh độc lập.

bam-sat-chuong-trinh-moi-1.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Ảnh: HUB

Cách thức xét tuyển này sẽ dẫn đến thay đổi quan trọng trong việc đăng ký môn thi của thí sinh. Nếu trước đó, để xét tuyển phương thức này, thí sinh chỉ cần chọn thi tối thiểu một môn trong số các môn thi được tổ chức. Điểm xét tuyển được xác định là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) nhân hệ số 2, cộng với điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp là điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT.

Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD&ĐT, được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Năm 2025, thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành dành riêng cho phương thức xét tuyển này. Điểm xét tuyển dự kiến gồm điểm 1 môn chính nhân hệ số 2 cộng điểm 1 môn còn lại trong tổ hợp.

Ngoài Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ 2025, nhiều trường đại học khác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trong tuyển sinh như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Huế…

Mới đây, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã ký kết thỏa thuận với Trường Đại học Công Thương TPHCM về việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Theo đó, Trường Đại học Công Thương TPHCM sẽ trở thành một điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, tạo điều kiện cho thí sinh tại TPHCM và khu vực lân cận có thêm nhiều cơ hội tham gia kỳ thi, phục vụ cho công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2025.

bam-sat-chuong-trinh-moi-4.jpg
Xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành phương thức tuyển sinh riêng trong năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Mở rộng kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính

Kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) khởi đầu từ việc 4 trường đại học (Ngân hàng TPHCM, Tài chính - Marketing, Sài Gòn, Mở TPHCM) và Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức vào năm 2023. Năm 2024, kỳ thi được mở rộng với 10 trường đại học hợp tác triển khai tổ chức thi và sử dụng chung kết quả của kỳ thi này (ngoài 4 trường nêu trên còn có thêm các trường Đại học Luật TPHCM, Văn Lang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đại học Thái Nguyên và Học viện Ngân hàng).

PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, dự kiến trong năm 2025, trên 30 trường đại học tham gia vào “hệ sinh thái” này nhằm tạo nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các trường đại học. Đây là điều kiện thuận lợi để thí sinh các vùng Bắc - Trung - Nam tham gia xét tuyển nhưng không nhất thiết phải đến tận trường mình dự kiến xét tuyển vào để dự thi.

Năm 2024, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM dành 10 - 15% xét tuyển vào chương trình Tiếng Anh bán phần và 35 - 40% đối với chương trình đại học chính quy chuẩn bằng V-SAT. Kết quả cho thấy tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi V-SAT tại trường thực hiện đăng ký xét tuyển chiếm tỷ lệ rất cao trong chỉ tiêu nhập học. Phương thức này có số thí sinh đăng ký ảo khá thấp.

Năm 2025, nhà trường sẽ tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển (5 phương thức) và sẽ dành cho phương thức xét tuyển V-SAT một tỷ lệ tích cực, giúp thí sinh có thể dự thi tại các trường tổ chức thi V-SAT trên toàn quốc và lấy kết quả xét tuyển vào Trường Đại học Ngân hàng TPHCM.

Ông Nguyễn Đức Trung nêu 2 lợi thế lớn nhất trong phương thức thi V-SAT. Thứ nhất, thí sinh được thi nhiều môn và tham gia nhiều đợt thi, được sử dụng tổ hợp môn, kết quả của lần thi có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển. Cách thức sử dụng kết quả thi này giúp thí sinh có thể lựa chọn thời gian thi thoải mái nhất, thoát khỏi áp lực của một kỳ thi quan trọng duy nhất trong năm (Kỳ thi tốt nghiệp THPT, PV), thoát khỏi nỗi sợ hãi và rủi ro về “học tài thi phận”.

Thứ hai, V-SAT là một kỳ thi dùng chung ngân hàng đề của Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11). “Với định dạng tương tự như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể coi đây như một lần thi thử, đánh giá lại năng lực học tập của mình cũng như làm quen với Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Trung nói.

Ngày 6/10, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 và phương hướng từ năm 2025 tại Trường Đại học An Giang. Theo đó, từ năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM giảm bớt các phương thức tuyển sinh đại học.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết đã thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, đơn vị khuyến khích các trường thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc sản xuất tiêm kích F-35 của Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ đang chuẩn bị cho xung đột?

GD&TĐ - Tổng thống Trump đã áp thêm 10% thuế quan với hàng hóa từ Trung Quốc bất chấp những lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nền công nghiệp quốc phòng Mỹ.