Những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đổi mới, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế GRDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tuyển sinh và đào tạo trên 200.500 người, nhiều ngành, nghề đào tạo được mở thêm, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực.
Hiện, toàn tỉnh có 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 5 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với tổng quy mô tuyển sinh hơn 45.000 học sinh, sinh viên/ năm
Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nội dung về đào tạo nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới; năng lực quản lý nhà nước, quản trị cơ sở, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo chưa cao; quy mô đào tạo chưa tương xứng với lực lượng lao động; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và cách mạng công nghệ số...
Để tạo sự phát triển đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thay đổi nhanh cơ cấu và chất lượng nhân lực của tỉnh theo hướng hiện đại trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Thái Nguyên đã đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc tỉnh, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và các nước ASEAN-4; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%.
Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 25% lực lượng lao động.
Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; củng cố, nâng cao năng lực đào tạo của cơ sở GDNN chuyên biệt để đào tạo cho người dân tộc thiểu số học nội trú; Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%.
Ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại. Phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia. Đồng thời, có 01 trường cao đẳng của tỉnh đạt chất lượng cao….
Đồng thời, dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2025 tỉnh Thái Nguyên sẽ bố trí hơn 600 tỷ đồng cho công tác giáo dục nghề nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hằng năm, nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác, nguồn thu từ học phí, thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động liên doanh, liên kết và vốn xã hội hóa.