Đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm

Đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm
Các phương án tuyển sinh cần đặt quyền lợi của thí sinh lên vị trí trung tâm
Các phương án tuyển sinh cần đặt quyền lợi của thí sinh lên vị trí trung tâm

Phụ huynh sẽ bỏ phiếu chất lượng giáo dục các nhà trường

 

Sắp tới Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản chỉ đạo với tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4: Nói đi đôi với làm; Nói ít làm nhiều, với tinh thần như một trận đánh. Chiến dịch diễn ra vài ngày nhưng chuẩn bị nhiều năm. Khâu chuẩn bị là quan trọng, phát lệnh thì đơn giản.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Chân tình, cởi mở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tâm sự: Tôi xin chia sẻ với các cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện triển khai ngay tự chủ tuyển sinh lo lắng băn khoăn không muốn từ bỏ “3 chung”. Tôi hình dung hồi mình làm hiệu trưởng, hiệu phó trường ĐH, cũng phải cắm trại làm đề, tôi cũng sẽ phát biểu giữ “3 chung”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đến thời điểm này, đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm. Các trường phải xử lý vấn đề thi tuyển sinh theo hướng là vấn đề quan trọng, nhưng không phải duy nhất của hoạt động đào tạo.

Với tuyển sinh riêng, Bộ trưởng cho biết: Trên thực tế tại ĐHQG TPHCM, khối các trường văn hóa nghệ thuật đã làm, ĐHQG HN cũng đang tích cực triển khai. Để thấy ngành GD không chỉ thay đổi nhận thức mà thực tế đã thực hiện việc này, không phải là thí nghiệm mà thực nghiệm, làm thật, có kết quả.

Việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đại học cần có một ngưỡng chất lượng của đầu vào nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Hiện ngưỡng chất lượng đang bị coi quá nặng, quá hệ trọng, lấn át mọi việc khác. Cần đổi mới tư duy nhận thức vấn đề này.

Một số nhà trường than phiền ít nguồn tuyển phương thức tuyển sinh, Bộ trưởng cho rằng đó chỉ là một trong nhiều lý do. Bộ trưởng khẳng định: Việc làm của các sinh viên, chất lượng đầu ra mới là điều quan trọng. Nghị Quyết T.Ư 8 lần này không chỉ ngành GD mà toàn dân quán triệt và thực tế cuộc sống cho ta bài học là phải có chất lượng. Phụ huynh sẽ cân nhắc mức tiền đầu tư cho con để bỏ phiếu chất lượng giáo dục các nhà trường.

Bộ GD&ĐT không giới hạn hình thức thi tuyển

Có băn khoăn cho rằng, việc giao cho các nhà trường tuyển sinh riêng tức là trở lại thời kỳ trước “3 chung”. Câu trả lời từ vị lãnh đạo ngành Giáo dục: Đây là tư duy cũ.

Bộ trưởng lý giải: Với các trường khối văn hóa, nghệ thuật, xét tuyển kết hợp năng khiếu với kết quả bậc phổ thông là một phương thức. Còn phương thức khác là dựa vào trí tuệ của tập thể sư phạm, với kinh nghiệm giảng dạy, hiểu biết về ngành nghề, các thông tin nhà trường có được để thay đổi. Nếu vẫn là mua đề, xin đề thì là tư duy cũ.

Có thể thi kết hợp xét tuyển, có thể phỏng vấn hoặc hình thức khác… Bộ GD&ĐT không giới hạn hình thức thi tuyển. Các trường đào đạo nhiều ngành nghề, cung cấp cho rất nhiều đối tượng, các trường ĐH, CĐ căn cứ vào thực tiễn, cùng với hiểu biết của mình để thảo luận tìm ra một phương thức tuyển sinh phù hợp nhất với mỗi trường và hỗ trợ, góp phần cho sự thay đổi của phổ thông.

Nguyên tắc là tự chủ nhưng vì có trường có thể tuyển ngay được, có trường vẫn phải chuẩn bị. Học sinh cũng phải có sự thích nghi nên phải có giai đoạn quá độ. Vậy những trường nào chưa chuẩn bị kỹ, chưa có lực lượng đầy đủ, đảm bảo, thì vẫn dùng cách cũ “3 chung”. Nhưng trong quá trình dùng cách cũ như vậy phải tích cực chuẩn bị để chuyển phương án mới.

 

Chắc chắn, cẩn thận nhưng không tùy tiện. Khẩn trương, tích cực nhưng không vội vàng

Bộ trưởng nhấn mạnh: Phương án tuyển sinh mới của các trường phải để Bộ GD&ĐT xác nhận vì phải chuyển phương thức tuyển sinh một cách có trật tự. Đây là vấn đề lớn liên quan hàng triệu học sinh, đằng sau đó là hàng triệu gia đình. Về phía các nhà trường là chuẩn bị chu đáo, còn về phía học sinh thì cần sẵn sàng. Cần để một thời gian nhưng không thể dài, vì đổi mới căn bản toàn diện mà chùng chình thì không được.

Bộ trưởng đề nghị các trường quán triệt tinh thần chu đáo, chắc chắn, cẩn thận nhưng không được tùy tiện, đồng thời khẩn trương, tích cực nhưng không vội vàng. Các trường tập trung suy nghĩ của mình vào việc chuẩn bị phương án, nếu năm nay chưa đủ thì lùi năm sau, nhưng phải có thời hạn vì đây là mệnh lệnh cuộc sống, mệnh lệnh của Đảng.

Được biết, Bộ GD&ĐT cân nhắc “thời gian quá độ” để chuyển đổi phương thức tuyển sinh là 3 năm, bởi nếu để 4 - 5 năm thì đã là một nhiệm kỳ, còn nếu ít hơn 3 năm thì sẽ là quá hấp tấp. Hình thức thi “3 chung” tồn tại trong giai đoạn quá độ - chuyển tiếp, giúp các cơ sở đào tạo chuẩn bị kỹ điều kiện để triển khai phương thức tuyển sinh riêng.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra giải pháp: Giao quyền tự chủ cho các nhà trường, trong đó có quyền các trường chưa đủ điều kiện có thể nhờ Bộ. Chúng tôi tôn trọng quyền tự chủ của các trường, tôn trọng nếu trường nào còn yếu, Bộ GD&ĐT sẽ giúp trong những năm tới đây, thực hiện cách này sẽ không phạm Luật GD ĐH.

Tuy nhiên, Bộ vẫn mong các các nhà trường tích cực chuẩn bị. Có thể có lộ trình, tính toán phương án thay đổi sâu sắc, thay đổi theo lộ trình từng năm, làm sao để HS không lo lắng, phối hợp với thay đổi ở phổ thông.

Bộ trưởng chỉ đạo: Đổi mới tư duy, nhận thức trước hết là cán bộ chủ chốt, sau nữa là nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo trong cả hệ thống. Chúng ta phải thay đổi nhận thức và thống nhất cao độ tạo nên sự đồng thuận của toàn xã hội.

Sự nghiệp đổi mới giáo dục là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý là đội quân chủ lực, tiên phong, vừa là người ở mặt trận chính, vừa là người tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cả T.Ư và địa phương cùng các lực lượng xã hội khác để có sự triển khai đồng bộ. Bộ trưởng đề nghị cán bộ toàn ngành GD chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy, từ Ban chấp hành T.Ư tới các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy các nhà trường.

Chú ý công tác truyền thông giáo dục

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc nhở các trường ĐH, CĐ chuẩn bị thật kỹ về lực lượng, nghiên cứu kỹ về phương án, làm công tác truyền thông thật tốt.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc các Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ, các nhà trường có kế hoạch truyền thông để chuẩn bị cho các em học sinh từng bước thích ứng với sự đổi mới của Ngành.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Gia Hân

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ