(GD&TĐ) - Hiện cơ chế tuyển sinh “3 chung” phù hợp với nhóm trường này nhưng lại không phù hợp với nhóm trường khác. Chúng ta nên đặt vấn đề không phải các trường tư không tuyển sinh được rồi đổ lỗi cho cơ chế tuyển sinh mà cải tiến cơ chế tuyển sinh, hoặc nghiên cứu lại cơ chế tuyển sinh để khắc phục điều đó.
PGS.TS Lê Phước Minh |
Theo tôi, nếu có ai đó tư duy như vậy thì có nghĩa là họ vẫn đang tư duy theo kiểu “vá víu”. Trong khi giai đoạn này đang là cơ hội vàng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới tuyển sinh.
Tôi ví dụ như Trường ĐHQG TP HCM, khi đổi mới tuyển sinh, họ nghĩ ngay đến việc tuyển làm sao đúng người, đúng nghề và đúng với mong đợi, mục tiêu đào tạo của nhà trường. Như thế mới đúng.
Vấn đề không phải “3 chung” hay không, hoặc vì theo “3 chung” mà một số trường không tuyển sinh được. Thay đổi, cải tiến vì lý do này rốt cuộc cũng chỉ phục vụ cho mục đích ngắn hạn của một nhóm cục bộ, vì khó khăn trong tuyển sinh nên đề xuất thi riêng để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, rồi cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng kim cô đó. Một số bàn luận hiện nay rõ ràng không đi vào định hướng chung.
Tôi tâm đắc lời phát biểu của Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Phải làm sao để hệ thống cơ chế tuyển sinh ĐH định hướng cho việc dạy – học ở bậc phổ thông. Đây mới là những vấn đề lớn chúng ta phải bàn.
Tôi cho rằng vấn đề chúng ta cần bàn là: Tuyển sinh ĐH để đóng góp được trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới, định hướng mục tiêu giáo dục từ phổ thông đến đại học. Đem đến chất lượng giáo dục nói chung, chứ không phải để tuyển sinh đủ số lượng.
Cần lưu ý rằng bàn về vấn đề thi chung - thi riêng như một số ý kiến trên báo chí hiện nay thực chất không nói đến chất lượng giáo dục và định hướng cho đổi mới mục tiêu giáo dục, cho chất lượng nguồn nhân lực, không mang lại những đổi mới mạnh mẽ, đột phá, định hướng gì cho chất lượng giáo dục phổ thông.
Nếu chúng ta chưa tìm được một cơ chế tốt hơn, thì phải tiếp tục nghiên cứu. Bộ có thể cho phép các trường cải tiến tuyển sinh một chút, trong giai đoạn trước mắt. Còn khi bàn đến đổi mới tuyển sinh, cần đặt trên nền chất lượng chứ không chỉ nói về số lượng nữa.
Trong thực tế, để đưa ra một cách thức, mô hình tuyển sinh mới là công việc không hề dễ dàng, cần có sự nghiên cứu, bàn thảo thật kỹ lưỡng của chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế. Nếu không khéo, có khi ta thay đổi chỉ để đáp ứng những mục tiêu rất ngắn hạn.
Gia Hân ghi
Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com