Đổi mới thi cử: Cán bộ và công nghệ đều phải tốt

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, Bộ GD&ĐT đã xác định  đổi mới thi cử được đánh giá là một trong những khâu quan trọng nhất, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ thống giáo dục. Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đang đến gần, Báo GD&TĐ thực hiện cuộc trao đổi với GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục về vấn đề này.

GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục
GS.TS. Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục

PV: Thưa GS. Phạm Quang Trung, sau khi những tiêu cực của kì thi THPT Quốc gia năm 2018 được phát hiện ở một số địa phương, GS có ý kiến thế nào về chủ trương đổi mới hình thức cũng như phương pháp thi THPT hiện nay?

GS. Phạm Quang Trung: Trước tiên phải khẳng định, việc xảy ra những tiêu cực của kì thi THPT quốc gia năm 2018 ở ba địa phương là sự cố nghiêm trọng và bất ngờ, có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Lãnh đạo Bộ cũng đã phân tích, đánh giá rất kỹ về hiện tượng này, tìm ra nguyên nhân và quyết tâm có giải pháp khắc phục.

Vụ gian lận thi cử năm 2018 ở ba tỉnh có tác hại rất xấu, gây ảnh hưởng đến dư luận và cần phải nghiêm khắc xử lý để đảm bảo niềm tin của xã hội vào hệ thống của chúng ta. Theo tôi, quan điểm giải quyết và kiên quyết xử lý vụ việc theo chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ là hoàn toàn đúng đắn.

Chủ trương Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn. Việc Bộ GD&ĐT chọn đổi mới thi, kiểm tra đánh giá là một trong những giải pháp trọng yếu và cấp thiết trong tiến trình phát triển giáo dục.

Học như thế nào, dạy như thể nào và thầy trò, nhà trường, phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, rồi phụ huynh học sinh, xã hội… đều là nhân tố ảnh hưởng lớn đến thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, kết quả giáo dục, dạy học của nhà trường.

Chính vì thế, dù thay đổi toàn bộ hoặc điều chỉnh một yếu tố nhỏ trong quá trình giáo dục và dạy học đều ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả người học. Chúng ta phải thừa nhận rằng, so sánh với các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học riêng rẽ, kỳ thi ba chung những năm trước đây, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã thể hiện nhiều ưu điểm: gọn nhẹ, tiết kiệm lớn chi phí xã hội, giảm tải, bớt căng thẳng nặng nề và có tính hiệu quả.

Chính vì xét thấy tính hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển cho nên Nhà nước và Bộ GD mới cho chủ trương thực hiện. Cái hay, cái ưu điểm là rất chủ yếu và rõ ràng, được xã hội đánh giá cao và đồng tình. Nhưng, khâu yếu nhất trong sai sót ở ba tỉnh có tiêu cực đó chính là con người!

Chúng ta trả giá cho việc này và càng thấm thía một nguyên tắc: Con người là quyết định, cán bộ là nhân tố quyết định. Công nghệ thi và kiểm tra đánh giá kết quả học tập có hiện đại đến đâu cũng vẫn được điều chỉnh, điều khiển bởi những người thực thi, nên yêu cầu người thực thi nhiệm vụ phải nghiêm túc và có trách nhiệm.

Tiếp tay cho gian lận thi cử, đã có những cán bộ ngành giáo dục phải trả giá trước pháp luật
Tiếp tay cho gian lận thi cử, đã có những cán bộ ngành giáo dục phải trả giá trước pháp luật  

Những sai sót vừa qua sẽ không xảy ra nếu mọi cán bộ trong quy trình đều làm tốt, làm nghiêm túc. Vì vậy, năm nay, tôi cho rằng, chúng ta phải đặc biệt chú ý yếu tố con người, những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện kỳ thi.

Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT hiện nay, về cơ bản đang được đánh giá là ưu việt, là đổi thay cần thiết và tiếp tục được giữ ổn định cơ bản để thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa những bất cập, hạn chế của kì thi năm trước, như lời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định trước Quốc hội. Tuy nhiên, thi cử, hay kiểm tra đánh giá là cần sự vào cuộc của cả xã hội, những bên liên quan không thể thiếu trách nhiệm, thờ ơ, đứng ngoài cuộc.

PV: Việc đánh giá kết quả học tập của người học nói chung hiện nay vẫn còn nặng về hình thức. Thưa GS, cần phải làm gì để đánh giá kết quả học tập sát thực hơn nữa?

GS. Phạm Quang Trung: Nhận xét như vậy thì cũng chỉ đúng một phần! Có nhiều trường làm rất tốt, tích cực đổi mới, chú trọng chất lượng. Những cũng còn nhiều nơi làm chưa tốt, còn chạy theo mong muốn “bảng điểm đẹp” của phụ huynh và học sinh.

Hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông đã được định hướng rồi, quan điểm dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, thì việc đánh giá kết quả học tập cũng phải theo năng lực, chú trọng vào khả năng, sáng tạo tri thức của từng cá nhân người học.

Thầy cô không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học là tâm điểm đánh giá nữa, mà chú ý đến chuẩn đầu ra của môn học, đến năng lực sáng tạo, ứng dụng trong tình huống thực tiễn, đến toàn bộ quá trình học tập của học trò. Đánh giá kết quả học tập như thế sẽ thúc đẩy các đổi mới về phương pháp dạy học, về cách thức tổ chức dạy học, và đương nhiên, phải đổi mới quản lý giáo dục và đổi mới một cách đồng bộ.

Nhà trường cần quán triệt quan điểm đánh giá kết quả học tập theo năng lực người học; mỗi loại hình trường, lớp có tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá phù hợp; giảm áp lực về thành tích đối với thầy cô, học sinh; trân trọng và trung thực với kết quả dạy học, tôn trọng sự khác biệt; Giáo dục gia đình cần thay đổi tư duy về điểm số đánh giá kết quả học tập của con em, tôn trọng, phát triển năng lực, sử trường, sự yêu thích hứng thú học tập của con em; Và xã hội đề cao việc thực học, thực nghiệp của công dân.

Việc đánh giá cái gì đó luôn là nhạy cảm vì nó liên quan đến yếu tố tâm lý, uy tín, danh dự… của cả hai phía chủ thể, đối tượng đánh giá, và cả những nhân tố khác nữa.

Đúng là hiện nay, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở nhiều nơi còn hình thức, sự phân loại chưa cao, chưa thể hiện rõ năng lực học sinh, có nhiều dấu hiệu tiệu cực, nể nang… Hiện tượng bội thực “học sinh giỏi”, “siêu học bạ”, “bảng điểm siêu nhân”…. rồi ngay cả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia: 97.57% cũng cần phải tư duy lại về đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Con số tỷ lệ học sinh khá giỏi, tốt nghiệp cao không có lỗi, vấn đề là con số ấy có thực chất không, có thực sự là niềm hạnh phúc của từng cá nhân học trò, từng thầy cô, nhà quản lý và cha mẹ học sinh hay không.

Nếu các sở giáo dục và các hiệu trưởng và thầy cô đồng lòng thực hiện tốt và nghiêm túc thì chắc chắn việc chấm điểm, đánh giá kết quả học tập sẽ đi vào thực chất. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ